Tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Văn phòng Quốc hội cho biết, theo dự kiến, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 14-18/8/2023 (đợt 1) và từ ngày 24-26/8/2023 (đợt 2) tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.
Về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá Tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (dự án Sân bay Long Thành; dự án Đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án Đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án Đường bộ Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1)”.
Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023.
Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2023-2026.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và một số bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Dự kiến, phiên chất vấn diễn ra trong 1 ngày, 15/8, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Theo nhandan.vn