Trân trọng giá trị và ý nghĩa to lớn của Tết Độc lập

80 năm tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, từng bị địch bắt tù đầy trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nay sức khỏe đã yếu nhưng bác Nguyễn Hữu Úc, Chủ tịch Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy huyện Thanh Liêm (bị bắt ngày 5/1/1968, được trao trả tháng 2/1973) vẫn còn rất minh mẫn.

 Nhớ lại những kỷ niệm bị giam cầm trong nhà lao đế quốc, đặc biệt là những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, bác Úc xúc động nói: Tôi lên đường nhập ngũ ngày 10/4/1962 khi mới 18 tuổi. 6 năm trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu tại các chiến trường, ngày 5/1/1968 không may tôi bị địch bắt tại thôn Xuân Thạnh, Mỹ An, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định. Địch bắt tôi đưa về Đèo Nhông rồi chở ra Thiết Đính, Bồng Sơn. Sau nhiều lần tra hỏi, tôi đều khai là Nguyễn Văn Toàn, nhập ngũ tháng 4/1967, vào đến Bình Định, đánh nhau trận đầu bị thương. Không khai thác được gì thêm, chúng đưa tôi vào giam chung với anh em, khoảng trên một tuần chúng chở toàn bộ số anh em ở Thiết Đính, Bồng Sơn vào trại giam Phú Tài, Bình Định.

Đến sáng ngày mùng 2 Tết âm lịch năm 1968, chúng lọc toàn bộ số tù nhân nam bị thương nhẹ và còn khỏe chở ra sân bay đưa ra đảo Phú Quốc, trong đó có tôi. Trong thời gian ở nơi được coi là “địa ngục trần gian” ấy, những người lính bị bắt tù đầy chúng tôi luôn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, chí khí người chiến sỹ cộng sản, tranh thủ mọi thời gian để học tập, sinh hoạt, tham gia đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ theo quy chế quốc tế về tù binh chiến tranh… Vào những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, đặc biệt là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, để đề phòng tù nhân đoàn kết đứng lên đấu tranh bạo động, bọn lính quân cảnh, giám thị trại giam o ép và kiểm soát tù nhân cực kỳ chặt chẽ.

Tôi còn nhớ rõ: Dịp 2/9/1969 trời mưa rất lớn. Năm đó, bọn lính quân cảnh canh gác tù binh cực kỳ cẩn trọng. Những năm trước, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 chúng chỉ tăng cường lính quân cảnh vào kiểm tra, kiểm soát tại các nhà giam. Nhưng năm 1969, chúng làm rất gắt gao. Sáng sớm ngày mùng 2/9, ngoài lính canh gác chặt chẽ, cẩn mật 24/24 giờ tại 4 chòi canh, chúng tăng cường xe Jeep gắn đại liên liên tục đi tuần quanh trại giam. Bên trong, bọn chúng tăng cường lính quân cảnh đi kiểm tra, kiểm soát ở các phòng giam. Do bị bưng bít mọi thông tin, lúc đó chúng tôi phán đoán, chắc có trại giam nào anh em đào hầm vượt ngục bị phát hiện nên chúng mới làm gắt gao đến vậy (thường anh em trong trại giam lợi dụng trời mưa mang cát đào hầm từ trong phòng giam ra ngoài đổ cho nước mưa cuốn trôi để xóa dấu vết). Mãi sau này chúng tôi mới biết, hôm đó là ngày Bác Hồ - người cha già kính yêu của cả dân tộc đã ra đi mãi mãi.

