Thời điểm 1/3/2020, khi một số đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh bắt đầu thực hiện sáp nhập đã ghi nhận hàng loạt khó khăn về công tác tư pháp - hộ tịch như: thay đổi tên đơn vị hành chính, dân số đông, nhiều thôn, tổ phố xa trung tâm hành chính... Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, với tinh thần nhạy bén, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã tích cực khắc phục khó khăn, đem tới sự hài lòng cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch.
Thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) hiện nay được hình thành từ sự sáp nhập của 3 đơn vị hành chính (thị trấn Bình Mỹ, xã An Mỹ, xã Mỹ Thọ). Khi ba đơn vị sáp nhập thành một dẫn tới phát sinh vấn đề về tên đơn vị hành chính trong hệ thống sổ sách thông tin hộ tịch của người dân. Tên đơn vị hành chính mới trong quá trình người dân thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp – hộ tịch không trùng khớp với thông tin lưu trữ trong hệ thống lưu trữ dữ liệu quốc gia trước đó. Khi giải quyết TTHC cho người dân, phần mềm của Bộ Tư pháp sẽ tự động không tiếp nhận do không đồng nhất về thông tin đơn vị hành chính. Đặc biệt, những TTHC có yếu tố nước ngoài (xác nhận giấy tờ cho người xuất khẩu lao động, du học…) càng khó khăn, phức tạp hơn.
Để khắc phục vấn đề này, Phòng Tư pháp huyện Bình Lục đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Lục, ngay khi có kế hoạch sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phòng đã nhận định sẽ có những khó khăn trong thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp, hộ tịch. Do vậy, trên cơ sở chủ động rà soát, phòng đã tham mưu với Sở Tư pháp, UBND huyện Bình Lục về giải pháp khắc phục. Theo đó, phòng ban hành công văn hướng dẫn về việc ghi chú thông tin thay đổi tới UBND các xã, thị trấn, nhằm bảo đảm việc thực hiện đồng bộ, kịp thời.
Cụ thể, trong quá trình chờ cập nhật từ hệ thống lưu trữ quốc gia, cũng như cải chính thông tin hộ tịch, cán bộ tư pháp – hộ tịch sẽ thực hiện ghi chú thông tin thay đổi, xác nhận của chính quyền địa phương đính kèm với thủ tục giấy tờ của người dân. Sự chủ động trong tham mưu, thực hiện việc ghi chú, xác nhận thông tin hộ tịch thay đổi đã giúp người dân hạn chế những khó khăn, bất cập khi thực hiện TTHC tại các địa phương khác.
Bên cạnh việc thay đổi tên đơn vị hành chính, công tác tư pháp – hộ tịch sau sáp nhập còn phát sinh những vấn đề liên quan đến việc số lượng dân cư tăng kéo theo khối lượng công việc lớn mà nhân sự phụ trách công tác tư pháp - hộ tịch có hạn. Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) hiện nay được hình thành từ sự sáp nhập của 2 đơn vị hành chính (xã Đồng Lý, thị trấn Vĩnh Trụ). Cũng như nhiều địa phương khác, thời gian đầu sau sáp nhập công tác tư pháp – hộ tịch gặp một số khó khăn khi dân số thị trấn tăng (từ 6 nghìn lên 14 nghìn nhân khẩu thuộc 4 tổ phố và 5 thôn), trong khi phần lớn TTHC được người dân thực hiện tại bộ phận “một cửa” thuộc lĩnh vực tư pháp – hộ tịch, do đó khối lượng công việc khá lớn. Rất may thị trấn có 2 cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch đều đạt chuẩn và thường xuyên được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ… nên hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC của người dân. Mặt khác, việc thực hiện tốt cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC cho người dân.
Theo ông Vũ Tung Hoành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tư pháp - hộ tịch, chính quyền thị trấn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện những quyền nhân thân quan trọng (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, thay đổi, cải chính hộ tịch, nhận nuôi con nuôi, chứng thực hợp đồng giao dịch...) gắn với cụ thể hóa chủ trương xây dựng mô hình “chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Cùng với đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, góp phần quản lý chặt chẽ hơn việc đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn.
Với thị trấn Bình Mỹ, việc sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính không chỉ có sự gia tăng về dân số mà diện tích tự nhiên cũng mở rộng lên rất nhiều, một số khu dân cư xa trung tâm hành chính khiến người dân mất nhiều thời gian đi lại hơn. Để khắc phục tình trạng này và nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân, UBND thị trấn chủ trương nâng cao chất lượng phục vụ của mô hình “chính quyền thân thiện”, cán bộ tư pháp – hộ tịch thực hiện tốt nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả phục vụ nhân dân. Đặc biệt, với những trường hợp khó khăn trong di chuyển, khi có nhu cầu giải quyết TTHC, xác minh thông tin hộ tịch, cán bộ tư pháp – hộ tịch sẽ tới tận nơi để thực hiện.
Ông Nguyễn Bá Đạt (người dân thị trấn Bình Mỹ) chia sẻ: Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, khi đến thực hiện TTHC tại bộ phận “một cửa” của thị trấn, tuy xa hơn nhưng với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, cách tổ chức, hướng dẫn khoa học, thái độ phục vụ của cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, giải quyết thủ tục nhanh chóng… nên tôi rất hài lòng.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương lớn, nhằm sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng phù hợp gắn với khai thác, phát huy các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Do đó, nhanh chóng khắc phục những hạn chế phát sinh trong công tác tư pháp – hộ tịch là nhiệm vụ cấp thiết của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết TTHC, nâng cao sự hài lòng, tín nhiệm của người dân với chính quyền cơ sở.
Nguyễn Khánh