Không còn trồng nhiều như hơn chục năm trở về trước, nhưng khi chớm thu, có dịp đi về các vùng quê thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp hương ổi quê thơm ngọt ngào trong gió. Đón thu sang, những trái ổi găng, ổi đào, ổi mỡ chín thơm lừng gợi nhớ biết bao ký ức tươi đẹp, trong sáng của tuổi thơ; nhắc nhớ về làng quê thời còn nhiều khó khăn, vất vả.
Quê tôi ngày trước nhiều nhà trồng ổi trong vườn, sát cạnh đường đi. Làng quê ngày ấy không nhiều nhà cao tầng khang trang như bây giờ. Trong làng, chủ yếu là nhà cấp 4, lợp ngói đỏ. Đường làng đa số vẫn là đường đất, bờ giậu bên đường là những rặng duối, rặng cúc tần ken dày; phía trên bờ giậu là những cành ổi sà ra ngoài đường, đến mùa quả sai trĩu trịt, tỏa hương thơm ngào ngạt.
Không có các giống ổi có trái to như bây giờ, ổi quê ngày ấy quả thường thau tháu to hơn chiếc chén uống nước, khi chín tỏa hương thơm lừng, ăn có vị ngọt đậm. Mùa ổi đến cũng là mùa học sinh tựu trường, bước vào năm học mới. Trên đường đi học, những cành ổi vươn ra ngoài đường, trên cành quả sai trĩu trịt luôn thu hút sự quan tâm chú ý của bọn trẻ. Những buổi đi học sớm hay lúc đi học về, nhìn trước, ngó sau, tranh thủ thấy nhà vắng bóng người bọn trẻ lại rủ nhau “trộm ổi”. Cành ổi quả sai cao là là ngay trước mặt, nhưng lại ngoài tầm tay với. Ném quả không rụng, bọn trẻ phải kiệu nhau vin cành xuống hái. Đang mải mê “trộm ổi”, bỗng nghe thấy tiếng người cả bọn vội vã bỏ chạy, cành ổi lại bật lên cao. Có hôm đang hái ổi, lũ chó trong nhà phát hiện lao ra sủa ầm ĩ, cả bọn cuống cuồng, có đứa chạy vội rơi cả dép...
Đậm sâu trong ký ức, những quả ổi găng nhỏ, cứng nhưng ăn giòn, ngọt; ổi mỡ lòng trắng; ổi đào ruột đỏ hồng… luôn là trái cây yêu thích của trẻ nhỏ mỗi khi thu về. Mùa ổi chín, “đánh hơi” được hương thơm bay theo làn gió, sáng sớm lũ chim cũng rủ nhau bay về ăn trái, lao xao, ồn ã một góc vườn. Theo kinh nghiệm của những người trồng ổi, những trái chim ăn thường là trái ngọt đậm. Vì vậy, khi hái mọi người không vứt bỏ những trái chim ăn dở mà chỉ cắt bỏ chỗ chim khoét vội rồi thưởng thức luôn trong vườn.
Cây ổi không quá cao, lại nhiều cành; cành ổi dai nên trèo hái khá dễ dàng. Chiều đến, khi cháu được nghỉ học, bà ới cháu tranh thủ hái ổi để sáng mai đi chợ sớm. Ổi ngày ấy bán theo chục, theo mớ chứ không bán theo cân như bây giờ. Mẹ đi chợ sớm về, nhìn thấy trong làn có mớ ổi ngon mấy anh chị em gọi nhau túm tụm lại để chia phần. Dù ham ăn, nhưng những quả ổi to, chín vàng thường được bọn trẻ để dành trong những chiếc giỏ dây tự đan treo nơi góc bàn học. Tối tối, ngồi vào bàn học bài, hương ổi thơm vấn vít cả căn phòng.
Ổi quê (hay ổi ta) là tên người dân gọi chung cho các giống ổi được trồng nơi vườn nhà thuở trước. Mùa ổi chín, với lòng thơm thảo, chân thành hàng xóm láng giềng thường biếu nhau chục ổi gọi là “cây nhà trồng được”. Hôm nay nhà này, mai nhà khác, biếu đi biếu lại... vì vậy, trong xóm, nhà nào có cây ổi ngon cả làng đều biết. Nghĩa tình người dân quê chỉ đơn giản vậy, bình dị nhưng thật ấm áp, sẻ chia.
Do hiệu quả kinh tế thấp, hiện nay nhiều gia đình đã phá bỏ giống ổi cũ trồng những giống ổi mới, quả to, ăn cũng giòn, ngọt nhưng không có hương thơm và vị ngọt đậm như ổi quê. Tuy nhiên, vẫn còn gia đình giữ lại giống ổi ta nơi vườn nhà như muốn giữ lại những kỷ niệm, hương thơm, nét đặc trưng của làng quê thuở trước. Vì vậy, trong cuộc sống bộn bề, vội vã hôm nay, mỗi độ thu về, thỉnh thoảng ta vẫn “bắt gặp” hương ổi quê thơm nồng nàn trong gió, đem lại cảm giác thân thuộc, bình yên và yêu thương đến lạ!
Phạm Hiền