Trân trọng giá trị và ý nghĩa to lớn của Tết Độc lập
Vợ chồng bác Úc kể chuyện vui đón Tết Độc lập hôm nay. Ảnh: Thanh Châu

Năm nào cũng vậy, ở trong trại giam, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 các tổ đảng thường tập trung tổ chức cho anh em tù nhân học lịch sử Việt Nam và học tấm gương của Bác. Cụ thể, để nâng cao nhận thức, giữ vững chí khí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản tổ chức đảng trong nhà lao bố trí, phân công những đồng chí có trình độ chuyên môn, có kỹ năng sư phạm (có đồng chí trước kia từng là giảng viên đại học, có đồng chí là thầy giáo cấp I, cấp II, cấp III) truyền giảng những bài học lịch sử của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, qua đó tăng thêm lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, quyết tâm đấu tranh không chịu khuất phục trước mọi đòn roi và thủ đoạn thâm hiểm của kẻ thù. Học tập tấm gương của Bác, mọi người được nghe kể những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng bao dung, rộng lớn của Bác.

Đặc biệt, những bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác như bài: Nghe tiếng giã gạo, Đi đường, Chiều tối, Tự khuyên mình, Không ngủ được, Ngắm trăng… được truyền dạy và phân tích đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững lập trường tư tưởng, lý tưởng cách mạng, rèn nghị lực và bản lĩnh vững vàng cho những người lính bị giam cầm trong nhà lao đế quốc. “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công” – bài Nghe tiếng giã gạo; “Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” - bài Đi đường; “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”  - bài Tự khuyên mình… Có thể nói, nhờ công tác dạy và học môn Lịch sử và tấm gương của Bác trong dịp ngày kỷ niệm lớn của đất nước, tinh thần chiến đấu, ý chí cách mạng, tinh thần đoàn kết của anh em tù nhân đã được củng cố, ngày thêm vững vàng. 

Bác Úc chia sẻ thêm: Bên cạnh việc dạy và học, trong trại giam, tổ chức đảng cũng hoạt động phải hết sức bí mật. Để che mắt lính quân cảnh, bọn mật vụ và giám thị thường xuyên dòm ngó, tìm kiếm, chi bộ đảng trong tù hoạt động hết sức linh hoạt song vẫn phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ tập trung. Một chi bộ được chia làm nhiều tổ đảng, một tổ đảng có khi chia thành 2, 3 nhóm để truyền đạt nhiệm vụ tới đảng viên. Phương pháp sinh hoạt hay truyền đạt nghị quyết dưới hình thức một tốp người đang nghe kể chuyện hay đang học văn hóa, hoặc vừa đi dạo vừa nói chuyện như đang tâm sự với nhau. Rất ít khi ngồi một chỗ đông người. Với phương pháp nhỏ lẻ như vậy, song những nghị quyết, chủ trương, chỉ thị của cấp trên triển khai đều được mỗi đảng viên tự giác thi hành nghiêm túc. Cùng với đó, những ý kiến đề xuất của từng đảng viên ở tổ đảng cũng được phản ánh kịp thời tới lãnh đạo cấp trên và được phúc đáp thỏa đáng...

Chiến tranh kết thúc, tôi là người lính may mắn có ngày trở về - bác Úc bộc bạch thân tình. Từng là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, từng có thời gian bị giặc bắt, tù đầy tôi hiểu rất rõ những giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn của độc lập tự do. Hiện, trong nhà tôi có treo ảnh Bác Hồ và ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày Quốc khánh 2/9 tôi thường bày mâm ngũ quả trước ảnh Bác và ảnh Đại tướng. Những năm gần đây, năm nào cũng vậy, đón Tết Độc lập, ở quê tôi tất cả các hộ gia đình đều treo cờ Tổ quốc trước cửa nhà, tạo không khí tươi vui và phấn khởi khắp làng quê. Dịp này, thôn xóm nhộn nhịp, đông vui hơn bởi cháu con xa gần có điều kiện đều trở về sum họp bên gia đình. Đã ở tuổi “cổ lai hy”, từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, tôi thật sự thấy phấn khởi và hạnh phúc khi được cùng người thân và người dân đón những cái Tết Độc lập trong hòa bình, hạnh phúc; trong niềm vui được chứng kiến quê hương, đất nước ngày càng đổi mới đi lên.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy