Giá điện, xăng dầu tăng đã tác động đến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Với mức lương bình quân từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng/người, mỗi tháng tăng thêm các khoản chi tiền điện, tiền xăng xe, áp lực đời sống kinh tế của công nhân cũng tăng theo.
Nhiều công nhân lo lắng khi giá điện, giá xăng tăng như hiện nay.
Hơn một tháng nay, chị Trần Thị Thương, công nhân Công ty TNHH ACE Antenna, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên) nghỉ sinh con. Để giảm thiểu chi phí hằng tháng, chị Thương đã cho con về quê để dưỡng sinh. Thương nói: Hai vợ chồng em thuê nhà ở thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Điện, nước dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Giá tiền điện không theo thang bậc, cứ 3.000 đồng/số điện. Mặc dù chủ nhà chưa tăng giá điện nhưng giá cả các mặt hàng khác đã tăng giá, tác động đến túi tiền của công nhân lao động chúng em. Hiện tại, chồng em vẫn ở nhà trọ, làm việc ở công ty, nhưng mỗi tuần về quê một, hai lần thăm con, tiền xăng xe vì thế cũng tăng thêm. Mọi chi tiêu đều phải thắt chặt, vì từ khi có con nhiều khoản chi tiêu phát sinh.
Cùng khu nhà trọ với Thương, nhiều công nhân đến từ các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên thuê trọ. Với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/ người/ tháng, nếu công nhân nào có gia đình, con cái ở cùng sẽ chi phí nhiều hơn. Nhiều người làm công nhân ở công ty khác, lương thấp hơn, chỉ trên 5 triệu đồng/người/tháng, họ phải tính toán ba bốn công nhân thuê một phòng trọ để bớt chi phí.
Chị Lại Thị Côi, công nhân Công ty TNHH Sao Thái Dương cho biết: Đối với công nhân, khi giá xăng, giá điện tăng cao đồng nghĩa với việc tăng thêm những áp lực cho đời sống của họ. Đó là chi phí các mặt hàng tiêu dùng tăng, trong khi đồng lương bó hẹp.
Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay đã có hai đợt giá xăng tăng cao, đặc biệt tiền điện tăng trên 8% từ 20/3 đã thúc đẩy giá nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng. Chị Ngô Thị Hòa, phân xưởng đóng gói cấp II, Chi nhánh Công ty cổ phần Sao Thái Dương Hà Nam cho biết, trong tháng qua, với tình hình giá xăng, điện tăng, chi phí của mỗi công nhân một tháng tăng thêm từ 200 đến 400 nghìn đồng. Đấy là chưa tính đến giá thức ăn và các dịch vụ khác đi kèm…
Vợ chồng chị Ngô Thị Hòa, Trần Văn Chung thu nhập mỗi tháng thuộc diện cao ở công ty, trên 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để trang trải các khoản cho gia đình như tiền điện, tiền nước, tiền học của con, tiền ăn uống, chi tiêu khác... một tháng cũng hết ngót chục triệu đồng, còn lại để ra một chút ít phòng khi ốm đau.
Chị Hảo nói: “Nghe mọi người xung quanh kêu tháng vừa rồi giá điện tăng có hơn 8% thôi, nhưng tiền điện nhà nào cũng tăng gấp rưỡi tháng trước. Mình cũng hoảng nên việc lắp điều hòa còn phải tính”.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 120.000 công nhân lao động làm việc ở các khu vực trong và ngoài khu công nghiệp. Mức lương trung bình của công nhân từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Giá cả các mặt hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhiều công nhân, trong đó, đại đa số công nhân có thu nhập thấp.
Theo khảo sát tình hình đời sống lao động ở KCN Đồng Văn, hiện có khoảng trên 6.000 lao động có nhu cầu về nhà ở, trên 10.000 trẻ em có nhu cầu được học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn… thu nhập của người lao động còn thấp nên chỉ một tác động nhỏ đến giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng những mối lo không nhỏ với họ.
Giang Nam
Chu Uyên