Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBDGPL) trong nhà trường là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội (TNXH) xâm nhập vào học đường. Từ nhận thức đó, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng thường xuyên đồng hành cùng cơ sở giáo dục duy trì tổ chức hoạt động ngoại khóa, TTPBGDPL đối với học sinh, góp phần giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đa dạng hóa hình thức TTPBGDPL

Được xây dựng từ tình tiết các vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố Phủ Lý phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã tổ chức những “Phiên tòa giả định” ngay tại trường mang lại hiệu quả thiết thực. Qua tham dự các “Phiên tòa giả định” đã giúp đông đảo học sinh hình thành thói quen sống lành mạnh, tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật.

“Phiên tòa giả định” tại Trường THCS Trần Phú (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) được tổ chức thông qua hình thức sân khấu hóa. Nội dung vụ án là “Cố ý gây thương tích” xảy ra trong trường học; “bị cáo” là học sinh lớp 11 chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lớp đã dẫn đến hành vi dùng vật cứng (gạch) ném vào đầu “bị hại” là bạn cùng lớp gây thương tích, tổn hại 45% sức khỏe. Quá trình diễn ra “Phiên tòa giả định”, những tình tiết “như thật” của vụ án đã thực sự tạo ra sức thu hút, lôi cuốn giáo viên, học sinh nhà trường. Các vai diễn, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn bảo đảm phù hợp với tâm lý, trình độ hiểu biết pháp luật của một học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, nội dung phát biểu “luận tội” của đại diện Viện KSND, ý kiến của các thành viên hội đồng xét xử, luật sư bào chữa tại phiên tòa, ý kiến của gia đình “bị hại”, người giám hộ của “bị cáo”, trợ giúp viên pháp lý… đã giúp các học sinh, giáo viên nhận diện rõ hơn hành vi “cố ý gây thương tích”, gây nguy hiểm đến tính mạng con người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đặc biệt, bản án do hội đồng xét xử tuyên phạt dành cho “bị cáo” đã nói lên sự nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi vi phạm, có tính răn đe, đồng thời chuyển tải thông điệp mạnh mẽ đến các em học sinh về việc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và hậu quả phải gánh chịu nếu vi phạm pháp luật.

Nói về cảm nhận của bản thân khi tham dự “Phiên tòa giả định”, em Nguyễn Tuấn Anh (học sinh lớp 9A, Trường THCS Trần Phú) chia sẻ, tình tiết diễn biến vụ việc xảy ra được sân khấu hóa đã giúp chúng em tiếp thu nhanh hơn và hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật. Thực tế, ở lứa tuổi chúng em đã từng xảy ra nhiều tình huống tương tự, nhưng không phải ai cũng nhận thức đúng và biết cách giải quyết phù hợp, đúng quy định pháp luật. Được chứng kiến “Phiên tòa giả định”, chúng em không chỉ được trang bị thêm kiến thức pháp luật, mà còn liên hệ, học tập một số kỹ năng cơ bản để xử lý những tình huống cụ thể khi xảy ra mâu thuẫn.

Trước đó,  Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), Công an thành phố Phủ Lý phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Biên Hòa cũng đã tổ chức hội nghị TTPBGDPL về Luật Giao thông đường bộ, thu hút trên 1 nghìn giáo viên, học sinh tham gia. Với hình thức tuyên truyền trực tiếp, giao lưu, tương tác hai chiều, các học sinh đã được tiếp cận, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT); thông tin nhanh nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, trong đó người bị tổn hại có cả những học sinh.

Qua tìm hiểu được biết mặc dù nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức TTPBGDPL nhưng thực tế vẫn có trường hợp học sinh vi phạm các quy định về ATGT. Xuất phát từ thực tế này, ban giám hiệu nhà trường thấy cần phải có sự đổi thay trong phương pháp, hình thức tuyên truyền, hướng vào thực chất và nâng cao hiệu quả hơn nữa. Việc phối hợp với lực lượng công an trong TTPBGDPL nói chung, về TTATGT nói riêng giúp các em có thêm ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình TTPBGDPL đối với học sinh đã, đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Trường THCS Trần Phú, TP Phủ Lý.
Ảnh: Quang Huy

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Xác định công tác TTPBGDPL trong trường học có vai trò quan trọng, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể (trực tiếp là Sở Tư pháp, Công an tỉnh) tổ chức những buổi TTPBGDPL với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương và cơ sở giáo dục, qua đó góp phần giúp học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên; ngăn ngừa TNXH xâm nhập vào học đường.

Nét nổi bật trong công tác TTPBGDPL tại trường học là các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều nội dung, hình thức phù hợp, hiệu quả. Trong buổi chào cờ đầu tuần hay hoạt động giáo dục ngoại khóa, các trường tổ chức TTPBGDPL thông qua một số hình thức, như: thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với những tiểu phẩm, trò chơi. Đồng thời, phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung TTPBGDPL vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hoạt động ngoại khóa.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên đây, việc TTPBGDPL trong trường học trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác TTPBGDPL đối với học sinh. Hoạt động TTPBGDPL tuy đã được triển khai nhưng đôi khi vẫn mang tính hình thức, thiếu tính thường xuyên, liên tục. Một số nhà trường, cơ sở giáo dục, địa phương còn có tâm lý trông chờ hướng dẫn của cấp trên, chưa chủ động, linh hoạt trong lựa chọn xây dựng những mô hình, phương pháp cách làm phù hợp với điều kiện thực tế. Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương có thời điểm chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…

Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra những vụ xô xát, vi phạm pháp luật tại một số trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đặc biệt, tình trạng học sinh, nhất là học sinh bậc THPT điều khiển xe mô tô, xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm vi phạm có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, tại một số tuyến đường còn xuất hiện những nhóm học sinh dàn hàng ba, hàng bốn, đi không đúng làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại, nói chuyện, đùa giỡn trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Những vi phạm này đều là tác nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông cho học sinh và người tham gia giao thông.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác TTPBGDPL trong trường học, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cần xác định rõ công tác TTPBGDPL là một phần hoạt động chuyên môn quan trọng của ngành, hướng trọng tâm vào người học, lấy giáo dục tuân thủ pháp luật làm gốc rễ. Trước hết, ngành tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong tuân thủ, chấp hành pháp luật. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể đa dạng hóa nội dung, hình thức TTPBGDPL bảo đảm phù hợp, hiệu quả; cập nhật nội dung tuyên truyền mới, sát gần thực tiễn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn các TNXH xâm nhập vào học đường.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy