Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Hướng tới mục tiêu nâng cao chỉ số CCHC, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác CCHC, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về CCHC thông qua các cuộc thi sáng tạo, hoạt động tuyên truyền, tập huấn và trên phương tiện truyền thông.

Nhằm chủ động tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2019 của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính
Giải quyết TTHC lĩnh vực giao thông vận tải tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là thủ tục hành chính (TTHC) đã được Nghị quyết chuyên đề 08 ngày 23/9/2016 của Tỉnh ủy khóa XIX xác định là nhiệm vụ chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy, công tác CCHC trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được ghi nhận bởi những đánh giá tích cực từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Nhận thức, trình độ chuyên môn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) về CCHC được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ. Chỉ số CCHC của tỉnh có chuyển biến rõ nét. Năm 2015, Hà Nam đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố thì đến năm 2018 tăng 13 bậc, xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố.

Những kết quả quan trọng trong CCHC đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào địa bàn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 918 dự án đầu tư còn hiệu lực với số vốn đăng ký 3.145 triệu USD và 114.264,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số hạn chế mà nếu để kéo dài sẽ khiến Hà Nam tụt hậu so với các tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, mặc dù đặt mục tiêu đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, nhưng một số sở, ngành, địa phương thiếu chủ động trong rà soát văn bản để tham mưu xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tiến độ xây dựng, ban hành quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết giữa các cấp, ngành còn chậm. Kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2019 cho thấy số điểm của các sở, ngành, địa phương thấp hơn so với năm 2018. Một số sở, ngành, địa phương tụt hạng (hoặc xếp loại trung bình) do bị trừ điểm tiêu chí đánh giá, tiêu chí thành phần.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, một số sở, ngành, địa phương chưa kịp thời xử lý những vấn đề phát hiện qua kiểm tra; còn hạn chế trong việc đưa ra sáng kiến, giải pháp mới về đẩy mạnh CCHC. Hoạt động dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 còn thấp. Nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ, năng lực quản trị mạng còn yếu... Những hạn chế trên đây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh và định hướng xây dựng nền hành chính phục vụ, gần dân.

Hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao chỉ số CCHC, năm 2020 UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), CCHC (PAR INDEX), sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng ở nhóm 20 - 25 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao trong cả nước.

Để làm được điều này, các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm về triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao trong Chương trình CCHC giai đoạn 2016- 2020 và Kế hoạch CCHC hằng năm của tỉnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với CBCCVC và thanh tra, kiểm tra công vụ, giám sát, công bố kết quả giải quyết TTHC, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong tự đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC, thang điểm được quy định cụ thể đối với từng lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần. Nội dung đánh giá dựa trên 8 lĩnh vực (công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng, tổ chức thực hiện và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại cấp xã; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đổi mới cơ chế tài chính) và 32 tiêu chí, 37 tiêu chí thành phần.

Kết quả xác định chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra giám sát, tự đánh giá chấm điểm nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, thông qua bảng xếp loại chỉ số CCHC chỉ rõ những nội dung chưa đạt điểm chuẩn (hoặc kết quả thấp so với điểm trung bình chung), từ đó có sự chỉ đạo sát hợp, cụ thể, giúp các tập thể, cá nhân có liên quan khắc phục kịp thời, góp phần cải thiện chỉ số CCHC trong những năm tiếp theo.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để thiết thực góp phần nâng cao chỉ số CCHC, Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục triển khai thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 1.0 bảo đảm theo lộ trình đã được phê duyệt; duy trì và nâng cấp phần mềm một cửa điện tử (Cổng dịch vụ công của tỉnh) bảo đảm kết nối đến các đơn vị cấp xã. Cùng với đó, đôn đốc các đơn vị, địa phương công khai, cung cấp những TTHC mức độ 3 - 4 lên hệ thống; tăng tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trực tuyến mức độ 3 - 4 trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và ISO 9001:2015 đến cấp xã trong năm nay.

Hướng tới mục tiêu nâng cao chỉ số CCHC, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác CCHC, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về CCHC thông qua các cuộc thi sáng tạo, hoạt động tuyên truyền, tập huấn và trên phương tiện truyền thông. Thông qua tuyên truyền không chỉ giúp CBCCVC nâng cao đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, mà người dân cũng có thể dễ dàng tiếp cận với những điểm mới, sự thay đổi của các cơ quan hành chính nhờ chương trình CCHC. Từ đó giúp người dân chủ động tìm hiểu, chung tay tham gia CCHC, trước mắt là tham gia đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, nâng tầm nhận thức về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4. Về khía cạnh nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp phải bố trí công chức theo đúng vị trí việc làm được phê duyệt, thực hiện tinh giản biên chế đối với CBCCVC không đạt chuẩn; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 90% trong năm 2020.

Trên cơ sở những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục đã được xác định cụ thể, mỗi địa phương, đơn vị, mỗi CBCCVC căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công cần nỗ lực thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, triệt để nhằm cải thiện chỉ số CCHC, tập trung xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ,  góp phần huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.