Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, công tác bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm trong thời gian qua nhằm hướng đến nâng cao vị trí xếp hạng về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển chính quyền điện tử (ICT Index) và chỉ số thành phần về hiện đại hóa nền hành chính trong bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (PAR Index) của tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá tại hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam năm 2021, sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay 100% các cơ quan đến cấp xã trong tỉnh đã được triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Các cơ quan cũng đã ứng dụng vào chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn hằng ngày; đồng thời đã duy trì thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Hệ thống thư điện tử của tỉnh cũng đã bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức (CBCC) từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống thông tin phục vụ các hội nghị và xử lý công việc hiện đang triển khai thí điểm “hệ thống phòng họp không giấy tờ” tại UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống hội nghị truyền hình đã trang bị phòng họp trực tuyến giữa UBND cấp xã với UBND cấp huyện tại 4/6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với tổng số 78 điểm cầu. Bên cạnh đó, đã có phòng họp trực tuyến tại một số sở, ngành kết nối với các bộ, ngành trung ương.
Hiện tại, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hà Nam cũng đã cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC. Tổng số TTHC được đăng tải trên trang web motcua.hanam.gov.vn là 2.117 thủ tục; trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 858 thủ tục (chiếm 40,5%), mức độ 3 là 1.098 thủ tục (chiếm 51,8%). Từ khi thành lập đến nay, tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống là 840.266 hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,7%. Trong đó, quý I/2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống là 47.369 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,8%; có 4.441 bộ hồ sơ trực tuyến (đạt 9,38%).
Bên cạnh đó, việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đã được hoàn tất. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối đăng nhập một lần đối với các hệ thống, phân hệ của Cổng Dịch vụ công quốc gia (Nền tảng thanh toán trực tuyến; nền tảng định danh điện tử; cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…). Các cấp, ngành trong tỉnh cũng đã hoàn thành đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ; hoàn thành kết nối, tích hợp sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp, kiểm thử khoảng 500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh cũng đã được kết nối, liên thông và có thể trao đổi văn bản với hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Việc triển khai chữ ký số trong hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công. Tính đến tháng 5/2021, tổng số chứng thư số trên toàn tỉnh là hơn 1.600 cấp cho tổ chức, cá nhân của các cơ quan hành chính nhà nước.
Xác định phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 3/2020 với 9 phân hệ thí điểm, gồm: Giám sát và điều hành giáo dục; giám sát camera an ninh - giao thông; giám sát môi trường; giám sát hành chính công; giám sát văn bản điện tử; điều hành chỉ tiêu ngân sách; điều hành sản xuất phát triển kinh tế - xã hội; điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát và điều hành y tế. Hoàn thành thử nghiệm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và đã kết nối thành công với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các mối nguy cơ, các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi khiến công tác bảo đảm an toàn thông tin bí mật nhà nước ngày càng trở nên cấp thiết. Các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh với các thủ đoạn, như: Thư điện tử giả mạo, file đính kèm, liên kết ẩn chứa mã độc... Do đó, việc bảo đảm an toàn thông tin là hết sức quan trọng để vận hành ổn định chính quyền điện tử.
Từ tháng 10/2018, theo Quyết định của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh đã được thành lập, có nhiệm vụ tổ chức, điều phối, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT và tổ chức ứng cứu sự cố máy tính, mạng máy tính trên địa bàn tỉnh. Tại Trung tâm CNTT và Truyền thông tỉnh, nơi được coi là “đầu não” tập trung toàn bộ hệ thống hạ tầng dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua cũng đã được trang bị hệ thống xử lý, lưu trữ dữ liệu tập trung có tính dự phòng cao; trang thiết bị mạng, thiết bị bảo mật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, hệ thống quản trị, giám sát tập trung, hạ tầng mạng, hệ thống cảnh báo an toàn và phòng, chống cháy nổ… Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật viên được phân công lịch trực vận hành, thực hiện sao lưu dữ liệu định kỳ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hệ thống phần mềm dùng chung để chủ động hơn trong việc tìm giải pháp nâng cấp, bảo trì, bảo đảm các hệ thống hoạt động ổn định, nâng cao tính bảo mật, xử lý kịp thời các sự cố, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành xử lý các sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Năm 2020, Sở Thông tin - Truyền thông đã bước đầu triển khai thử nghiệm hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh (SOC) kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC), theo đó đã bảo đảm an toàn thông tin 4 lớp theo quy định và kịp thời đưa ra các cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.
Với kết quả ban đầu đạt được và mục tiêu phát triển CNTT đồng bộ, hiện đại, ứng dụng sâu rộng, thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nhiều tiện ích phục vụ công tác quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm an toàn an ninh thông tin, triển khai các biện pháp tăng cường khả năng giám sát, phòng chống và ứng cứu các sự cố về an toàn an ninh thông tin trọng yếu. Nhất là chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đối phó với các nguy cơ về an toàn thông tin.
Thanh Vân