Nghề nấu ăn cho lao động nông thôn

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, người lao động nông thôn 5 năm qua đã chuyển hướng học nghề nấu ăn đông hơn. Nhiều người có vốn, có địa điểm kinh doanh thuận lợi đã mở nhà hàng ăn uống, còn không sẽ phục vụ nhà bếp của các công ty, doanh nghiệp hoặc làm cho các nhà hàng, khách sạn…

Khác với giai đoạn trước, ở giai đoạn 2016-2020, các cơ sở đào tạo nghề đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình nghề đào tạo cho lao động nông thôn bao gồm 9 nghề nông nghiệp và 12 nghề phi nông nghiệp. Gần 11.000 người đã được đào tạo các nghề phi nông nghiệp, 90% có việc làm ngay sau đào tạo. Trong số những nghề phi nông nghiệp được người dân chú ý, đăng ký tham gia học nhiều là Kỹ thuật chế biến món ăn. Huyện Kim Bảng,  thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân, việc đào tạo nghề Kỹ thuật chế biến món ăn tại các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên được tổ chức theo nhu cầu thực tế của địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa “Nhà nước – Doanh nghiệp – Người lao động học nghề” nhằm bảo đảm tính bền vững. Đặc biệt, trong 2 năm 2019-2020, nghề học này đã bám sát định hướng phát triển của Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và KCN Đồng Văn IV giai đoạn 2019-2021". 

Nghề nấu ăn cho lao động nông thôn
Một người dân học xong nghề kỹ thuật nấu ăn về phục vụ tại nhà bếp doanh nghiệp Xuân Trường.

Bà Phạm Thị Mơ, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kim Bảng cho biết:  Triển khai Đề án này, Kim Bảng đã có gần 1.000 lao động đăng ký học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn. Theo kế hoạch, năm 2020, huyện có khoảng trên 200 lao động học nghề này với mục tiêu phục vụ các dịch vụ kinh doanh hàng ăn uống trên địa bàn Khu du lịch Tam Chúc hoặc phục vụ trong các nhà bếp của doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nghề phù hợp với nhiều lứa tuổi nên rất được người lao động nông thôn yêu thích.

Chị Nguyễn Thị Hằng, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp và một phần đất ở đã được địa phương đưa vào danh sách học nghề. Chị Hằng  chọn nghề chế biến món ăn khóa đầu tiên của huyện. Sau 3 tháng học và thực hành tại chỗ, chị Hằng đã thành thạo nghề, có kỹ năng cơ bản trong chế biến, trình bày món ăn nên đã bàn bạc với chồng bỏ kinh doanh karaoke gia đình sang bán hàng ăn. Đúng lúc, Khu du lịch Tam Chúc đón khách, nhà hàng của chị trở thành một trong những địa chỉ tin cậy đối với du khách khi đến thăm Tam Chúc. Chị Hằng cho biết: "Lúc đầu chọn nghề nấu ăn cũng không hoàn toàn nghĩ là mình có thể mở nhà hàng, nhưng càng học càng thấy yêu thích nên chịu khó học nhiều hơn. Bây giờ gia đình chuyển hẳn sang kinh doanh hàng ăn, công việc vất vả hơn nhưng bù lại thấy hạnh phúc vì mỗi ngày mình được làm những điều mình thích". 

Trong 4 năm qua, không ít người học nghề nấu ăn đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Chị Lê Thị Ban, nhân viên nhà bếp Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường là thí dụ. Chị Ban học cùng khóa với chị Hằng ở Ba Sao, sau khi kết thúc khóa học, chị  xin về làm việc tại Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường với bề bộn công việc. Chị Ban nói: "Rất nhiều người được đào tạo trong các khóa nấu ăn do địa phương tổ chức từ năm 2016 đến nay đã về làm việc ở doanh nghiệp này. Năm ngoái, khi Hà Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, có ngày chúng tôi làm vài nghìn suất cơm phục vụ công nhân. Nhìn chung, tay nghề của chị em đều đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp".

Ở Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lý Nhân, số lao động nông thôn đăng ký học nghề kỹ thuật chế biến món ăn ngày càng đông. Cùng với nghề chăm sóc sắc đẹp, làm mẫu tóc, nghề chế biến món ăn thực sự hấp dẫn người học vì đầu ra thuận lợi hơn các nghề khác. Ông Phạm Văn Lực, Giám đốc trung tâm cho biết: So với các năm trước, nghề này hiện nay đang thu hút người học vì nhu cầu thực tế của xã hội. Có nhiều người đến đây đăng ký học không phải là về để mở nhà hàng hay phục vụ doanh nghiệp đâu mà chỉ với lý do đơn giản là phục vụ công việc nội trợ gia đình. "Ăn ngon mặc đẹp" là nhu cầu của cuộc sống cả ở thành phố lẫn nông thôn khi thu nhập của người dân tăng lên, điều kiện kinh tế dôi dư. Để đáp ứng yêu cầu người học, trung tâm đã liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng du lịch, kỹ thuật ở Hà Nội, Thái Nguyên giảng dạy. Nhà trường tổ chức  lớp học với đầy đủ thiết bị, vật dụng phục vụ  thực hành tại chỗ cho người học. Vì thế, chất lượng đào tạo sau mỗi khóa được nâng cao, tạo niềm tin yêu đối với học viên.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy