Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.182 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; trong đó, có 771 em mồ côi cha, 290 em mồ côi mẹ và 121 em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Thời gian qua, hội phụ nữ (HPN) các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm chung tay bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng, như: tổ chức gặp mặt, tặng quà trẻ em mồ côi được các cấp hội nhận đỡ đầu; tổ chức diễn đàn giao lưu “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương - Vinh danh cặp mẹ con tiêu biểu, trao tặng học bổng cho con đỡ đầu, học sinh vượt khó”; tổ chức hội nghị tọa đàm, biểu dương phụ nữ đặc thù, phụ nữ khuyết tật và trẻ em mồ côi.
Nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Bình Lục luôn được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bà Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Lục cho biết: Với mục đích chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, thời gian qua, các cấp hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp tổ chức triển khai lồng ghép các hoạt động vì trẻ em; thường xuyên tổ chức hội nghị tọa đàm, sinh hoạt chi, tổ hội nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cha, mẹ, gia đình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em... Trong các buổi tọa đàm, sinh hoạt, các cấp hội đều tổ chức gặp mặt, tuyên dương gương người tốt, việc tốt; tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, biểu dương, tặng quà các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, nhận đỡ đầu các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em hằng năm, Hội LHPN huyện đã tổ chức các hội nghị tọa đàm biểu dương phụ nữ đặc thù, phụ nữ khuyết tật, trẻ em mồ côi tiêu biểu trong năm; đồng thời, tặng quà cho hàng chục trẻ em mồ côi; một số nhà hảo tâm đã nhận đỡ đầu trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến khi tròn 18 tuổi…
Không chỉ ở huyện Bình Lục, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng cũng được các cấp HPN trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Trong đó, Hội LHPN huyện Thanh Liêm và huyện Kim Bảng đã tổ chức gặp mặt, tặng quà trẻ em mồ côi do các cấp HPN nhận đỡ đầu; Hội LHPN tỉnh thăm, tặng quà trẻ em mồ côi nhận đỡ đầu; Hội LHPN thị xã Duy Tiên tổ chức “Diễn đàn giao lưu, trao tặng học bổng cho con đỡ đầu, học sinh vượt khó", vinh danh các cặp mẹ con và trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức hội tiếp tục kết nối nhận đỡ đầu và tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, các cấp hội cũng thực hiện có hiệu quả hoạt động tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; các mẹ đỡ đầu đã tổ chức bữa cơm yêu thương; đưa con đi khám sức khỏe, tặng xe đạp, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, dạy các con học bài, cùng các con trải nghiệm những công việc nhà để các con cảm nhận được sự ấm áp, tuổi thơ vui vẻ và hạnh phúc.
Đến nay, các cấp hội LHPN trong toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu 273 em; trong đó, Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu 32 em bằng hình thức hỗ trợ tiền, mỗi tháng 500 nghìn đồng, trong thời gian 5 năm, bắt đầu từ tháng 1/2022; HPN cấp cơ sở nhận đỡ đầu 241 em theo hình thức hỗ trợ bằng tiền theo giai đoạn, theo năm và các hình thức hỗ trợ khác.
Từ các hoạt động thiết thực, mang đầy ý nghĩa nhân văn của các cấp hội LHPN trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo không chỉ góp phần giúp vơi bớt đi những thiệt thòi cho các em, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để trẻ em được sống, học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện mà còn góp phần nâng cao nhận thức, hành động, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Xuân Tuân