Là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, đa dạng, nổi bật là hệ thống hang động Ngũ Động Sơn, núi Ngọc, chùa Bà Đanh, đền thờ bà Lê Chân và Di tích lịch sử văn hóa núi Cấm…, huyện Kim Bảng có tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, thám hiểm hang động và lễ hội. Đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Ba Sao).
Thực hiện Quyết định số 1877 ngày 24/11/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Kim Bảng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch địa phương bằng nhiều hình thức, hoạt động, như: xây dựng các cổng thông tin điện tử, pa-nô, biển quảng cáo; tuyên truyền, quán triệt về các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, các tổ chức cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn.
Thông qua đó vừa giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, những sản phẩm du lịch của địa phương, vừa nâng cao ý thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân về phát triển du lịch, văn minh du lịch, giữ gìn văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng nông thôn; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu điểm du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện với du khách.
Du khách tham quan Khu du lịch Tam Chúc. Ảnh: Anh Đức
Cùng với đó, Kim Bảng cũng chú trọng công tác quy hoạch, hỗ trợ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật về lĩnh vực du lịch. Xây dựng các khu thương mại, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi, giải trí dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và khu vực thị trấn Ba Sao; quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch trên toàn huyện (như đền Trúc - Ngũ Động Sơn - chùa Bà Đanh - Núi Ngọc - đền bà Lê Chân - chùa Đức Thánh Cả…; quy hoạch các làng nghề sản xuất sản phẩm du lịch. Quan tâm đầu tư phát triển các xã tiếp giáp khu du lịch, như: Khả Phong, Thụy Lôi, Liên Sơn…, nhằm tạo nên chuỗi du lịch, trong đó lấy Khu du lịch Tam Chúc làm trung tâm. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu các di tích, danh lam thắng cảnh là di tích cấp quốc gia, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch. Đối với Khu du lịch Tam Chúc đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào khai thác sử dụng, hiện đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sau thời gian giãn cách xã hội, nhằm kích cầu phát triển du lịch, ngày 11/6/2020, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại chùa Tam Chúc. Chương trình đã được đông đảo các doanh nghiệp lữ hành ở các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm và các điểm tham quan du lịch của tỉnh tham dự, hưởng ứng. Nhiều hoạt động văn hóa thể thao cũng được tổ chức tại khu du lịch này, như: ngày 25/10/2020 diễn ra Giải đua xe đạp VTV Cup Tôn Hoa Sen năm 2020; ngày 7/11 diễn ra Giải chạy bộ từ thiện (Ánh dương soi chiếu) nhằm gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Qua đó, tạo ra cơ hội, kết nối, kích cầu du lịch, quảng bá những điểm du lịch của tỉnh nói chung, Kim Bảng nói riêng đến với du khách trong nước. Đồng thời, góp phần tạo dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu mang tính đặc trưng của Kim Bảng như: du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái – thể thao, du lịch làng nghề.
Thực tế, du lịch sinh thái, tâm linh được đầu tư với quy mô trọng điểm là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc với tổ hợp tâm linh - văn hóa - nghỉ dưỡng - thể thao, kết nối với khu tâm linh đền Trúc - chùa Bà Đanh - Ngũ Động Sơn…, tạo thành quần thể du lịch mang tính đột phá của địa phương. Du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái, tập trung khai thác giá trị sinh thái cảnh quan ở Tam Chúc, Hồ Ba Hang, Hang Luồn… Du lịch thể thao, giải trí, tập trung là chuỗi sân golf Kim Bảng, sân golf Tượng Lĩnh. Ngoài ra, huyện cũng đầu tư các điểm du lịch làng nghề và các phòng trưng bày sản phẩm, như: làng gốm Quyết Thành (thị trấn Quế); dệt thổ cẩm ở Đồng Hóa; khuyến khích sản xuất các mặt hàng lưu niệm để phục vụ khách du lịch. Các dịch vụ phục vụ cho du lịch cũng được hình thành và phát triển, trong đó có dịch vụ ăn uống, ẩm thực đặc trưng của địa phương.
Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao) trở thành điểm đến của nhiều du khách thập phương. Ảnh: Việt Linh
Với mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, cùng với các giải pháp kích cầu phát triển du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá hoạt động du lịch; xây dựng nếp sống văn minh, con người Kim Bảng thân thiện, thanh lịch, nói không với thực phẩm bẩn, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, huyện Kim Bảng cũng rất chú trọng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như bảo đảm an toàn phòng dịch cho du khách.
Tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng gắn với Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, có rất nhiều bài toán đặt ra cho Kim Bảng cũng như các cấp, ngành chức năng. Trong đó có việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở kỹ thuật du lịch; chú trọng quy hoạch, sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi, giải trí hợp lý và quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ phục vụ du khách; nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất các giá trị văn hóa truyền thống.
Cùng với đó, tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ đáp ứng bộ tiêu chuẩn du lịch đi đôi với bảo tồn và phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch có chiều sâu. Đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn trong việc hình thành các tour du lịch, tuyến du lịch; tăng cường truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch.
Đặc biệt, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hài hòa giữa phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cần chú trọng nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện và các địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển du lịch. Ngoài ra, hệ thống chính sách và cơ chế quản lý về phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng cần sớm hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Thu Thảo