kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cải cách công vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Cải cách công vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Cải cách công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính (CCHC). Do vậy, cần thiết phải chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ CBCCVC chuyên trách CCHC các cấp, ngành, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng nền hành chính minh bạch, thân thiện, hiện đại.

Để đẩy nhanh tiến độ CCHC, vai trò của từng cơ quan, đơn vị và vai trò của từng CBCCVC trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước là hết sức quan trọng. CBCCVC hằng ngày giải quyết các TTHC, trực tiếp giải thích, hướng dẫn giải quyết những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp nên hơn ai hết họ hiểu rất rõ thủ tục nào bất hợp lý, cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ… để tạo thuận lợi hơn cho công dân. Vì vậy, nếu như CBCCVC chủ động nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến về CCHC thì chắc chắn sẽ sát đúng, hiệu quả. Thực tế đó đòi hỏi mỗi CBCCVC phải thường xuyên có sáng kiến, đề xuất về CCHC để góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc theo tinh thần phục vụ xã hội, vì lợi ích chung. Có như vậy, công tác CCHC mới thấm sâu vào thực tế công tác và tạo được sự bứt phá rõ nét trong thời gian tới. 

Cải cách công vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên hướng dẫn người dân tra cứu bộ TTHC niêm yết tại phòng “một cửa”.

Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên), CBCCVC có vai trò rất quan trọng trong CCHC, đặc biệt là đội ngũ CBCCVC làm việc tại bộ phận “một cửa”, giao tiếp và giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Từ nhận thức đó, cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy, UBND phường đã tăng cường kiểm tra, giám sát CBCCVC trong giờ làm việc. Tại phòng “một cửa” luôn bố trí niêm yết công khai số điện thoại của lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường để người dân kịp thời phản ánh, kiến nghị về quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phương thức ứng xử cũng như chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của CBCCVC khi cần thiết. Đảng ủy, UBND phường cũng rất chú trọng khuyến khích CBCCVC phát huy sáng kiến về CCHC, coi đây là tiêu chí chấm điểm, đánh giá chất lượng cá nhân CBCCVC, đảng viên hằng quý, hằng năm. Từ thực tế trên đòi hỏi mỗi CBCCVC cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, có đề xuất ý kiến về những bất cập trong giải quyết TTHC, từ đó giúp các cấp, ngành có cơ sở để hoàn thiện hơn bộ TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi làm việc.

Để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ CBCCVC thân thiện, tận tụy, trách nhiệm, kỷ luật, thực hiện nghiêm chuẩn mực trong thi hành công vụ, giải quyết công việc, giao tiếp với tổ chức, cá nhân, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quý đối với cấp trưởng phòng các cơ quan chuyên môn, người đứng đầu chính quyền các cấp. Cùng với đó, thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm đội ngũ CBCCVC có số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm công tác phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phê duyệt và thực hiện quản lý, sử dụng biên chế theo đúng chỉ tiêu biên chế được giao và vị trí việc làm. Số lượng CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh là 2.148 người (trong đó, 2.127 người là đảng viên). Tỷ lệ CBCC đạt chuẩn là 100%; 73,5% có trình độ đại học, bảo đảm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Năm 2020, các cấp, ngành trong tỉnh đã tổ chức 12 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho 1.432 lượt CBCCVC với kinh phí thực hiện gần 505 triệu đồng.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử được thực hiện đồng bộ đã nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, hạn chế hồ sơ trễ hẹn và rút ngắn thời gian thực hiện TTHC được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp năm 2020 trong 4 dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền (cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang lưu trú tại Việt Nam; cấp căn cước công dân; các thủ tục thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; các thủ tục thuộc lĩnh vực chứng thực…) cho thấy, trung bình trên 93% người dân đều hài lòng với thời gian giải quyết hồ sơ, tinh thần phục vụ của đội ngũ CBCCVC. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không ngừng được cải thiện (năm 2020 xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng ở vị trí 9/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm 16 tỉnh đạt điểm cao nhất.

Tuy nhiên, theo ông Trương Công Khải, Giám đốc Sở Nội vụ, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác cải cách công vụ vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế. Trong công tác đào tạo CBCCVC, dù đã được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nhưng tại một số địa phương, CBCCVC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC vẫn chưa thực sự thành thạo hoặc làm đúng quy trình, đơn cử như số liệu giữa sổ sách ghi chép giấy sai lệch so với số liệu trên hệ thống “một cửa” điện tử. Bên cạnh đó, qua ý kiến phản ánh của nhiều CBCCVC, phần mềm quản lý văn bản điều hành và cổng hành chính công điện tử có tốc độ hiển thị chậm, khó sử dụng, khi đưa hồ sơ của công dân lên phần mềm mất rất nhiều thời gian. Ở một khía cạnh khác, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, không đồng bộ (thiếu máy quét, máy tính…) cũng gây không ít khó khăn cho đội ngũ CBCCVC trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là những hạn chế khiến các chỉ số thành phần trong bảng tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh bị mất điểm so với nhiều tỉnh, thành phố khác.

Nói về những hạn chế trên, tại hội nghị đánh giá kết quả CCHC năm 2020, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cho rằng: Con người là số một trong CCHC, do đó cần thiết phải có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thiết thực, bài bản, hiệu quả hơn cho đội ngũ CBCCVC. Trong đào tạo, bồi dưỡng cần tránh nặng về lý thuyết mà phải chú trọng nhiều hơn đến kỹ năng thực hành, thực hiện nhiệm vụ, thậm chí “cầm tay chỉ việc” để mỗi    CBCCVC có thể nắm vững kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn và tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Cùng với đó, đặc biệt chú trọng vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC. Đồng thời, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tinh thần sáng tạo, năng động của lớp CBCC trẻ, nhiệt tình, được đào tạo bài bản trong công tác CCHC; cải thiện chất lượng thực hiện, giải quyết TTHC giữa cơ quan nhà nước với công dân, giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Mặt khác, tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo cơ hội cho những người có trình độ, năng lực vững vàng vào hoạt động trong hệ thống chính trị, hướng đến xây dựng đội ngũ CBCCVC thực sự có năng lực, chuyên nghiệp, trách nhiệm phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền hành chính phụng sự nhân dân.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy