Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) La Sơn (Bình Lục) đã có những việc làm thiết thực: xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, điều hành hoạt động hiệu quả các khâu dịch vụ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả tiêu chí sản xuất, thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên, trước thực tế công nghiệp ngày càng phát triển, làm thế nào để người nông dân vẫn gắn bó với sản xuất, không bỏ ruộng, những cán bộ HTXDVNN trăn trở, suy tính cách làm mới cho nông nghiệp nhằm thu hút lao động.
Với suy nghĩ đó, nhiều mô hình sản xuất mới đã được HTX xây dựng, như: tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa hàng hóa; chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản; mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị… Những cán bộ HTX miệng nói tay làm để người dân học tập làm theo. Chính Giám đốc HTX Nguyễn Hữu Dực là người khởi xướng và tiên phong trong chăn nuôi đàn bò thịt, bò sinh sản, rồi bò 3b tại địa phương. Hiện nay, riêng trang trại của ông Dực có trên 30 con bò. Ban đầu là con bò vàng có trọng lượng nhỏ, giá trị kinh tế thấp, khi thấy giống bò 3b cho lượng thịt nhiều và thơm ngon, giá trị bê con cao, đến nay ở La Sơn đã có 150 hộ phát triển chăn nuôi bò, với tổng đàn gần 500 con (chủ yếu là bò sinh sản), trong đó có trên 70% được thụ tinh giống bò 3b.
Phát triển đàn bò đã mang lại lợi ích kép: không những tăng thu nhập cho người chăn nuôi mà còn giúp tận dụng được rơm rạ làm thức ăn cho bò và tránh được việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn đất sản xuất. Ông Dực nói: Tôi trực tiếp sang bãi Giữa (Hưng Yên) để thăm quan và học hỏi kinh nghiệm nuôi bò. Hiện nay, không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ chăn nuôi khác đã dần thay thế từ con bò vàng sang nuôi bò 3b. Giá một con bò giống 3b tăng 5 - 7 triệu đồng nên người chăn nuôi rất phấn khởi.
Tiếp nối cách làm mới, mô hình mới, vụ xuân 2021, HTXDVNN La Sơn tích tụ 10 ha đất để sản xuất lúa hữu cơ, mở ra cách thức làm ăn mới - sản xuất lúa hàng hóa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Ông Dực cho biết: Tích tụ ruộng đất là xu hướng tất yếu để sản xuất quy mô lớn. Trước đòi hỏi này HTX tập trung làm trước, sản xuất trước để người dân kiểm chứng và từng bước triển khai làm trong các vụ tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Diện tích đất tích tụ được cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc đã cho giá trị cao hơn so với lúa thường từ 10-20%, tạo niềm tin cho các thành viên tham gia mô hình. Ông Dực cho biết thêm: HTX duy trì sản xuất trên mô hình tiến tới xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Mọi công việc dù lớn hay bé đều phải được nhân dân tin tưởng, đồng thuận thì thực hiện mới thành công. Xác định như vậy nên HTX phải làm trước, khi có hiệu quả rồi thì đồng thuận sẽ cao hơn, triển khai nhân ra diện rộng sẽ hiệu quả hơn.
Coi trọng lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với làm, cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm và xác định đi đầu, làm đầu, mà đã làm là làm thật tích cực để nhân dân nhìn nhận, đánh giá, từ đó làm theo. Từ chuyện tích tụ ruộng đất, mua máy cấy, máy làm đất HTX đều đầu tư trước, làm trước, sau đó động viên người trong xã, thu hút người nơi khác mang máy đến làm. Ông Dực cho rằng: Làm như vậy để HTX giữ được bình ổn mặt bằng giá thuê máy làm đất không quá cao đỡ thiệt thòi cho bà con. HTX luôn mong muốn làm tốt, phục vụ tốt cho sản xuất, làm lợi cho bà con nhưng đây lại là cả vấn đề lớn. Cái khó hiện nay của HTX là vốn và thị trường cạnh tranh rất quyết liệt. HTX không thể cạnh tranh được giá với các đơn vị tư nhân, doanh nghiệp khác. Do đó mọi việc phải đặt chất lượng, uy tín, phương pháp phục vụ lên hàng đầu.
Minh chứng cho lời nói của Giám đốc Nguyễn Hữu Dực, chính là hằng năm HTXDVNN La Sơn không chỉ làm tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất mà còn thực hiện hiệu quả các dịch vụ thỏa thuận. Chẳng hạn như dịch vụ diệt chuột thỏa thuận thu 40.000 đồng/sào, được tuyên truyền đến từng hộ khi có sự đồng thuận chung mới tổ chức làm. Để việc làm được thành công, đơn vị đảm nhiệm cam kết nếu để xảy ra chuột phá hoại mét lúa nào thì đền bù mét ấy; thậm chí nếu lúa không được thu hoạch do chuột cắn phá thì sẽ đền bù 100% diện tích. Qua 2 vụ áp dụng dịch vụ diệt chuột đã mang lại hiệu quả rõ rệt: giảm chi phí mua thuốc, mồi bả, thời gian, ngày công diệt chuột và đào đắp thủy lợi do ảnh hưởng của đào bắt chuột. Theo ông Dực, do thực hiện diệt chuột bằng kỹ thuật mới và đồng bộ nên diện tích lúa bị chuột cắn phá hầu như không còn, làm lợi cho các thành viên hàng tỷ đồng/năm.
Chú trọng chỉ đạo, điều hành sản xuất hiệu quả là việc đăng ký làm theo Bác được Ban quản trị HTXDVNN La Sơn duy trì thực hiện nhiều năm nay. Quá trình hoạt động bên cạnh việc nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất, HTX thực hiện tốt việc công khai minh bạch các khoản thu, giá dịch vụ; hàng vụ căn cứ vào thực tế sản xuất, yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, HTX tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên, như kỹ thuật chăm bón, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh; đồng thời làm tốt công tác dự tính, dự báo, thời điểm phun trừ các loại sâu bệnh để phòng trừ trên lúa và hoa màu đạt hiệu quả cao. Theo ông Dực, chăm lo cho sản xuất cũng chính là chăm lo cho đời sống của các thành viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tăng cường, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất.
Thanh Bình