Chuyện về hai thầy giáo ở xã đảo Song Tử Tây

“Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường sư phạm, tôi luôn tâm niệm sau này sẽ đi những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dạy học. Tôi sẽ đến nơi khó khăn để giúp học sinh, vì nhìn các em tôi lại nhớ đến chính hoàn cảnh mình ngày trước. Lời khuyên trên giường bệnh của ba đã giúp tôi có ngày được nắn nót từng nét viết của học trò ở Trường Sa hôm nay...” – thầy Nguyễn Hữu Phú hạnh phúc chia sẻ.

“Ngày 20/11, các em học sinh của chúng tôi cũng mang hoa đến tặng hai thầy giáo. Hoa nhà trồng, hoa rau cải vàng ươm, hoa cắt dán bằng giấy, hoa bão táp, hoa phong ba trắng li ti, cả quả tra mọc thành chùm như nho nữa…” - thầy Phú, thầy Ngọc của Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vui vẻ chia sẻ với phóng viên. Trong từng câu chuyện kể về trường lớp, về những em học sinh thân yêu, đôi mắt hai thầy giáo sáng ngời niềm vui, chất chứa hạnh phúc của những người viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học.

Thầy Phú - 10 năm dang dở ước mơ cầm phấn

Thời gian lưu trú, tác nghiệp trên đảo Song Tử Tây rất ngắn nhưng mỗi phóng viên chúng tôi đều dành thời gian để tìm hiểu về hoạt động dạy học cũng như đời sống, công tác của mỗi giáo viên nơi đây. Một phần cũng bởi xúc động, cảm phục trước câu chuyện về nghị lực vượt khó và lòng khát khao được cầm phấn dạy trẻ của các thầy giáo nơi hải đảo xa xôi.

Thầy Nguyễn Hữu Phú hướng dẫn các em học bài.

Thầy Nguyễn Hữu Phú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây tâm sự với chúng tôi về 10 năm dang dở ước mơ cầm phấn. Là con út trong gia đình chín anh chị em, hoàn cảnh gia đình khó khăn, các anh chị ai cũng nghỉ học từ rất sớm đi làm phụ giúp gia đình nên cuối năm học lớp 8, thầy Phú đứng trước hai lựa chọn, hoặc nghỉ học, phụ giúp gia đình làm nông, hoặc tiếp tục học đến khi tốt nghiệp cấp II để đủ điều kiện đi làm công nhân. May mắn được các anh, chị lớn hỗ trợ, thầy Phú được tiếp tục đi học hết cấp III. Nhà không có tiền để vào thành phố luyện thi đại học như bạn bè, thầy Phú tự mượn sách vở về ôn kỳ thi nhưng vẫn thất bại. Mẹ ốm rồi mất, anh chị đều có gia đình riêng, một mình thầy chăm sóc bố bệnh liệt giường, ước mơ giảng đường đại học, ước mơ được cầm phấn dạy trẻ đành gác lại. Trong suốt 10 năm chăm mẹ, rồi chạy chữa cho bố, thầy Phú làm nhiều nghề để mưu sinh, miễn sao có tiền thuốc thang, từ phụ hồ, xỉa trầm hương, công nhân vệ sinh khu sửa chữa tàu...

“Nhiều đêm thấy mình đứng trên giảng đường, tỉnh dậy mới biết chỉ là nằm mơ, tim tôi thắt lại” – thầy Phú nghẹn ngào. Nhận thấy con trai chưa một ngày thôi khát khao ước mơ học sư phạm, những ngày tháng cuối đời trên giường bệnh người cha già dặn dò: “Ba thì dù thế nào cũng không thể sống mãi với con được. Tự con phải cố gắng học hành mà lo cho bản thân mình. Ở bên kia, ba má cũng vui khi thấy đời con không phải khổ...”. Lời khuyên của bố như khiến thầy Phú bừng tỉnh. Sau khi cùng anh chị lo hậu sự cho bố, thầy Phú quyết định đến nhà thầy cô giáo cũ xin ôn lại ba môn Toán, Lý, Hóa. Ngày một buổi đi làm, một buổi đi học, nỗ lực ôn luyện hai năm, thầy Phú làm hồ sơ thi và trúng tuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Học sư phạm khi đã ngót 30 tuổi, vừa học, vừa mưu sinh nhưng thầy Phú vẫn luôn hạnh phúc vì đã hoàn thành tâm nguyện của ba, vừa thực hiện được ước mơ của mình. Tốt nghiệp, ra trường đi dạy ba năm, thầy Phú viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học và phải đến lần thứ hai nộp đơn, mong ước của thầy mới trở thành hiện thực. 

“Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường sư phạm, tôi luôn tâm niệm sau này sẽ đi những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dạy học. Tôi sẽ đến nơi khó khăn để giúp học sinh, vì nhìn các em tôi lại nhớ đến chính hoàn cảnh mình ngày trước. Lời khuyên trên giường bệnh của ba đã giúp tôi có ngày được nắn nót từng nét viết của học trò ở Trường Sa hôm nay...” – thầy Nguyễn Hữu Phú hạnh phúc chia sẻ.

Thầy Nguyễn Bá Ngọc cùng các em nhỏ khám phá những món đồ chơi mới gửi ra từ đất liền.

Thầy Ngọc - tuổi trẻ là phải dạy học ở những nơi xa xôi nhất

Thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993) hiện đang phụ trách khối mầm non Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây. Nếu câu chuyện của thầy Nguyễn Hữu Phú khiến chúng tôi vô cùng xúc động về niềm khát khao cháy bỏng, vượt khó để được học và dạy học, thì câu chuyện của thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Ngọc lại khiến chúng tôi khâm phục về ý chí muốn cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. 

Từ một cán bộ đoàn năng nổ nhiệt huyết, thầy Ngọc từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đã thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, góp sức xây trường, làm đường ở vùng cao, giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Tốt nghiệp ra trường, thầy Ngọc năng nổ đăng ký đi dạy học ở những xã xa xôi, khó khăn của tỉnh. Một lần đọc thông báo tuyển giáo viên đi dạy học ở huyện đảo Trường Sa theo diện tình nguyện, thầy Ngọc không ngần ngại viết đơn ngay. Thầy Ngọc khẳng khái nói: “Tuổi trẻ là phải đến dạy học ở những nơi khó khăn nhất, xa xôi nhất để cống hiến hết sức mình”.

Giờ ra chơi của các em học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Quả thật, việc dạy học ở hải đảo có nhiều khó khăn đặc thù. Mỗi lớp học trên xã đảo Song Tử Tây cũng như ở quần đảo Trường Sa đều rất đặc biệt. Xã đảo có 10 học sinh, mỗi em lại ở một trình độ lớp học khác nhau, có em mầm non 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi; các em cấp tiểu học thì lớp 1 cũng có, lớp 4, lớp 5 cũng có. Mỗi thầy giáo phụ trách một cấp học và dạy tất cả các môn nên thành ra lớp học phải bố trí theo hình thức lớp ghép, học ghép. 

Việc tổ chức ghép lớp, ghép môn được các thầy giáo bố trí sắp xếp phù hợp, bảo đảm mỗi em đều lĩnh hội đầy đủ chương trình học của bản thân, lại không bị ảnh hưởng của chương trình khác. Thường thì những môn: Tập đọc, Nhạc, Họa được ghép học chung. Những môn phân loại trình độ: Toán, Văn, Khoa học được ngồi chung nhưng học theo từng giáo án riêng. 

Việc học ghép vì thế cũng đòi hỏi thầy giáo phải soạn giáo án đặc thù, thực hành chương trình bài giảng khác nhau. Việc học ghép tuy khó khăn nhưng cũng mang lại nhiều thuận lợi cho học sinh. Các em nhỏ học theo anh chị lớn nên chăm ngoan, tiếp thu bài nhanh. Các bạn lớp lớn cũng có thể cùng thầy giáo hướng dẫn các em nhỏ. Do ít học sinh, các thầy có điều kiện chăm lo cho các em. 

Thầy Nguyễn Bá Ngọc hào hứng cho biết: “Nhờ mô hình học ghép cũng như ý thức học tập chăm chỉ, tất cả các em nhỏ ở lớp mầm non đều có khả năng nắm bắt sự vật, hiện tượng rất tốt. Có em bộc lộ sớm khả năng đọc viết, mới 4 tuổi đã thuộc lòng nhiều bài thơ, 5 tuổi đã đủ điều kiện đặc cách học lên lớp 1”.

Ở Trường Sa, thầy giáo là người “dạy chữ”, là người “chăm trẻ” và cũng là những người “hàng xóm tốt bụng”, hiền hòa. Những năm tháng công tác tại xã đảo Song Tử Tây, thầy Phú, thầy Ngọc luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của chính quyền, các đơn vị bộ đội, đặc biệt là phụ huynh học sinh trong việc dạy trẻ cũng như trong cuộc sống thường nhật.

Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy