Với ưu điểm tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí thấp nên túi nilon từ nhiều năm gần đây đã trở nên quen thuộc với hầu hết mọi người. Và xuất phát từ sự tiện dụng ấy, rác thải nilon cũng đã và đang tràn lan khắp nơi, không chỉ trực tiếp gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, để lại những hệ lụy khó lường cho thế hệ mai sau.
Thực tế cho thấy, một người nội trợ trung bình mỗi lần đi chợ có thể sử dụng từ 3 đến 5, thậm chí 10 túi nilon. Chỉ cần mua một mớ rau, vài thanh đậu phụ, dăm ba món gia vị,… mỗi món hàng đều đi kèm một chiếc túi nilon.
Với những cửa hàng bán thức ăn chín, chiếc túi nilon trở thành vật chứa đựng, bao gói phổ biến, tiện lợi, ưa dùng.
Ảnh minh họa.
Điều dễ nhận thấy nhất, người bán hàng luôn tỏ ra “hào phóng” khi sử dụng túi nilon bao gói, đựng đồ cho khách. Có khi chỉ vài lạng tôm nhưng người bán hàng cũng sử dụng đến hai chiếc túi nilon để đựng, vài quả cà chua cũng một túi, vài củ hành cũng một túi… mong sao chiều lòng khách mua hàng.
Dường như ai cũng sử dụng túi nilon một cách vô tư và coi đó là một điều hiển nhiên. Chính điều này khiến nilon hiện đang là thứ rác thải có mức độ phổ biến, tràn lan nhất trong sinh hoạt hằng ngày.
Không thể phủ nhận sự tiện dụng của túi nilon trong sinh hoạt nhưng ít người biết hoặc không quan tâm rằng rác thải từ túi nilon đã và đang hằng ngày khiến cho môi trường trở nên quá tải, ô nhiễm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học: rác thải nilon nếu đưa đi chôn lấp thì ít nhất phải vài trăm năm sau mới có thể phân hủy. Còn nếu đốt sẽ tạo ra một loại khí thải độc hại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.
Việc lạm dụng túi nilon cộng với thói quen vứt rác bừa bãi khiến cho môi trường càng trở nên nhếch nhác, ô nhiễm. Về các vùng nông thôn những năm gần đây điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều bãi rác thải trắng xóa túi nilon tràn lan ra gần trục đường giao thông, ngoài cánh đồng.
Để hạn chế rác thải từ túi nilon cần nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng cùng cộng đồng xã hội.
Trước hết, với mỗi gia đình, mỗi người dân cần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon hằng ngày, hạn chế thấp nhất việc dùng túi nilon và dần thay thế túi nilon bằng các loại vật dụng khác an toàn hơn.
Với chính quyền, cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi nilon (cả trước mắt cũng như lâu dài) đối với môi trường sống và sức khỏe con người. Đồng thời, tích cực nghiên cứu và có những ứng dụng cụ thể trong thực tiễn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm bao gói an toàn, thân thiện với môi trường.
Có như vậy mới dần hạn chế những tác nhân gây hại của rác thải túi nilon tới môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mỗi con người trong cộng đồng xã hội.
Hương Giang
Phương Dung