Xúc động những vần thơ về các Anh hùng liệt sĩ

Tôi đã từng được đến thăm Thành cổ Quảng Trị - Di tích Quốc gia đặc biệt của đất nước hình chữ “S” thân thương; được nghe hướng dẫn viên Khu di tích giới thiệu về cuộc chiến giữ Thành cổ của bộ đội ta suốt 81 ngày đêm đầy khốc liệt, nhiều mất mát, hy sinh.

Ở nơi mảnh đất thiêng thấm đẫm máu đào của các Anh hùng liệt sĩ, không chỉ tôi, mà rất nhiều người từng đến Thành cổ Quảng Trị đều xúc động nghẹn ngào khi được nghe bài thơ “Lời người bên sông” của tác giả Lê Bá Dương.

“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” – chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, xúc tích, tác giả Lê Bá Dương không chỉ thể hiện được tình đồng chí đồng đội gắn bó sâu sắc, mà còn khắc họa được sự hy sinh, mất mát lớn lao của những người lính Cụ Hồ trong trận chiến bảo vệ Thành cổ hết sức khốc liệt.

“Đò lên Thạch Hãn ơi ... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” – chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng biết bao người lính đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị sẽ mãi mãi nằm lại nơi “đáy sông” Thạch Hãn. Câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng khi đọc lên thấy thật xúc động và xót thương. Như lời nhắc mọi người: “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” – câu thơ gián tiếp thể hiện được sự khốc liệt, đau thương của chiến tranh, đồng thời cũng thể hiện được sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của những người lính trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hơn 50 năm trước.

“Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” – câu thơ như lời tri ân của những người được sống trong hòa bình, độc lập hôm nay với những người lính đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Khi Tổ quốc cần, tiếp bước bao thế hệ cha anh đi trước, các anh sẵn sàng chiến đấu, hy sinh thân mình để bảo vệ, để giữ gìn từng tấc đất quê hương. Sự hy sinh thầm lặng mà cao đẹp của các anh được Tổ quốc, nhân dân mãi mãi ghi nhớ và đời đời biết ơn.

Xúc động những vần thơ về các Anh hùng liệt sĩ
Thắp nến tri ân các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Thanh Châu, TP Phủ Lý. Ảnh: Thanh Châu

Thế hệ chúng tôi (những người sinh sau năm 1975) sinh ra khi đất nước đã yên tiếng súng. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, lời thầy cô giảng về hình ảnh anh Giải phóng quân dũng cảm, kiên trung hiên ngang đối mặt với quân thù, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bao thế hệ học trò. “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng/ Chợt thấy Anh, giặc hoảng hốt xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn/ Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công/ Anh tên gì hỡi Anh yêu quý/ Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng/ Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong/ Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sỹ Giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước/ Ôi anh Giải phóng quân!/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.  

Từ đầu đến cuối bài thơ, tác giả Lê Anh Xuân khắc họa hết sức sinh động, đem đến cho người đọc lòng cảm phục và sự biết ơn sâu sắc đối với những “Anh Giải phóng quân” thầm lặng, sẵn sàng sả thân vì đất nước. Nơi chiến trường ác liệt, ngay cả khi đã “ngã xuống” nhưng các anh vẫn “gượng đứng lên”, rồi “đàng hoàng nổ súng tiến công”, khiến giặc “hốt hoảng xin hàng”. Lý tưởng cách mạng cao đẹp và tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc đã tiếp cho các anh sức mạnh thần kỳ ấy. Các anh đã anh dũng ngã xuống để non sông thu về một dải, Nam -  Bắc thống nhất một nhà. Các anh ngã xuống mà “không một tấm hình”, “không một dòng địa chỉ”  nhưng các anh đã tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Hình ảnh “dáng đứng Việt Nam” là biểu tượng của niềm tự hào, kiêu hãnh sẽ mãi trường tồn cùng thời gian, cùng dân tộc; tô thắm và làm rạng rỡ thêm trang sử vàng truyền thống trong công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước.

Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng những vần thơ hay viết về các Anh hùng liệt sỹ, trong đó có bài “Dáng đứng Việt Nam”, “Lời người bên sông” luôn có sức lay động triệu triệu con tim. Những vần thơ giúp bao thế hệ, nhất là thế hệ trẻ biết thêm, hiểu thêm về quá khứ chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc; về những tấm gương Anh hùng liệt sỹ đã dũng cảm ngã xuống để quê hương, đất nước có ngày hôm nay. Không chỉ đem lại những cảm xúc xúc động đến nghẹn ngào, những vần thơ còn gieo vào lòng người đọc niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc để các thế hệ tiếp nối được sống trong hòa bình, độc lập. Như lời Bác Hồ đã nói: “Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Vĩnh Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy