Khi con em nông dân học đại học

Tháng 8 khi các trường đại học công bố điểm trúng tuyển, học sinh tốt nghiệp THPT và gia đình nhận kết quả trong niềm vui vỡ òa. Tuy nhiên với nhiều gia đình, nhất là các nhà làm nông nghiệp, cùng với niềm vui con đỗ đại học là nỗi lo về các khoản chi phí nuôi con ăn học.

Phan Thị Khuyên (ở Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân) vừa được thông báo trúng tuyển vào một ngành ngoài sư phạm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khuyên cho biết, mẹ em làm nông, bố làm thợ xây, thu nhập gia đình khó khăn nhưng khi biết con đỗ đại học bố mẹ nói sẽ quyết tâm cho em ăn học. Cũng may nhà trường khi nhập học chỉ thu một số khoản với số tiền khoảng 1,9 triệu đồng, chưa thu học phí ngay nên bố mẹ em có thời gian gom góp chuẩn bị. Trường sư phạm, ngành sư phạm được miễn học phí, các ngành ngoài sư phạm thu học phí nhưng cũng ở mức thấp nên em mới dám đăng ký vào học.

Khuyên chia sẻ: Thấy bố mẹ bàn quá trình em học đại học chắc bố mẹ phải làm lụng nhiều hơn, tiết kiệm đến tối đa để có đủ chi phí. Cũng may nhà có anh trai đã đi làm, em còn nhỏ, bố mẹ chỉ phải lo ăn học của em là chính nên chắc cũng cố gắng được mà chưa phải đi vay. Biết việc học đại học tốn kém, bố mẹ lao động vất vả mà thu nhập mức độ nên em cũng có tính toán, lo toan từ sớm. Em tìm thuê chỗ trọ cách xa trường, mất công đi lại nhưng rẻ hơn. Ngoài ra em cũng có kế hoạch đi làm thêm để đỡ một phần chi phí cho bố mẹ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Khuyến học Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) cho biết: Mỗi năm địa phương có khoảng 30 cháu đỗ các trường đại học công lập, chưa kể trường tư thục và cao đẳng. Người dân địa phương hầu hết làm nông nghiệp, nghề phụ, một số làm ở công ty, thu nhập mức độ nhưng nếu con học được và có ý chí muốn học lên cao các gia đình đều quyết tâm cho con ăn học.

Khi con em nông dân học đại học
Một góc khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: VnExpress

Chị Nguyễn Thị Hường, ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm thì cho biết con trai chị đang học năm thứ 2 một trường đại học tư thục chất lượng cao ở Hà Nội. Cậu con trai rất mê ngành công nghệ thông tin và điểm có thể đỗ được vào một trường đại học công lập tốp 3. Tuy nhiên sau khi tính toán chị quyết định đồng ý với con là học tại một trường tư thục chất lượng cao có tiếng về đào tạo ngành công nghệ thông tin, với niềm tin “đắt” nhưng “sắt ra miếng”, hy vọng ra trường con sẽ tìm được việc làm lương cao. Chồng mất sớm, chị và cô con gái lớn làm công nhân ở công ty, ngoài ra cấy thêm ruộng. Hai mẹ con phải làm lụng cật lực, sử dụng cả tiền tiết kiệm, trong nhà cũng không dám mua sắm gì mà kinh tế gia đình cũng “liểng xiểng”. Năm nay công nhân ít việc, lương càng thấp, lo cho con đi học đại học càng kiệt sức. Vừa rồi chị phải vay mượn lo cho cô con gái đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản những mong sang bên đó lương cao hơn mới có thể phụ giúp cùng mẹ nuôi em học hết đại học.

Học đại học cần những khoản chi phí không nhỏ. Với các gia đình kinh tế ổn định còn đỡ chứ với gia đình ở nông thôn kinh tế mức độ, việc nuôi con học đại học quả là kiệt sức. Những năm qua các khu công nghiệp ngày càng phát triển, các doanh nghiệp cần nhiều công nhân, trong khi đó không ít người học đại học ra trường khó xin việc làm nên nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở nông thôn kinh tế mức độ đã tính toán không cho con đi học đại học mà học xong phổ thông đi làm ngay. Tuy nhiên với nhiều gia đình các cháu khao khát muốn học lên cao, hoặc những cháu có sức học tập tốt bố mẹ cũng không tiếc mà quyết tâm cho con học đại học. Dĩ nhiên các ông bố bà mẹ phải bươn trải làm việc nhiều hơn, bớt ăn bớt mặc để có tiền đóng học cho con. Những sinh viên con em nông dân cũng hiểu được vất vả của bố mẹ nên chi tiêu ở mức tối thiểu, tìm việc làm thêm để đỡ đần bố mẹ. Không ít gia đình phải chấp nhận vay mượn mới có đủ tiền cho con ăn học.

Ngoài nỗ lực của gia đình và bản thân các sinh viên, nhiều năm qua chính sách ưu đãi tín dụng học sinh sinh viên là một chiếc phao cứu sinh giúp các gia đình kinh tế eo hẹp có thể vay cho con học đại học. Cùng với đó hội khuyến học các cấp, các tổ chức, cá nhân cũng có những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên nghèo, giúp các em vượt khó để hoàn thành học đại học. Trước khi năm học mới bắt đầu gần như tất cả hội khuyến học các cấp đều tổ chức trao thưởng cho học sinh, giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong năm học, học sinh nghèo vượt khó. Các cháu đỗ đại học đều được khen thưởng động viên, những cháu gia đình kinh tế khó khăn được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Các tổ chức, cá nhân cũng trao học bổng, nhận đỡ đầu những học sinh, sinh viên gia đình kinh tế khó khăn trong suốt cả năm học. Sự động viên về tinh thần, hỗ trợ một phần chi phí học tập, góp phần giúp những sinh viên nông thôn có động lực và điều kiện theo đuổi ước mơ học đại học. Qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Đỗ Hồng  

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy