kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tâm sự cộng tác viên

Tâm sự cộng tác viên

Đều đã ở độ tuổi "cổ lai hy" nhưng nhà thơ Lương Thế Vinh và Nghệ nhân dân gian Nguyễn Đình Lâu đều là những cộng tác viên tích cực, tiêu biểu của Báo Hà Nam từ khi tách tỉnh (năm 1997) đến nay.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), hai ông vui vẻ chia sẻ với phóng viên về chuyện nghề, về những mong muốn của những cộng tác viên "trót" yêu, say mê, trách nhiệm với "nghề viết báo".

Tâm sự cộng tác viên
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Đình Lâu.

Có chút "năng khiếu" với nghề viết, trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Đình Lâu đã tham gia viết tin cho Báo Bộ đội Trường Sơn khi là lính Đoàn 559, tại Quảng Trị. Năm 1983, bác Lâu về mất sức tại địa phương. Thời gian này, bác Lâu có viết tin, bài gửi cộng tác với Báo Nam Hà nhưng không được đăng. Bài viết gửi đi, mong mỏi từng ngày, cuối cùng biết bài không được dùng nhưng đam mê với nghề viết báo không hề giảm. Năm 1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, bác Lâu tích cực, nhiệt tình viết bài cộng tác với Báo Hà Nam. Bài viết được đăng, lại được sự quan tâm, động viên, khích lệ của các đồng chí lãnh đạo trong Ban Biên tập Báo Hà Nam, bác Lâu đã trở thành cộng tác viên đắc lực của Báo Hà Nam. Những bài viết cho chuyên mục chuyện làng chuyện phố (trước kia), người tốt việc tốt, cảm xúc quê hương... để lại ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc. Đặc biệt, từ việc cộng tác với Báo Hà Nam, bác Lâu đã có những bài viết giới thiệu về điệu hát Trống quân - nét văn hóa đặc trưng chỉ có ở vùng đất Liêm Thuận, Thanh Liêm tới bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Từ những bài viết, qua lời giới thiệu, hướng dẫn, được sự giúp đỡ của ngành chức năng, đến nay, điệu hát Trống quân ở Liêm Thuận đã được khôi phục lại... 

Trò chuyện với chúng tôi, bác Lâu cười nói: Sau mỗi bài viết gửi đi là những ngày dài hồi hộp, mong chờ. Với tôi, giây phút hạnh phúc nhất chính là giây phút khi nhìn thấy bài viết của mình được đăng trang trọng trên tờ báo. Để có những "đứa con tinh thần ấy" chúng tôi cũng phải vất vả đi lấy tin tức, phải thẩm định tính chính xác, chân thực; tối về cặm cụi viết viết, xoá xóa, sửa đi sửa lại nhiều lần... mới ra được "sản phẩm" cuối cùng để gửi đăng báo.  

Nói về mong muốn, bác Lâu bộc bạch: Nếu có điều kiện, Ban Biên tập Báo Hà Nam nên mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên. Dù tham gia viết báo đã lâu năm, nhưng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, những thay đổi trong làm báo hiện đại chúng tôi rất muốn được cập nhập để có những bài viết phù hợp với tiêu chí, yêu cầu tờ báo đặt ra trong giai đoạn mới. 

Tâm sự cộng tác viên
Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh.

Theo nhà thơ Nguyễn Thế Vinh, nghề báo đã chọn ông, bởi năm 1966, khi tốt nghiệp Trường Phát thanh về công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng, công việc chính của ông chuyên về mảng kỹ thuật. Do có khả năng làm thơ và viết báo, ông đã được chuyển sang bộ phận sáng tác. Từng công tác tại Báo Nam Hà, Hà Nam Ninh... vì vậy những bài viết của ông luôn được những người làm nghề đánh giá là "chắc tay". Cộng tác với Báo Hà Nam từ năm 1997, đến nay nhà thơ Nguyễn Thế Vinh đã có hàng trăm bài viết, bài thơ được đăng trên báo. Đặc biệt, nhà thơ có nhiều bài viết được đăng trên báo Tết. Những bài viết của nhà thơ Nguyễn Thế Vinh chuyên về nghiên cứu, sưu tầm, phát hiện, khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử trên mảnh đất Hà Nam. Đó là những bài viết về Trống đồng Ngọc Lũ, về sự kiện thành lập tỉnh Hà Nam (20/10/1890), về tín ngưỡng thờ Thần Nông, về Tam Chúc (Ba Sao), về đền Lăng (Liêm Cần, Thanh Liêm)...

Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ: Nghề báo là nghề vất vả. Bởi thường viết về mảng nghiên cứu, sưu tầm nên có bài viết tôi mất tới vài tháng, có bài tới cả năm. Khi đặt bút viết tôi luôn cẩn thận, đắn đo, chau chuốt từng câu, từng chữ; luôn cân nhắc kỹ lưỡng những thông tin, số liệu khi đưa ra... Để có những đề tài hay viết cho báo Xuân, tôi phải suy nghĩ, để ý ngay từ đầu năm... Vất vả vậy, nhưng vì yêu nghề, say nghề, nên còn sức khỏe để viết, rồi có bài được đăng trên báo đó là niềm hạnh phúc đối với đội ngũ cộng tác viên nói chung, trong đó có tôi. 

Về mong muốn, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ: Tuổi cao, giờ không thường xuyên tới được tòa soạn báo, tiếp cận phương tiện hiện đại chậm, tôi chỉ mong, nếu được, Ban Biên tập có thể gửi báo biếu tới những cộng tác viên tích cực, đặc biệt, như vậy chúng tôi có điều kiện cập nhập tin tức cũng như nắm bắt được những định hướng của tờ báo một cách kịp thời, hiệu quả. Từ đó có những bài viết đáp ứng được yêu cầu tờ báo đặt ra.
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), ngày 12/6 vừa qua Ban Biên tập Báo Hà Nam đã tổ chức hội nghị gặp mặt cộng tác viên, trong đó có nhà thơ Nguyễn Thế Vinh và Nghệ nhân dân gian Nguyễn Đình Lâu. Tại hội nghị, bên cạnh việc thông tin những kết quả nổi bật của Báo Hà Nam từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, lãnh đạo Báo Hà Nam đã ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của đội ngũ cộng tác viên. Đồng thời lắng nghe, tiếp nhận những tâm sự, chia sẻ, mong muốn của những người đã góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú và thành công của tờ báo để có những giải pháp hữu hiệu trong việc củng cố, thu hút, mở rộng, nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên trong thời gian tới. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy