“Sở thú người” - Lịch sử bi thảm và vết nhơ phân biệt chủng tộc - Kỳ 1

Trong thời kỳ mà chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ ở hầu hết các nơi trên thế giới, các “sở thú người” vẫn là điểm đến thu hút hàng triệu người châu Âu và Mỹ.

Kỳ 1: Khi con người bị trưng bày

Theo trang historydefined.net, người ta đổ xô đến các cuộc triển lãm trưng bày các nhóm người da màu đến từ châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ. Họ được cho mặc những bộ trang phục tiêu biểu cho thế giới của mình rồi để thiên hạ mặc sức chỉ trỏ, tò mò nhìn ngó.

Hầu hết các cuộc triển lãm tàn ác và vô nhân đạo này đã chấm dứt sau Thế chiến thứ nhất, nhưng di sản của sở thú người vẫn tiếp tục bôi thêm vết nhơ cho lịch sử bóc lột chủng tộc.

Nguồn gốc của sở thú người

“Sở thú người”  Lịch sử bi thảm và vết nhơ phân biệt chủng tộc  Kỳ 1
Giám đốc vườn thú Carl Hagenbeck vào năm 1927 và những người Somalia mà ông đưa đến Hamburg để tham dự buổi trình diễn. Ảnh: DPA

Sở thú người được một nhà buôn động vật ngoại lai tên là Carl Hagenbeck mở vào năm 1874. Trong nhiều năm, ông Hagenbeck đã trưng bày các loài động vật đem về từ những vùng xa xôi trên thế giới trong các chuyến đi của mình để giới thiệu với những người bình thường về động vật hoang dã kỳ lạ.

Đây là thời kỳ đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp. Người dân ở các nước châu Âu như Anh và Đức cuối cùng đã có đủ tiền và thời gian rảnh rỗi để ra ngoài và tham gia hoạt động giải trí. Điều này làm cho các buổi trưng bày của ông Hagenbek trở nên rất nổi tiếng.

Nhưng ông Carl Hagenbeck không hài lòng với thành công đó, không muốn chỉ trưng bày các loài động vật kỳ lạ và quyết định tiến thêm một bước nữa. Ông nghĩ thầm: “Tại sao chỉ trưng bày động vật, trưng bày cả con người nữa thì sao nhỉ?”

Đối với hệ thống phân biệt chủng tộc bám rễ sâu trong suy nghĩ của ông Hagenbeck và những người khác vào thời điểm đó, người châu Phi chỉ ở trên một vài bậc so với động vật trong hệ thống phân cấp của loài người. Một buổi trưng bày đầy con người sẽ giống như buổi trưng bày động vật nhưng sẽ thậm chí còn gây phấn khích hơn.

Ông Carl Hagenbeck không phải là người châu Âu đầu tiên khai thác các nền văn hóa và người dân nước ngoài thông qua hình thức trưng bày. Trong nhiều thế kỷ, các nhà thám hiểm châu Âu thường đưa những người bản địa mà họ tìm thấy ở Tân Thế giới hoặc châu Phi trở về châu Âu để cho quốc vương của họ ngắm nghía.

Những gì ông Carl Hagenbeck đã làm là dùng cách thức cũ: bắt cóc, bóc lột và biến con người thành một ngành sinh lời.

Sở thú người và chủ nghĩa thực dân

Ngày nay, hầu hết mọi người có lẽ chưa bao giờ nghe nói đến sở thú người, nhưng 150 năm trước, châu Âu đã trải qua cơn sốt với loại sở thú này.

Vào đầu những năm 1900 ở Đức, những buổi trưng bày con người đã thu hút rất đông khán giả. Họ muốn xem tận mắt những điều kỳ lạ mà không cần phải đi du lịch.

Không chỉ là Đức. Hầu như ở bất kỳ thành phố lớn nào ở châu Âu, các sở thú của người đều có sẵn khán giả.

Tại thủ đô London của Anh vào năm 1904, đám đông hào hứng với màn diễu hành của những “giống người kỳ lạ” tại nhà hát Hippodrome. Họ gồm sáu thành viên của bộ tộc Bambuti, bị nhà thám hiểm người Anh là Đại tá James Harrison đưa tới London từ vùng Congo của châu Phi để trưng bày trước đám đông ở Anh.

“Sở thú người”  Lịch sử bi thảm và vết nhơ phân biệt chủng tộc  Kỳ 1
Sáu thành viên của bộ tộc Bambuti – đến từ vùng Congo của châu Phi – mặc trang phục phương Tây trong thời gian ở Anh, nơi họ biểu diễn trên khắp đất nước này. Ảnh: Dailymail

Họ đã dành 14 tuần biểu diễn tại Hippodrome và sau đó được ông Fillis đưa đi biểu diễn khắp nước Anh và châu Âu. Hơn một triệu khán giả đã xem các buổi biểu diễn. Họ cũng được mời tới Hạ viện và tới Cung điện Buckingham để gặp Hoàng gia Anh. Nhóm thậm chí còn phát hành một đĩa hát, đây là đĩa hát đầu tiên do người châu Phi ở Anh thực hiện.

Giữa các buổi biểu diễn, họ sống tại Brandesburton Hall, quê của Đại tá Harrison. Người dân Anh đã gửi cho họ những lá thư và thậm chí cả quà.

Sáu người này chỉ là một vài trong số hàng trăm người châu Phi bị đưa tới châu Âu tới để giải trí cho người Anh từ giữa thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20.

Trong một chương trình năm 1899, một nhóm người châu Phi phải tham gia vào một trận chiến giả và diễn đi diễn lại cho khán giả London xem. Họ được ông bầu rạp xiếc người Anh Frank Fillis tuyển chọn từ các bộ lạc Zulu và Swazi. Những cảnh chiến đấu là một phần của chương trình mang tên Nam Phi Hoang dã.

Khán giả cũng có thể đi quanh Kaffir Kraal - mô hình mô phỏng một ngôi làng của người Matabele. Ở đó, họ sẽ thấy những người châu Phi tái hiện lại cuộc sống để thỏa mãn trí tò mò cho người Anh. Phụ nữ Anh tỏ ra choáng ngợp khi nhìn thấy đàn ông châu Phi bán khỏa thân.

Tại Thụy Sĩ, dù Geneva được coi là một trong những thủ đô nhân quyền ngày nay, nhưng hồi năm 1896, trong Triển lãm Quốc gia Thụy Sĩ lần thứ hai, nơi đây đã tổ chức một sở thú người. Cũng tại Geneva, có một ngôi làng là nơi ở của 200 người Senegal, nằm cách quảng trường trung tâm Plaine de Plainpalais vài con phố.

Trong 6 tháng liền, những mọi người muốn vào làng này đều phải trả tiền để quan sát những “diễn viên” Senegal sống cuộc sống của họ. Các nghi lễ tôn giáo của người Senegal được quảng cáo là sự kiện công cộng. Khách du lịch có thể chụp ảnh với người châu Phi và dạo quanh nơi ở của họ.

Có nhiều cuộc triển lãm khắp thế giới mà con người được trưng bày như một đồ vật cho mọi người tới xem.

Tại Amsterdam (Hà Lan), Triển lãm Xuất khẩu và Thuộc địa Quốc tế có phần trưng bày những người bản xứ ở Suriname vào năm 1883.

Năm 1886, người Tây Ban Nha trưng bày những người bản xứ Philippines trong một cuộc triển lãm và giới thiệu là những những người đã được "văn minh hóa". Vương hậu Tây Ban Nha, Maria Cristina của Áo, sau đó đã thể chế hóa hoạt động kinh doanh sử thú người. Đến năm 1887, người và động vật Igorot bản địa được gửi đến Madrid và được trưng bày trong sở thú người tại Palacio de Cristal del Retiro mới được xây dựng.

“Sở thú người”  Lịch sử bi thảm và vết nhơ phân biệt chủng tộc  Kỳ 1
Đại tá James Harrison trong một chuyến thám hiểm ở châu Phi. Nhà thám hiểm trở về cùng sáu thành viên của bộ tộc Bambuti. Ảnh: Dailymail

Tại Triển lãm châu Phi năm 1895 ở Cung điện Pha lê (Anh), khoảng 80 người đến từ Somalia được trưng bày trong một bối cảnh “lạ”.

Triển lãm Quốc tế Brussels (1897) ở Tervuren giới thiệu một "Ngôi làng Congo" trưng bày những người châu Phi để tái hiện bối cảnh bản địa.

Đó là tại châu Âu, còn tại Mỹ, các thành phố từ Philadelphia, San Francisco đến New York đều có những cuộc triển lãm về con người rất nổi tiếng và mang lại lợi nhuận. Năm 1896, Sở thú Cincinnati tổ chức một cuộc triển lãm về người da đỏ Sioux và kiếm được 25.000 USD trong ba tháng.

Nhưng cho đến nay, lượng khán giả tập trung đông nhất lại diễn ra tại Hội chợ Thế giới. Tại Paris năm 1889, 28 triệu người đã xem các cuộc trưng bày và triển lãm người, một trong số đó là nhóm 400 người thổ dân.

Sau đó, người thổ dân liên tục bị đem đến để trưng bày tại Hội chợ Thế giới. Thậm chí cho đến cuối năm 1958, tại Hội chợ Thế giới ở Bỉ, hàng triệu người vẫn đến và trố mắt nhìn những cuộc triển lãm đầy những người thuộc các chủng tộc “kỳ lạ”.

Bỉ là một trong những quốc gia có sở thú người phát triển mạnh mẽ nhất. Trong thời gian trị vì gần 50 năm của Vua Leopold từ năm 1865 đến 1909, hàng nghìn người từ Congo - thuộc địa của Bỉ vào thời điểm đó - đã bị đưa trở lại Bỉ để làm công cụ tuyên truyền cho dự án xây dựng đế chế của nhà vua.

Bằng cách trưng bày người Congo, Vua Leopold hy vọng sẽ khơi dậy mối quan tâm và ủng hộ của người dân Bỉ với thuộc địa Congo, đồng thời che giấu những hành động tàn bạo đang được thực hiện dưới hệ thống thuộc địa của nhà vua.

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc sống của những người bị trưng bày

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy