Nỗ lực cải thiện chất lượng cải cách hành chính ở những đơn vị “tốp cuối”

Nhìn vào kết quả bảng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của UBND cấp huyện cho thấy vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa có sự chuyển biến, thậm chí tụt hạng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, làm thế nào để cải thiện thứ hạng CCHC ở những địa phương, đơn vị thuộc “tốp cuối” để hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn?

Theo kết quả xếp hạng đối với UBND cấp huyện, vị trí số 1 và số 2 tiếp tục là “cuộc đua” giữa UBND huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên. Thành phố Phủ Lý xếp hạng 3/6 huyện, thành phố, thị xã năm 2019, đến năm 2020 rơi xuống vị trí thứ 5. Huyện Bình Lục vẫn nằm ở vị trí cuối bảng dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện thứ hạng. Tuy có sự “lên, xuống” giữa các đơn vị, nhưng nhìn chung ở các tiêu chí cụ thể và tổng điểm xếp hạng vẫn cho thấy chỉ số CCHC đối với các đơn vị UBND cấp huyện trong tỉnh vẫn theo chiều hướng phát triển đi lên. 

Nỗ lực cải thiện chất lượng cải cách hành chính ở những đơn vị “tốp cuối”
Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Theo ông Trương Công Khải, Giám đốc Sở Nội vụ: Kết quả kiểm tra công tác CCHC tại các đơn vị đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC; có sự chủ động, toàn diện hơn trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp CCHC; nhận thức của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) về CCHC đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Cụ thể, ở nhóm cấp huyện, cả 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đạt trên 83 điểm. Tuy nhiên, cũng từ kết quả thực tế, công tác CCHC tại 6 huyện, thị xã, thành phố vẫn còn những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, nhất là ở một số đơn vị, địa phương chậm thực hiện nhiệm vụ được giao, chưa có sự cải thiện hoặc tụt hạng về chỉ số CCHC. 

Tại huyện Bình Lục, để công tác CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thực sự đi vào chiều sâu, thực chất, hằng năm UBND huyện đều xây dựng và sớm ban hành kế hoạch CCHC với nội dung cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện và khung thời gian hoàn thành. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, công tác CCHC của huyện tiếp tục được chú trọng, nhất là trong lĩnh vực cải cách TTHC. Các TTHC đều được công khai, minh bạch; địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân cũng được niêm yết tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn. Các cấp, ngành thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Thực hiện nghiêm việc giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết công việc. 

Toàn huyện đã tiếp nhận, giải quyết trên 4.800 hồ sơ trên hệ thống, chất lượng giải quyết TTHC được bảo đảm, cơ bản các TTHC được giải quyết trước và đúng hạn. Tuy vậy, cũng còn một số xã (Ngọc Lũ, Đồng Du, La Sơn, An Nội) vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hạn, chủ yếu ở lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, công an, lao động, thương binh và xã hội (vì một số hồ sơ cần thêm thời gian để xác thực). 

Thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế về CCHC, ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho rằng: 2 năm liền Bình Lục đều trong nhóm cuối bảng về chỉ số CCHC mà các tiêu chí phụ bị trừ điểm đều nằm ở cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, khiến tổng điểm năm 2020 thậm chí giảm so với năm 2019 (từ 84,1 giảm xuống còn 83,74 điểm). Qua hoạt động kiểm tra về công tác CCHC tại các đơn vị cho thấy, CBCC cấp xã thường xuyên có sự biến động do điều chuyển công tác, nên có thời điểm việc kiểm soát cập nhật TTHC chưa kịp thời, đầy đủ. Một số xã, thị trấn chưa chủ động cập nhật, niêm yết đầy đủ các quy định về TTHC mới ban hành, đặc biệt là quy định về TTHC áp dụng tại cấp xã do các sở, ban, ngành soạn thảo, gây khó khăn cho công dân khi có nhu cầu tìm hiểu, tra cứu.

Chưa kể, dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng ở đa số các xã, thị trấn chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ giải quyết TTHC (thiếu máy quét, diện tích phòng “một cửa” không bảo đảm, tỷ lệ máy tính/CBCC còn hạn chế…). Thêm vào đó, trình độ tin học của một số cán bộ chưa thực sự vững vàng; việc bố trí, luân chuyển sau nhiệm kỳ công tác mới khiến một số CBCC chưa nắm bắt đầy đủ các nhiệm vụ phải thực hiện trong công tác CCHC, khiến hiệu quả giải quyết TTHC chưa cao. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai nhưng chưa hiệu quả, tâm lý người dân đều muốn trực tiếp liên hệ làm việc tại bộ phận “một cửa” dù đã được cán bộ hướng dẫn cụ thể cách nộp hồ sơ trực tuyến.

Thành phố Phủ Lý là một trong những đơn vị tụt hạng trong bảng đánh giá Chỉ số CCHC năm 2020. Tiêu chí phụ bị giảm điểm tiếp tục ở lĩnh vực cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và hiện đại hóa nền hành chính (trong đó hiện đại hóa nền hành chính là tiêu chí đạt điểm thấp nhất so với các huyện, thị xã khác trong tỉnh: 12/22 điểm). Do đó, năm 2021, công tác CCHC được người đứng đầu thành phố đặc biệt coi trọng.

Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm định kỳ, thường xuyên, trong kế hoạch CCHC năm 2021, lãnh đạo UBND thành phố nhấn mạnh cần đầu tư trang thiết bị hiện đại cho tất cả 21 xã, phường; thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực. Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phân tích làm rõ nguyên nhân làm giảm Chỉ số CCHC của đơn vị mình để có giải pháp khắc phục; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cải thiện Chỉ số CCHC của đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra CCHC, thanh tra công vụ, nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại UBND các phường, xã, nhất là ở những đơn vị còn tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC (phường Thanh Tuyền, Phường Lê Hồng Phong…).

Chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm để các địa phương nằm ở nhóm “tốp cuối” trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020 nỗ lực cải thiện thứ hạng và thang điểm của mình. Trước mắt, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của CBCC trong thực thi nhiệm vụ và đơn giản hóa TTHC. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về thực hiện CCHC để nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng của người dân trong tham gia đẩy mạnh CCHC, phát huy những tiện ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần cải thiện vị trí xếp hạng toàn quốc của tỉnh về Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm tiếp theo.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy