Thương yêu bếp lửa mùa đông

Trong những ngày trời đông buốt giá với tôi không gì thích bằng được ngồi bên bếp lửa hồng ấm áp, nghe tiếng nước reo trong ấm, nghe tiếng củi nổ lách tách, lách tách, nhìn ánh lửa hồng bập bùng, bập bùng, mặc ngoài kia gió bấc, mưa phùn không ngừng thổi, không ngừng rơi.

Như bao miền quê khác, ngày trước, người dân quê tôi thường dùng bếp củi để đun nấu. Nói là bếp củi, nhưng những khúc củi to, mọi nhà thường “để dành” khi “có công có việc”. Ngày thường, chủ yếu đun lá, đun rơm, đun những cành cây khô nhỏ. Gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nên hình ảnh bếp lửa quen thuộc, thương yêu luôn đậm sâu trong ký ức của mỗi người.

Người dân quê, nhất là các bà, các mẹ thường dậy sớm lắm. Bao năm thành quen, sáng dậy, việc đầu tiên của các bà, các mẹ là vào bếp nhen lửa đun nấu. Trời mới mờ mờ sáng, không gian còn yên ắng lắm, nơi chái bếp nhỏ, lửa hồng đã cháy bập bùng soi tỏ gương mặt hiền hậu, nhiều nếp nhăn của bà, nhiều lo toan, vất vả của mẹ.

Lửa hồng soi rõ những nồi niêu, xoong chảo, dao thớt được treo ngay ngắn trên bức tường đã ngả màu sau nhiều ngày ám khói. Những chiếc xoong, chiếc ấm muội bám đen thành lớp, lúc rỗi bọn trẻ chúng tôi hay mang ra chơi quẹt nhọ nồi. Nơi góc bếp, đống củi to được xếp gọn, chất cao nằm im lìm chờ nồi bánh chưng ngày Tết, chờ ngày nhà làm cỗ. Trên gác bếp là một vài chiếc mo cau khô dành để gói giò, là chiếc rá đựng hành tỏi khô cho khỏi mốc, khỏi mọc mầm… Khi mọi người trong nhà thức dậy, trong phích, nước nóng đã đầy để ông pha trà. Trên bếp có nồi khoai luộc còn nóng hổi cho mọi người ăn sáng đi làm, đi học.

Ảnh: Thanh Châu

Thành thói quen, bọn trẻ chúng tôi khi đi học về bao giờ cũng qua bếp đầu tiên. Ghé nhìn vào trong bếp, thấy bà hoặc thấy mẹ đang nấu cơm trưa, cơm chiều cho gia đình trong lòng cảm thấy thật yên tâm và ấm áp lạ. Trẻ ở quê biết đun bếp nấu nướng giúp bà, giúp mẹ sớm lắm. Bảy, tám tuổi đã biết đun nước, biết vùi cơm trong tro hồng rơm nỏ. Lần đầu tiên nấu bếp có nhiều bỡ ngỡ, vụng về, cơm không chín, lửa không cháy, khói đặc cả gian bếp làm mắt cay ướt nhoèn, mặt mũi chân tay nhọ nồi nhem nhuốc... Được bà, được mẹ hướng dẫn, một lần hai lần thành quen, con gái tuổi lên mười đã thạo việc bếp núc.

Khác hẳn mùa hè nắng nóng, nấu được bữa cơm mồ hôi vã ra như tắm, bức bối, mệt mỏi... những ngày mùa đông lạnh giá, mọi người thường vào chái bếp nhỏ thân yêu ngồi bên bếp lửa hồng ấm áp để tránh cái lạnh buốt giá. Đi học về, trẻ con sà ngay vào bếp hơ đôi tay lạnh cóng, tím ngắt trên ngọn lửa. Trong lúc chờ đến bữa, bà cời trong than hồng cho củ khoai nướng nóng hổi. Bóc lớp vỏ ngoài cháy đen, bên trong khoai chín bở thơm lừng, ăn vừa bùi vừa ngọt. Bố đi làm đồng về cũng ghé vào bếp hơ đôi tay đen sạm, đầy vết chai sần. Ánh lửa hồng soi rõ gương mặt hằn nét lam lũ, vất vả nhưng cương trực, vững chãi của bố... Cuối ngày, khi ánh mặt trời dần tắt, hoàng hôn buông xuống, khói lam chiều mềm mại, nhẹ nhàng bay lên từ những chái bếp đơn sơ khiến cả những người ngày ngày vẫn gắn bó với làng quê trong lòng cũng có cảm giác nao nao, thương mến. Thời gian trôi nhanh, nơi chái bếp nhỏ bình dị, thân thương đã có biết bao bữa cơm sum vầy rồi chia ly, chia ly rồi lại sum vầy trong nụ cười và trong cả những giọt nước mắt.     

Kinh tế phát triển, làng quê đổi mới, quê tôi giờ nhiều nhà không còn đun bếp củi. Thay vào đó là những chiếc bếp ga, bếp điện, với nồi xoong bằng nhôm, bằng inox sạch sẽ, sáng bóng. Diện mạo làng quê đổi thay, nhiều chái bếp đơn sơ, sập xệ ngày trước đã bị phá bỏ. Vẫn biết sự thay đổi, phát triển đi lên là quy luật tất yếu của cuộc sống, là điều đáng mừng. Nhưng mỗi khi đông về, trong cái lạnh buốt giá tôi lại thấy nhớ, lại muốn được ngồi bên bếp lửa thân yêu, mọi người trong gia đình quây quần sum họp, mặc mưa phùn, gió bấc ngoài trời mải miết thổi, mải miết rơi. 

Phạm Hiền

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy