12 ngày bay và chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1946, lần đầu tiên Bác ra nước ngoài với tư cách là Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập. Lần đó, Bác là thượng khách của nước Pháp.

Cùng đi với Bác có phái đoàn Chính phủ ta sang đàm phán với Chính phủ Pháp. Chuyến đi đó, Bác đã thể hiện cho nhân dân Pháp và thế giới biết đến một nước "Việt Nam Độc lập".

Do thái độ hiếu chiến của Pháp khi đó nên cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ đổ vỡ. Nhằm cứu vãn tình hình, Người  đã ký tạm ước 14/9 nhằm kéo dài thêm thời gian hoà hoãn để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, quyết giữ vững độc lập tự do mà  Cách mạng tháng Tám đem lại.

Bài viết này xin kể về hành trình từ Việt Nam tới Pháp của Người.

Mang trọng trách trước quốc dân đồng bào

Sáng 31/5/1946, từ 4h sáng các phố xá Hà Nội đã nhộn nhịp gọi nhau đi tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ lên đường sang Pháp. Trời mưa to mà từ phố Lê Lai cho đến sân bay Gia Lâm,  đông đảo đồng bào đứng hai bên đường vẫy chào Bác và phái đoàn.

12 ngày bay và chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chính phủ Pháp tổ chức trọng thể Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sân bay Le Bourget, Thủ đô Paris (22-6-1946). Ảnh tư liệu

Sân bay đông nghịt người và đỏ rực cờ hoa. Bác cùng với ông Phạm Văn Đồng và  Valluy (Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương), Tướng Salan (người được phía Pháp cử tháp tùng Bác) đi duyệt đội quân danh dự. Rồi Người  đi một vòng  chào các nhân vật ngoại kiều, đại biểu các giới, các đoàn thể...

Sắp đến giờ lên máy bay, Bác gọi tất cả các thành viên và nhân viên phái đoàn đứng bên cạnh. Bước tới nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng, Người nói: "Tôi vì nhiệm vụ Quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Cụ Huỳnh run run nói không nên lời,  không khí cảm động bao trùm sân bay. Buông tay cụ Huỳnh, lùi lại đứng cùng phái đoàn, Bác nói: "Anh em chúng ta mang trọng trách ra đi, đứng trước quốc dân đồng bào đây, chúng ta phải thề dù gian nan đến đâu cũng phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc". Các thành viên trong phái đoàn giơ tay xin thề, cả sân bay dấy lên lời hô khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm"..

Hai chiếc Dakota khởi động, đội bay của quân đội Pháp đã sẵn sàng. Dừng lại cầu thang, Bác đứng vẫy tay nhiều lần rồi mới bước vào máy bay. 7h40 máy bay cất cánh, dự định bay thẳng đến Calcutta (Ấn Độ), nhưng vì thời tiết xấu nên phải hạ xuống Bago, Myanmar nghỉ đêm ở đó.

Sáng hôm sau, 1/6, đoàn khởi hành từ 6h. Đến 8h, máy bay hạ cánh xuống Calcutta. Đại diện toàn quyền Anh và lãnh sự Pháp ra đón Bác và phái đoàn về nghỉ tại "The Great Eastern Hotel", khách sạn lớn nhất của thành phố này. Sau hai ngày, sáng 4/6, cả đoàn đi Agra, nơi có khu lăng mộ  Taj Mahal nổi tiếng. Bác và phái đoàn  đi thăm di tích này. Khi  quay về, Tướng Salan hỏi ý kiến, Người  nói: "Đất nước chúng tôi không có những công trình kiến trúc đẹp như thế này, nhưng về mặt tinh thần, cha ông chúng tôi để lại nhiều truyền thống quý báu, mà chúng tôi đang và sẽ cố gắng phát huy". Người  muốn nói đến tinh thần bất khuất, không chịu làm nô lệ của dân tộc.

Ngày 5/6, đoàn rời Agra bay đi Karachi (nay thuộc Pakistan). Tại đây, Sirmudi - Tổng đốc người Anh rước Bác về nghỉ tại dinh của ông. Sáng hôm sau, cả đoàn bay đi Habagna, một căn cứ không quân của Anh trên đất  Iraq. Đây là chặng bay dài 2.610 km nên máy bay phải hạ cánh xuống Sohaba, một sân bay giữa sa mạc để tiếp dầu. Nóng kinh khủng, từ trên máy bay bước xuống như bước vào lò lửa. Không có cây gì sống được nên người ta phải dựng lên những cây giả làm bằng dây kẽm sơn xanh để nhìn cho đỡ lóa mắt.

Ngày 7/6, Bác và phái đoàn đi Cairo, Thủ đô Ai Cập. Đại sứ Pháp và  phái viên của Vua Ai Cập chờ sẵn, đón Bác về nghỉ ở sứ quán, còn phái đoàn về khách sạn, lưu lại Cairo ba ngày. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn của nước Việt Nam độc lập ghé thăm Thủ đô Cairo được đăng trên nhiều tờ báo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Arap. Ở Cairo, Bác nhận được điện từ Paris, cơ quan ngoại giao Pháp mời Người tạm nghỉ ở Biarritz, chờ Chính phủ mới của nước  này  thành lập xong sẽ đưa Người lên Paris.

Theo lịch trình,  máy bay  phải dừng lại ở sân bay Tunis (Tunisia), nhưng viên toàn quyền ở đây lo ngại sự xuất hiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn sẽ dấy lên phong trào quần chúng, thổi ngọn lửa đấu tranh đòi giành độc lập ở xứ này nên ngày 11/6, máy bay  phải cất cánh, rời Cairo từ tờ mờ sáng. Đến quá trưa, Bác và phái đoàn đến Thị trấn Biakre, thuộc tỉnh Constantine (Algeria).

6h sáng hôm sau, Bác và phái đoàn rời Biakre, đến trưa hạ cánh xuống Biarritz - một bãi biển  nghỉ mát ở phía tây nam nước Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha.

Chiếc tẩu hút thuốc lá bằng ngà

Hành trình từ Hà Nội tới nước Pháp đã kết thúc sau 12 ngày bay qua các châu lục. Bác bắt tay cả hai phi đội và tặng mỗi người một cái tẩu hút thuốc lá bằng ngà rất xinh. Thái độ bình dị, lời cảm ơn nồng nhiệt và vật  kỷ niệm cá nhân của Bác làm cho tất cả nhân viên trên hai chiếc Dakota, từ người lái, kỹ sư, thợ máy đến người phục vụ  hết sức cảm động. Nhiều người  run run khi nhận quà của Bác.

Sau 10 ngày ở Biarritz, khi nội các Bidault được thành lập, Chính phủ Pháp mời Bác về Paris.

12 ngày bay và chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thiếu niên Việt Kiều trong trang phục dân tộc đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget. Ảnh tư liệu

1 giờ trưa máy bay cất cánh,  cờ đỏ sao vàng và quốc kỳ Pháp bay phần phật phía trước mũi. Sau một giờ bay, chiếc Dakota hạ cánh xuống phi trường Le Bourget. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện ở cửa máy bay, đưa tay vẫy chào mọi người rồi chậm rãi bước xuống.

Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Moutet ra tận chân cầu thang đón Người. Các đoàn Việt kiều cử đại diện ôm hoa đón Bác. Lễ đón chính thức được tiến hành. Quân nhạc cử  quốc ca hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử,  Việt kiều ở Pháp được chứng kiến Chính phủ Pháp đón tiếp trọng thể  vị đứng đầu dân tộc, nhà nước mình trong âm hưởng hào hùng của "Tiến quân ca", trong sắc màu cờ đỏ ...

Hơn 30 năm trước, Người đến nơi này để tìm đường cứu nước. Hành trình không mỏi của Người đã tìm ra con đường cho cách mạng Việt Nam, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa thần kỳ, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc.

Giờ đây, Người là vị đứng đầu của nước Việt Nam độc lập, Người đã tuyên bố chấm dứt ách đô hộ thực dân lại được giới cầm quyền của đất nước từng cai trị đón tiếp  theo nghi lễ của nguyên thủ một quốc gia. Còn vinh quang nào hơn, dù những ngày khó khăn đang ở  phía trước...

Phạm Thúy Quỳnh - Trường Quân sự Quân khu 7 (Theo hồi ký của Phạm Khắc Hoè)

.

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.