Làng tôi nghèo - ngày xưa ấy nhiều nhà tranh vách đất. Đường làng quanh co, nhỏ hẹp, lầy lội khó đi. Mùa mưa bão đến, người lớn trong làng ai cũng lo đến “thắt gan, thắt ruột”. Cuộc sống hằng ngày vốn nhọc nhằn lại phải đối mặt với bao vất vả, khó khăn mỗi khi mùa mưa bão tới.
Mỗi lần nghe tin báo trên đài, người người, nhà nhà khẩn trương lo phòng chống bão. Nhà chèn lại tường, nhà buộc chặt lại mái gianh. Cây bưởi, cây na… trong vườn được chống dựng bằng những thân tre chắc chắn. Đàn lợn, đàn gà được che chắn cẩn thận để tránh gió mưa.
Bão lớn tràn về, ngoài trời gió giật mạnh từng hồi như muốn cuốn bay mọi thứ. Tiếng cành cây gẫy rắc ngoài vườn lẫn trong tiếng mưa tuôn. Đã ở yên trong nhà, nhưng nỗi lo vẫn ngập tràn trong lòng ông bà, cha mẹ. Lo lúa ngoài đồng gần đến ngày thu hoạch lại bị đổ, bị ngập trong nước trắng mênh mông. Lo bất ưng mái tốc, nhà sập giữa lúc bão mưa đang dữ dội? Lo cây trái trong vườn bị gió đập rụng đến xác xơ…
Khi cơn bão qua đi, làng quê tan tác cảnh cây đổ, nhiều nhà tốc mái… Nhưng người lớn vội vã ra đồng để cứu lúa, cứu nguồn thu. Sau bão mưa, nông dân lại “đầu tắt mặt tối” lo việc nhà cùng với việc đồng áng. Chỉ lũ trẻ con vô tư trong làng vui thích, hò hét rủ nhau đi nhặt quả rơi. Tranh thủ thức khuya, dậy sớm nông dân ra đồng dựng lại diện tích lúa bị gió bão làm cho đổ dạt, mong hạn chế phần nào những hậu quả nặng nề do cơn bão gây ra.
Sau bão, những ngôi nhà tốc mái được lợp lại từ sự sẻ chia, giúp đỡ thân tình của họ hàng, làng xóm. Những cây gẫy, cây đổ trong vườn được dọn gọn để sẵn sàng trồng cây mới tiếp theo. Đàn gà lại rủ nhau đi kiếm mồi quanh sân nhà thân thuộc. Tiếng trò chuyện, hỏi chào lại rộn khắp đường quê.
Trải qua bao tháng ngày nỗ lực đi lên, làng quê giờ không còn cảnh nhà tranh, vách đất; nông dân không còn lo bão về, nhà sập biết tránh nơi đâu.
Làng quê đổi mới, người dân quê đổi mới, cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Nhưng mỗi khi mùa mưa bão về, ông bà vẫn nhắc nhớ, thương cảnh quê nghèo xưa đầy cực nhọc, khó khăn.
Vĩnh Linh