Chiều 18/8, tại Trụ sở Báo Nam Định, 3 cơ quan Báo Hà Nam, Báo Nam Định và Báo Ninh Bình phối hợp tổ chức Tọa đàm với nội dung: “Chuyển đổi số báo chí”. Đây là hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp về hoạt động nghiệp vụ của 3 đơn vị giai đoạn 2022-2025.
Dự, chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Hồng Kỳ, TUV, Tổng Biên tập Báo Hà Nam; Hoàng Thị Hoài Phương, TUV, Tổng Biên tập Báo Nam Định; Bùi Ngọc Quang, TUV, Tổng Biên tập Báo Ninh Bình. Tham dự tọa đàm có các đồng chí Đảng ủy, Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của 3 đơn vị.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, đồng chí Trần Vân Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Nam Định nhấn mạnh: Hiện nay, cụm từ “chuyển đổi số” không còn xa lạ đối với các ngành nghề, lĩnh vực; đối với báo chí, truyền thông cũng không nằm ngoài trục xoay đó. Chuyển đổi số các cơ quan báo chí vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là nhu cầu bức thiết, tự thân của mỗi cơ quan báo chí để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng định hướng phát triển báo chí trong giai đoạn mới. Mục tiêu của chuyển đổi số báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự đổi mới của đất nước.
Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, yêu cầu chuyển đổi số trong báo chí càng trở nên bức thiết. Tọa đàm “Chuyển đổi số báo chí” là cơ hội để người làm báo 3 đơn vị thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; chỉ ra những khó khăn, thách thức và bàn giải pháp khắc phục, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyển đổi số tại 3 cơ quan báo chí nói chung.
Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của cán bộ, biên tập viên, phóng viên 3 cơ quan báo chí xoay quanh chủ đề chuyển đổi số báo chí như: Những khó khăn đặc thù của các cơ quan báo Đảng địa phương trong công cuộc chuyển đổi số; Vấn đề kinh tế báo chí đặt ra trong chuyển đổi số báo chí; Yêu cầu nâng cao về đội ngũ nhân lực (kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, khả năng cập nhật kiến thức mới…); Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền trên báo Đảng địa phương; Thử nghiệm những ứng dụng mới trong sáng tạo sản phẩm báo chí; Vận hành tòa soạn hội tụ; Vấn đề an toàn, an ninh mạng…
Đề xuất một số vấn đề cần tập trung triển khai trong chuyển đổi số báo chí tại các cơ quan báo chí thời gian tới, đồng chí Bùi Ngọc Quang, TUV, Tổng Biên tập Báo Ninh Bình cho rằng: Chuyển đổi số báo chí cần chú trọng tới việc đầu tư phần mềm nội bộ trong biên tập tin, bài; Vấn đề xây dựng đội ngũ; Thay đổi thói quen tác nghiệp; Hoàn thiện tòa soạn hội tụ. Đồng chí nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí hiện nay phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, do đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu báo chí bảo đảm tích hợp với hệ thống CMS; cần có cơ chế phân phối nội dung phù hợp với nhu cầu, thói quen của bạn đọc; cần xây dựng hệ thống phân tích độc giả (độ tuổi, giới tính, ngành nghề, thói quen đọc…) để báo chí tiếp cận trực tiếp tới nhóm đối tượng phù hợp.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Lê Hồng Kỳ, TUV, Tổng Biên tập Báo Hà Nam nhận định: Báo Nam Định lựa chọn nội dung tọa đàm “Chuyển đổi số báo chí” mang tính thời sự, đáp ứng nhu cầu bức thiết của mỗi cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay. Báo Hà Nam đã triển khai thực hiện các tiêu chí về chuyển đổi số báo chí từ sớm, cũng đã gặp nhiều khó khăn đặc thù trong quá trình thực hiện. Bài toán đặt ra cho chuyển đổi số báo chí tại Báo Hà Nam nói riêng, báo Đảng địa phương nói chung bao gồm: kinh phí (chi phí thuê dịch vụ internet, băng thông, đường truyền, hosting máy chủ, …); cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại; xây dựng đội ngũ có năng lực, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số… Thời gian tới, Báo Hà Nam tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số báo chí, trong đó tập trung số hóa sản phẩm báo in, xây dựng cơ sở dữ liệu báo chí, tăng cường tính tương tác giữa cơ quan báo chí và độc giả, đẩy mạnh truyền thông chính sách…
Đồng chí Hoàng Thị Hoài Phương, TUV, Tổng Biên tập Báo Nam Định đánh giá cao chất lượng các nội dung tham luận và ý kiến đánh giá tại tọa đàm. Các nội dung tham luận đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của chuyển đổi số hiện nay, đồng thời đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đồng chí mong muốn, ngay sau buổi tọa đàm, 3 cơ quan báo chí cần tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi, phối hợp về kỹ năng, nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng chuyển đổi số báo chí tại các đơn vị trong thời gian tới.
Buổi tọa đàm “Chuyển đổi số báo chí” nằm trong Quy chế phối hợp về hoạt động nghiệp vụ của 3 đơn vị giai đoạn 2022-2025 nhằm tăng cường mối liên kết giữa 3 đơn vị báo Đảng của 3 địa phương, qua đó tạo điều kiện để cán bộ, phóng viên, viên chức, người lao động của 3 đơn vị giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của báo chí nói chung, xu hướng chuyển đổi số trong báo chí nói riêng.
Nguyễn Khánh, Thế Trang