Kỷ niệm những ngày đầu làm báo

Gắn với hơn hai mươi năm làm báo có rất nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng kỷ niệm về những ngày đầu bỡ ngỡ bước vào nghề với bao lo lắng, hồi hộp, nhiều thuận lợi và cũng lắm vất vả, khó khăn… là kỷ niệm tôi mãi ghi nhớ trong lòng.   

Năm 1997, tốt nghiệp đại học, tôi về quê xin thử việc tại Báo Hà Nam. Khi đó tỉnh Nam Hà tách thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định nên số lượng cán bộ phóng viên của Báo Hà Nam thiếu nhiều. Ban Biên tập Báo Hà Nam đã tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi thử việc một năm. Thời gian ấy, Báo Hà Nam một tuần chỉ phát hành một số báo in (hiện nay Báo Hà Nam phát hành 6 số báo in trong tuần, số hằng tháng và báo điện tử), công việc chưa nhiều, Ban Biên tập giao mỗi tuần viết một bài, chưa kể tin. Tuy nhiên, với người mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, để mỗi tuần có được một bài viết đăng trên báo tôi phải vượt qua không ít vất vả, khó khăn.   

Trước hết nói về phương tiện đi làm, những năm đầu tiên, một số phóng viên mới vào nghề như tôi điều kiện kinh tế khó khăn, chưa mua được xe máy, đi cơ sở phải đi xe đạp. Hôm nào hẹn được lịch, đi cơ sở từ rất sớm. Nơi gần buổi sáng đi, buổi trưa vẫn kịp đạp xe về nhà ăn cơm; nơi xa như Hòa Hậu, Tiến Thắng (Lý Nhân); Mộc Bắc, Chuyên Ngoại (Duy Tiên); Vũ Bản, An Ninh (Bình Lục)... đi từ sớm, kết hợp làm nhiều việc, phải tối mịt mới về đến nhà. Bữa trưa đơn giản lắm, hôm thì ăn cơm ở nhà cán bộ xã; hôm thì ăn cơm ở nhà người dân mình đến phỏng vấn, lấy tin; hôm thì ăn ở quán nhỏ ven đường… 

Kỷ niệm những ngày đầu làm báo
Phóng viên nữ đi cơ sở phỏng vấn nhân vật lấy thông tin để viết bài.

Đạp xe đi làm vất vả nhất là những hôm nắng hè gay gắt hoặc bất chợt đang đi trên đường gặp mưa to, gió lớn. Gặp mưa, việc đầu tiên phải lo “bảo vệ” để sổ sách không bị ướt, người lo sau. Vất vả vậy, nhưng hôm nào làm được việc, lấy được đầy đủ số liệu như mong muốn, thậm chí còn phát hiện thêm những vấn đề mới, vấn đề hay… khi đạp xe trở về trong lòng thấy vui và hạnh phúc lắm. 

Đi làm ban ngày, đêm về, thức đến khuya miệt mài viết bài. Ngày ấy, máy tính chưa có, tin bài đều viết tay. Mới vào nghề nên vừa làm vừa học vì vậy nhiều tin bài viết, rồi sửa, viết rồi sửa… tới ba bốn lần. Để bản thảo sạch sẽ, sau lần sửa cuối lại cẩn thận chép lại, lúc ấy mới nộp cho tòa soạn.  

Về phương tiện liên lạc, ngày ấy điện thoại di động chưa có, liên lạc với cơ sở hoàn toàn bằng máy điện thoại cố định. Nhiều điểm cần liên lạc để đến lấy số liệu viết bài nhưng không có điện thoại như: thôn xóm, người tốt việc tốt, nông dân làm kinh tế giỏi… chỉ có cách đạp xe trực tiếp đến tận nơi. Lần đầu, nếu may mắn thì gặp được nhân vật ở nhà, không may, nhân vật đi vắng, phải hẹn hôm khác trở lại... 

Mới ra trường, tuổi trẻ, lòng đầy nhiệt huyết, yêu và trách nhiệm với nghề mình đã lựa chọn nên đối diện với khó khăn, vất vả nhưng khi gặp nhau các bạn đồng nghiệp chẳng ai than thở mà say sưa nói chuyện nghề, chuyện vui khi đi cơ sở… Khi bài viết được đăng, thấy tên mình dưới bài viết, bài viết được bạn đọc đón nhận cảm thấy thật vui, thật hạnh phúc, thêm cả chút tự hào. 

Ngồi viết về những ngày đầu làm báo tôi nhớ cảm giác hồi hộp, lo lắng khi lần đầu tiên một mình đi cơ sở lấy thông tin để viết bài. Theo đúng những gì được các thầy cô giảng dạy ở trường, trước khi đi cơ sở tôi đã lên sẵn đề cương, gạch ra những câu hỏi cụ thể để bảo đảm lấy được đủ lượng thông tin cần thiết phục vụ cho bài viết. Đúng hẹn, chiều hôm đó tôi tới cơ sở làm việc. Buổi làm việc hôm đó thuận lợi, các câu hỏi gạch sẵn đều được trả lời đầy đủ, tôi hoàn toàn yên tâm với những số liệu thu thập được... Tối đến, mở sổ, khi cầm bút viết tôi mới chợt nhận ra còn thiếu rất nhiều thông tin cần thiết cho bài viết. Hôm sau tôi phải quay lại cơ sở để hỏi thêm… 

Hơn 20 năm làm báo, kể từ lần đi cơ sở đầu tiên tôi có rất nhiều, rất nhiều chuyến đi cơ sở khác. Tôi nhận ra rằng, kiến thức nền tảng được học trong trường là rất quan trọng, nhưng những kinh nghiệm dần tích lũy được trong công việc; nỗ lực không ngừng trau dồi học tập thêm từ nhiều kênh, nhiều cách khác nhau để nâng cao nghiệp vụ cũng cực kỳ quan trọng trong nghề báo. 

Như bao ngành nghề khác trong xã hội, nghề báo có đặc trưng riêng, có nỗi vất vả, khó khăn riêng. Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng Ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam từng nói, nghề báo là nghề nghiệt ngã. Nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả, thử thách, nghiệt ngã trong làm nghề, mỗi nhà báo sẽ có được niềm vui, niềm hạnh phúc chỉ người cầm bút mới có và cảm nhận hết được.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy