Nỗ lực cải thiện các chỉ số điều hành và quản trị để thúc đẩy phát triển kinh tế

Là một trong những địa phương thu hút đầu tư nằm trong tốp đầu cả nước, thời gian qua, tỉnh Hà Nam luôn nỗ lực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS)…

Theo bảng xếp hạng năm 2021, mặc dù chỉ số PAPI của Hà Nam bị tụt giảm 4 bậc so với năm 2020 nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình cao và xếp thứ 22/60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có 2/8 chỉ số thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm số cao nhất toàn quốc gồm: Thủ tục hành chính công xếp thứ 7/60 tỉnh, thành phố; quản trị điện tử xếp thứ 9/60 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có 3/8 chỉ số duy trì cấp độ đánh giá cao gồm: Thủ tục hành chính công; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân. 

Đây đều là những chỉ số trong nhiều năm liền thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Qua đó cho thấy, PAPI năm 2021 của tỉnh tuy có giảm nhẹ về điểm số và thứ hạng so với năm 2020 nhưng về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định. Điều này thể hiện sự  nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, các ngành trong việc triển khai đồng bộ những giải pháp nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả công tác quản trị và hành chính công. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, nhất là tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng; gắn trách nhiệm người đứng đầu từng sở, ngành làm đầu mối chịu trách nhiệm đối với từng nội dung, chỉ số cụ thể. 

Nỗ lực cải thiện các chỉ số điều hành và quản trị để thúc đẩy phát triển kinh tế
Đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nam Ninh trao Giấy chứng nhận Doanh nghiệp ưu tiên cho Công ty TNHH Wistron Infocomm (Việt Nam). Ảnh: Tiến Đoàn

Thể hiện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của tỉnh, chỉ số PCI đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường đầu tư. Nhận thức rõ điều đó, hằng năm, tỉnh Hà Nam đều xây dựng kế hoạch hành động gắn với thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt là thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, hằng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư; các ngành thuế, hải quan, ngân hàng cũng quan tâm tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với  doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh... Năm 2021, mặc dù kết quả xếp hạng PCI tỉnh Hà Nam bị tụt giảm 0,19 điểm so với năm 2020, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố nhưng vẫn có 3/10 chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng so với năm 2020, nổi bật là chỉ số “Tiếp cận đất đai” tăng 21 bậc để vươn lên xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành phố.

Năm 2021, các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS của tỉnh Hà Nam lần lượt giảm 17 bậc và 1 bậc so với năm 2020; xếp thứ 60/63 và 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cả hai chỉ số này đều giảm về thứ hạng so với năm 2020 nhưng điểm sáng là  6/24 tiêu chí của chỉ số SIPAS có tỷ lệ hài lòng tăng khá so với năm 2020, trong đó tiêu chí “Tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị” có tỷ lệ hài lòng tăng mạnh, từ đó giúp cho chỉ số SIPAS tiếp tục nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước. 

Kết quả này khẳng định, dù trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn chủ động, tích cực trong việc tham mưu với UBND tỉnh kịp thời đổi mới phương thức chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Điều này có thể thấy rõ ở kết quả thu ngân sách của tỉnh theo kế hoạch được Chính phủ giao tăng; tỷ lệ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Nỗ lực cải thiện các chỉ số điều hành và quản trị để thúc đẩy phát triển kinh tế
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chỉ số trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế thể hiện qua kết quả xếp hạng các chỉ số đều giảm về thứ hạng so với năm 2020, đặc biệt là chỉ số PAR INDEX. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt giảm điểm số này là do nội dung các sáng kiến, giải pháp mới trong cải cách hành chính chưa đạt điểm tối đa; việc công khai thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, đầy đủ; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; kết quả thu hút đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2021 giảm so với năm 2020; công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa hiệu quả; công tác tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính của một số cơ quan chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng; sự phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của một số cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tinh thần, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, về các chỉ số đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả…
Để đạt mục tiêu, năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh tăng 12 bậc, chỉ số PAR INDEX tăng 10-12 bậc; chỉ số PAPI tăng 3-4 bậc so với năm 2021; chỉ số SIPAS tiếp tục duy trì trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất cả nước, thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng hình ảnh cơ quan Nhà nước thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. 

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, kết nối dữ liệu giữa các ngành trong quản lý doanh nghiệp và đầu tư; thực hiện nghiêm túc và triệt để quy chế phối hợp gắn trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” các cấp; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; tích cực triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp, ngành. Các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát, triển khai đồng bộ giải pháp để thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã; thực hiện đầy đủ các nội dung công việc liên quan đến cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh hằng năm…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy