kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khác từng suýt chết trước vụ nổ tàu lặn Titan

Ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khác từng suýt chết trước vụ nổ tàu lặn Titan

Vụ nổ bi thảm của tàu lặn Titan cướp đi sinh mạng của 5 nhà thám hiểm không phải sự cố đầu tiên xảy ra gần xác tàu Titanic. Một loạt sự cố suýt chết khác từng xảy ra trước đó.

Ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khác từng suýt chết trước vụ nổ tàu lặn Titan
Tàu Titan lặn xuống đại dương. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh tin tức CBC của Canada, các chuyến thám hiểm tàu đắm Titanic vào năm 1991, 1995 và 2000 đều xảy ra những sự cố có thể khiến người trên tàu phải trả giá bằng mạng sống.

Tiết lộ trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ tuyên bố rằng toàn bộ người trên tàu lặn du lịch Titan - do công ty thám hiểm biển OceanGate điều hành - đã thiệt mạng sau một vụ nổ thảm khốc. OceanGate quảng cáo đây là chuyến thám hiểm chỉ có cơ hội xảy ra một lần trong đời, đưa du khách đi tận mắt chứng kiến xác tàu Titanic nổi tiếng bị chìm vào tháng 4/1912, khiến hơn 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Cả thế giới đã nín thở chờ đợi nhiều ngày, ngay từ giây phút đầu tiên khi các báo cáo cho biết thuyền trưởng cùng bốn hành khách có thể vẫn còn sống và bị mắc kẹt trong con tàu hỏng với nguồn dưỡng khí sắp cạn kiệt. 

Sau khi con tàu biến mất vào ngày 18/6, một nỗ lực cứu hộ quốc tế quy mô lớn đã được triển khai, nhưng các mảnh vỡ được tìm thấy 4 ngày sau đó rõ ràng là bằng chứng cho thấy mọi người trên tàu đã thiệt mạng ngay lập tức. Những nạn nhân xấu số bao gồm: thuyền trưởng và người sáng lập OceanGate Stockton Rush, 61 tuổi; nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, 58 tuổi; doanh nhân người Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood, 48 tuổi, và cậu con trai 19 tuổi Suleman Dawood; cùng với nhà thám hiểm dưới nước người Pháp Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi.

Có vẻ như thi thể của các nạn nhân sẽ không bao giờ được tìm thấy. Điều đó nghĩa rằng họ sẽ nằm lại mãi mãi tại “ngôi mộ tập thể” Titanic mà họ đang trên đường đến tham quan. 

Ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khác từng suýt chết trước vụ nổ tàu lặn Titan
Cuộc tìm kiếm tàu lặn Titan của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Ảnh: AFP

Vị trí con tàu huyền thoại Titanic nằm yên nghỉ cách bờ biển Newfoundland, Canada khoảng 550km, ở độ sâu 3.800m dưới bề mặt Đại Tây Dương. Chỉ có 10 tàu ngầm trên thế giới được cho là có khả năng đạt đến độ sâu như vậy, nhưng tàu lặn Titan của OceanGate là tàu duy nhất không được bất kỳ cơ quan quản lý nào chứng nhận là an toàn.

Sau thảm kịch, người ta cáo buộc rằng ông chủ công ty này đã phớt lờ những lời cảnh báo lặp đi lặp lại từ chính nhân viên và các chuyên gia khác trong ngành - những người đã cố gắng nêu lên mối lo ngại rằng con tàu sợi carbon của ông rất nguy hiểm. Có người đã miêu tả Stockton Rush là "con sói đơn độc", coi thường sự an toàn của hành khách.

Theo báo cáo của CBC, ngay cả những con tàu đã trải qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt trước đây cũng gặp sự cố rắc rối khi lặn xuống khu vực Titanic bị đắm.

Thủy thủ đoàn của đoàn thám hiểm Canada-Nga-Mỹ năm 1991 đã phải trải qua một sự cố thót tim khi chiếc tàu lặn Mir của Nga bị mắc vào mảnh vỡ của chính con tàu Titanic. Con tàu đã gọi cho một chiếc Mir khác cũng tham gia lặn để hỗ trợ. Họ đã hướng dẫn thuyền trưởng cách điều động để thoát bẫy.

Trưởng đoàn thám hiểm, chuyên gia về đáy biển người Canada, Tiến sĩ Joe MacInnis, nói rằng sự hỗ trợ kịp thời tại hiện trường năm đó đã cứu mạng họ. 

Một sự cố khác lại xảy ra 4 năm sau đó, khi đạo diễn Hollywood James Cameron bị mắc kẹt trong một trận bão cát quét qua đáy biển năm 1995. Đạo diễn này đang trong quá trình quay phim về xác tàu đắm cho bộ phim ăn khách “Titanic” được phát hành vào năm 1997.

Ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khác từng suýt chết trước vụ nổ tàu lặn Titan
Một phần xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong lúc chiếc tàu lặn của ông Cameron phải chiến đấu chống lại dòng chảy dữ dội, pin năng lượng bắt đầu cạn kiệt. Con tàu cố gắng trồi lên mặt nước ngay lập tức, nhưng có cảm giác như nó đã va phải một bức tường cao 20m để rồi bị đẩy lại xuống đáy biển. Điều tương tự cũng xảy ra khi họ thử lại, một dòng chảy từ trên giáng xuống đã đẩy con tàu yếu ớt của họ lao xuống. Họ buộc phải đợi trong bóng tối và nhiệt độ gần như đóng băng để cho pin được phục hồi. Vào lần thử thứ ba, họ đã xoay sở để nổi lên mặt nước, sau màn thử thách kéo dài 5 giờ đầy cam go. 

Sự cố suýt chết thứ ba xảy ra vào năm 2000, khi nhà báo khoa học Michael Guillen có cơ hội đến thăm Titanic. Một dòng nước cuốn con tàu lên và đập nó vào một chân vịt của Titanic, phá vỡ những mảnh vụn rỉ sét và khiến con tàu bị mắc kẹt.

"Tàu của chúng tôi giống như một con muỗi khổng lồ khi so với chiếc chân vịt. Những mảnh vỡ khổng lồ của tàu Titanic bắt đầu rơi xuống tàu của chúng tôi. Tôi biết mình đang gặp rắc rối", ông Guillen nói. Sau một giờ lắc qua lắc lại dưới sự điều khiển đầy điêu luyện của thuyền trưởng người Nga Viktor Nischeta, con tàu đã luồn lách khỏi chỗ mắc kẹt và có thể nổi lên. Ông Guillen, người luôn sợ nước, chia sẻ bản thân tin chắc mình sẽ bỏ mạng ở dưới đó. Nhưng khi cuối cùng, họ cũng trồi lên mặt nước. Nischeta vui vẻ thông báo: "Không sao cả!”.

Thảm kịch của tàu lặn Titan đang phải đối mặt với một cuộc điều tra kéo dài cũng như các vụ kiện từ gia đình của các nạn nhân.  Người lái tàu ngầm chuyên nghiệp Ofer Ketter cảnh báo rằng toàn bộ ngành du lịch mạo hiểm này có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu bởi sự cố nghiêm trọng trên.
Vụ nổ tàu lặn Titan - tai nạn tàu lặn du lịch gây thương vong đầu tiên trên thế giới, chắc chắn sẽ mở ra cuộc tranh luận về vấn đề an toàn và có thể có cả những lời kêu gọi siết chặt các quy định đối với loại hình du lịch mạo hiểm này.

OceanGate - công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic, đã từ chối đăng ký kiểm định an toàn cho tàu lặn Titan từ các bên thứ ba như Cục Đăng kiểm Mỹ (ABS) hay công ty dịch vụ chứng nhận an toàn DNV của châu Âu. Trong số khoảng 10 tàu lặn có khả năng tiếp cận độ sâu của xác tàu Titanic ở gần 4.000 m dưới đại dương, chỉ có tàu Titan là chưa được chứng nhận. Năm 2018, một số chuyên gia đã cảnh báo giám đốc OceanGate, ông Stockton Rush – cũng nằm trong số người thiệt mạng - rằng việc không đưa tàu Titan đi kiểm định an toàn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy