Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam năm 1946

Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam năm 1946
Bác Hồ bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I.  Ảnh tư liệu

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ kính yêu cũng đồng thời là người có vai trò, ảnh hưởng sâu sắc và công lao to lớn trong việc đặt nền móng đầu tiên trong chặng đường xây dựng, phát triển Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đặc biệt, vai trò, ảnh hưởng và công lao của Bác thể hiện rất sâu sắc, là nhân tố quan trọng quyết định đối với quá trình chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử lịch sử - Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 1 năm 1946.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức từ nguy cơ đe dọa của “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm. Trước tình thế vô cùng khó khăn đó, Bác Hồ cùng với Chính phủ lâm thời đã tiến hành hàng loạt các biện pháp cấp bách để vừa bảo vệ, giữ vững, vừa tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển chính quyền cách mạng. Ngay sau khi đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Bác đã đề nghị Chính phủ nhanh chóng thực hiện nhiều công việc hệ trọng, trong đó có việc tổ chức Tổng tuyển cử nhằm bầu ra chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp. Bác nói: “Chúng ta cần phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống” (*).  

Thực hiện đề nghị của Bác, Chính phủ lâm thời đã thống nhất, ban hành Sắc lệnh số 14 (ngày 8/9/1945) về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội), thể hiện tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Sắc lệnh ấn định sau hai tháng sẽ mở cuộc tuyển cử; đồng thời quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Đây là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầu tiên bởi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử chính thức bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, qua đó bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám, từng bước hoàn chỉnh việc xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước.

Chuẩn bị hướng tới ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/1/1946), cùng với chỉ đạo chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho cuộc bầu cử, để cổ vũ, động viên nhân dân cả nước tích cực thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, Bác Hồ đã viết bài “Về ý nghĩa tổng tuyển cử" đăng trên Báo Cứu Quốc (số ra ngày 31/12/1945). Với ngôn ngữ mang đậm phong cách đại chúng, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ của số đông người dân Việt Nam thời điểm đó, bài viết của Bác đã dẫn giải, chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử của công dân: "…Trong Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó" (*). 

Tiếp đó, vào thời điểm trước Tổng tuyển cử đúng một ngày (ngày 5/1/1946), Bác đã viết “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” nhằm động viên nhân dân cả nước tích cực tham gia bầu cử. Lời kêu gọi của Bác có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình” (*). Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước, niềm tự hào, náo nức trong tâm thế của người làm chủ hòa nhịp cùng khí thế hừng hực của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín(**). Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trong Tổng tuyển cử đầu tiên vô cùng trọng đại đó, Bác Hồ đã bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Và cũng trong ngày hội làm chủ lịch sử ấy, Bác Hồ đã được bầu với số phiếu tập trung rất cao. Thắng lợi lớn của cuộc Tổng tuyển cử chứng tỏ niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Đồng thời, ghi dấu vai trò, sự ảnh hưởng và công lao to lớn của Bác trong quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tuyển cử.

Thông qua những tư liệu lịch sử quý giá trên đây, chúng ta không chỉ thấu hiểu sâu sắc hơn vai trò, ảnh hưởng, công lao to lớn của Bác Hồ đối với việc xây dựng cơ quan quyền lực tối cao của đất nước mà còn thêm khâm phục về tấm lòng, tình cảm và nghệ thuật làm công tác dân vận của Bác. Không chỉ quan tâm, động viên nhân dân sử dụng quyền dân chủ cơ bản của mình, Bác còn ân cần, chu đáo trong việc lựa chọn cách thức tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện quyền bầu cử. Bác nói: “Trước hết, tôi xin tóm tắt Luật Bầu cử của ta thật là dân chủ. Tất cả các công dân gái cũng như trai, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, tự do lựa chọn người thay mặt mình…”. 

Là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khai sinh nền pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bác Hồ cũng đồng thời là tấm gương mẫu mực, ngời sáng trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về công tác bầu cử. Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, xuất phát từ lòng kính trọng, suy tôn Bác, nhiều người dân đã viết thư đề nghị Bác ứng cử ở địa phương mình. Trân trọng ghi nhận tình cảm, tấm lòng của nhân dân, Bác viết thư trả lời rất thân tình, thân ái: “… Tôi rất cảm động trước tình cảm của đồng bào… nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt ra khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ của người dân trong cuộc Tổng tuyển cử”.

Hiểu rõ vai trò, ảnh hưởng và công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu trong công tác bầu cử nói chung, trong cuộc Tổng tuyển cử lịch sử năm 1946 nói riêng, chúng ta càng thêm khâm phục, ngưỡng mộ tư tưởng, đạo đức, phong cách sáng ngời của Bác. Qua đó càng nhận thức sâu sắc thêm trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp thực sự tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.      
_________________________

(*) Tài liệu tuyên truyền 75 năm Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương). 
(**) Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946) bầu ra Quốc hội khóa I (1946-1960) với 403 đại biểu.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy