Lan toả sâu rộng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”

Thời gian qua trên phạm vi cả nước, nhiều vụ cháy lớn xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, vụ cháy nghiêm trọng xảy ra ở một chung cư mini thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người chết, đã thực sự là một cú sốc gây hoang mang trong dư luận. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam gần đây cũng từng xảy ra một số vụ cháy. Trước tình hình trên, việc nêu cao tinh thần chủ động áp dụng những biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại chỗ tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” do Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Hà Nam phát động, triển khai nhân rộng chính là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết nhằm góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn dân trong công tác PCCC, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Để phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” nhanh chóng lan toả sâu rộng trong nhân dân, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, qua đó đạt được nhiều kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Long, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị 01(ngày 3/1/2023) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 94 (ngày 13/1/2023), trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thị xã, thành phố về vận động mỗi hộ gia đình trên địa bàn trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy. Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” vì thế được triển khai rộng rãi và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua gần 1 năm thực hiện, ý thức, trách nhiệm “tự phòng, tự bảo vệ” của số đông người dân trong công tác PCCC được nâng cao.

Đặc biệt, do huy động sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng công an cơ sở nên đến nay ở 109/109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có gần 90% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy. Một số đơn vị cấp xã đã chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt và hoàn thành chỉ tiêu sớm trước thời hạn với tỷ lệ 100% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, tiêu biểu như các xã, phường: Thanh Phong, Thanh Tâm, Liêm Sơn (Thanh Liêm); Minh Khai (Phủ Lý); Đạo Lý, Xuân Khê (Lý Nhân)...

Cùng với vận động, hướng dẫn hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh còn thường xuyên phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH đến đông đảo người dân. Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, đến từng tổ dân cư”, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC đã phối hợp tổ chức 377 buổi tuyên truyền trực tiếp về công tác PCCC-CNCH với 75.262 người dân tham gia; tuyên truyền lồng ghép thông qua sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố 276 lượt; tổ chức 1.770 buổi tuyên truyền lưu động; phát 10.622 lượt chương trình tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức phát 34.078 tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn PCCC khu dân cư, hộ gia đình, chợ, trung tâm thương mại...

Điển hình, đã phối hợp với Công an huyện Bình Lục tuyên truyền, phát tờ rơi khuyến cáo an toàn PCCC cho 150 hộ tiểu thương tại chợ Phủ, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục); phối hợp với chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ tuyên truyền và phát 500 tờ rơi khuyến cáo an toàn PCCC tại chợ Đồng Văn, chợ Hòa Mạc (Duy Tiên), chợ Bầu (Phủ Lý). Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân căng treo 1.658 băng zôn, khẩu hiệu, panô, áp phích tuyên truyền về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình có nhà ở kết hợp là nơi sản xuất, kinh doanh (SXKD), chợ, trung tâm thương mại...

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cũng đã tổ chức 758 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC-CNCH cho hàng trăm nghìn người là thành viên các gia đình có nhà ở kết hợp nơi SXKD, bảo đảm 100% gia đình được tiếp cận với nội dung, tài liệu, khuyến cáo, tờ rơi... hướng dẫn về an toàn PCCC. Đồng thời, tổ chức ký trên 189 nghìn bản cam kết bảo đảm an toàn PCCC đối với hộ gia đình có nhà ở kết hợp là nơi SXKD.

Lan toả sâu rộng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”
Công an phường Minh Khai phối hợp Công an thành phố Phủ Lý hướng dẫn nhân dân sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: Hương Giang

Để công tác tuyên truyền về PCCC lan toả mạnh mẽ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh còn phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông gửi 2.592.000 lượt tin nhắn (SMS) đến các thuê bao di động, phổ biến, hướng dẫn nhân dân về công tác PCCC-CNCH. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, hộ gia đình kết hợp là nơi SXKD tăng cường tự kiểm tra, bảo đảm an toàn PCCC, nhất là vào dịp lễ, Tết, thời gian cao điểm nắng nóng, hanh khô... Tăng cường chuyển đổi số trong công tác PCCC-CNCH thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt APP “Báo cháy 114” trên điện thoại di động và quan tâm tham gia tương tác vào trang Zalo của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11.165 số thuê bao cài đặt APP “Báo cháy 114”; trang Zalo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh được duy trì hoạt động hiệu quả.

Thông qua triển khai các hoạt động tuyên truyền về PCCC đã giúp người dân cập nhật những kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC-CNCH, tích cực hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Chị Trần Thị Phương (ở Tổ 9, phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) cho biết: Chứng kiến các vụ cháy lớn xảy ra thời gian qua, tôi đã hiểu rõ sự nguy hại của “giặc lửa” cũng như tác dụng của việc trang bị bình chữa cháy tại nhà. Chính vì vậy, khi được vận động, hướng dẫn thực hiện phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, gia đình chị lập tức hưởng ứng tham gia. Cùng với trang bị bình chữa cháy, gia đình tôi và bà con khu phố cũng được hướng dẫn kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng PCCC. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác PCCC tại chỗ, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Qua triển khai phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, đại đa số nhân dân có ý thức cao trong việc trang bị phương tiện, kỹ năng PCCC. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn có những gia đình khó khăn chưa trang bị được bình chữa cháy. Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Long, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 100% gia đình được trang bị bình chữa cháy, lực lượng cảnh sát PCCC đang tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp. Huy động sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh xã hội hoá công tác PCCC nhằm bảo đảm an toàn PCCC từ cơ sở, hạn chế thấp nhất những thiệt hại khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy