Chiều 12/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án chỉnh lý tài liệu tồn đọng tại các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; triển khai công tác chỉnh lý tài liệu tồn đọng tại các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Thực hiện Đề án chỉnh lý tài liệu tồn đọng tại các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh đã giúp giải quyết triệt để tình trạng tài liệu tồn đọng, bó gói, tích đống tại các cơ quan, đơn vị. Sau chỉnh lý, tài liệu được sắp xếp, phân loại đúng quy định phục vụ tốt việc bảo quản, khai thác, tra cứu, sử dụng trong quá trình giải quyết công việc.
Sở Nội vụ thường xuyên kiểm tra, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về chất lượng hồ sơ, tài liệu sau chỉnh lý; phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện việc thu thập hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn của các đơn vị thuộc nguồn nộp lưu để giao nộp vào Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh. Một số cơ quan Trung ương ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp có vốn nhà nước đã triển khai tốt công tác văn thư, lưu trữ, lập, lưu trữ hồ sơ công việc đầy đủ, đúng quy định, đã và đang triển khai giao nộp tài liệu về Kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh như: Bảo hiểm xã hội, Cục thuế, Kho bạc, Công ty xi măng Bút Sơn… Tài liệu sau chỉnh lý đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần giải quyết nhiệm vụ chuyên môn được nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian tìm kiếm tài liệu khi phát sinh nhiệm vụ.
Từ năm 2017 đến năm 2020, Sở Nội vụ đã tích cực phối hợp với 19/19 sở, ban, ngành trực thuộc và thuộc UBND tỉnh triển khai chỉnh lý 4.315,2 mét tài liệu tồn đọng từ năm 2015 trở về trước với kinh phí hơn 34 tỷ đồng theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sau chỉnh lý, đã giải quyết dứt điểm tài liệu tồn đọng từ năm 2015 trở về trước của đa số các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh. Tài liệu lưu trữ trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện nâng cấp, được bảo vệ, bảo quản an toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khai thác, sử dụng của cá nhân và tổ chức, góp phần quan trọng vào công việc quản lý, điều hành của mỗi cơ quan, đơn vị và sự phát triển của địa phương.
Khối tài liệu được chỉnh lý đảm bảo đúng nghiệp vụ lưu trữ và các quy định của Nhà nước, có công cụ tra cứu giúp việc tra tìm và khai thác dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm bố trí phòng kho, mua sắm trang thiết bị để bảo quản tài liệu lưu trữ theo quy định; kịp thời phát hiện tài liệu cũ, hỏng, mối mọt, có nguy cơ mất an toàn để sử dụng các biện pháp xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn đối với tài liệu. Đến nay, kho lưu trữ chuyên dụng của tỉnh đã thu tài liệu của 100% các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh với 3.262 hộp tài liệu, 17.023 hồ sơ, tương đương 466 m giá tài liệu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án. Để công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định, đặc biệt trong bối cảnh cả nước và tỉnh đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, tạo lập cơ sở dữ liệu số, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Sở Nội vụ tăng cường quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; tích cực tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Luật Lưu trữ và các quy định liên quan; phổ biến, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là việc lập hồ sơ giấy, lập hồ sơ điện tử, đảm bảo tỷ lệ lập hồ sơ điện tử tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo Nghị quyết số 24 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan Trung ương ngành dọc trên địa bàn tỉnh, các Công ty có vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh cần quan tâm, triển khai nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công tác văn thư, lưu trữ; đặc biệt là việc lập hồ sơ công việc, giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử…Các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh chưa thực hiện sắp xếp, chỉnh lý; hoặc đã thực hiện nhưng khối lượng hồ sơ, tài liệu tích đống, bó gói còn nhiều; đề nghị chủ động phối hợp với Sở Nội vụ khảo sát, lập dự toán kinh phí; tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện giải quyết dứt điểm. Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% chi thường xuyên và chi đầu tư tự cân đối nguồn kinh phí, đảm bảo thực hiện sắp xếp, chỉnh lý tài liệu theo quy định.
Đối với cấp huyện, khối lượng hồ sơ, tài liệu tồn đọng, nhiều năm nay chưa được sắp xếp, chỉnh lý, đề nghị lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt chỉ đạo phòng chuyên môn, tích cực phối hợp với Sở Nội vụ triển khai thực hiện. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để các cơ quan, đơn vị sớm thực hiện sắp xếp, chỉnh lý, giải quyết dứt điểm tình trạng tài liệu tồn đọng.../.
Thu Thảo