Ông tôi và dòng sông

Ông tôi và dòng sông

Ông mệt. Cả nhà đều bận nên tôi được cử đến chăm ông. Ông giờ như chuối chín cây con ạ. Mẹ dặn dò, sợ tôi ham chơi theo chúng bạn không chuyên tâm chăm ông. Tôi nói mẹ đừng lo, sở thích của ông con đã nhớ từ lâu rồi. Và tôi hăm hở chuẩn bị đồ đạc để sang ở nhà ông một tuần. Nói vậy chứ cũng chỉ có cái laptop và mấy bộ quần áo thôi.

Tôi chạy cái Sirius trên phố bờ sông đầy gió. Nắng chiếu xiên qua nóc dãy nhà cao xuống tận mép bên kia sông. Ánh sáng lấp lánh trên màu đục ngàu phù sa. Phố thật bình yên với những lan can sắc hoa đua nở, hàng ô tô đậu dài lặng lẽ sầm uất. Người trên phố cũng thong dong thư thả. Tôi tấp xe vào mé đường, ngắm dòng nước mang những con xoáy xa dần xa dần. Dòng nước như bình yên hiền hòa nhưng ai biết đâu là nông sâu, đâu là bãi cồn hố cát, khi nào bên lở bên bồi... Giật mình nghĩ đến ông, tôi vội đi tiếp, tự cười mình đã lơ đễnh.

Minh họa: Đỗ Dũng

Căn nhà như trống trải khi bà về quê. Tôi trêu ông vì nhớ bà nên ốm. Ông cười móm mém, bảo tại thời tiết. Cháu cũng mong chỉ là tại thời tiết thôi. Những ngày này ở quê đang mùa bão. Tôi quây quả vào ra như một nàng nội trợ chuyên nghiệp. Bát canh cá nấu mùng đúng sở trường mà ông cũng chỉ ăn một chút. Sữa ông không uống, sợ đau bụng mà ông lại muốn cà phê đen. Tôi chiều ông nên pha cho ông một li cà phê nhỏ. Ông bảo, già rồi mất ngủ liên miên, nhiều khi uống chút cà phê lại ngủ được, thế mới lạ chứ. Vâng, người già thật lạ. Đừng tưởng chăm ông mà dễ. Gợi kể chuyện thì ông mệt, ngồi nói véo von thì ông đau đầu. Ra ngoài đi dạo thì ông muốn nằm vì chóng mặt. Vậy là sau bữa tối,  sau khi cho ông uống thuốc, tôi cứ luẩn quẩn hết phòng khách rồi lại vào nhà bếp.

Ông tôi năm nay đã ngoài tám mươi. Cả đời lam lũ nuôi năm người con trong khó khăn. Ông vẫn thường đăm chiêu ngồi hàng giờ bên cửa ngắm cây xoài cát và nhớ về cả rừng cây đồi A1 những năm chống Pháp. Ông đã nhiều lần kể câu chuyện về cây xoài rừng trên nông trường Mường Thanh. Thế nên ông mới trồng cây xoài cát ngay trước của nhà. Lúc khỏe ông thích đánh cờ và kể về những ngày ở Sư đoàn 316 khi ông đi dân vận, ở với đồng bào Thái. Tôi đặc biệt thích thú và muốn nghe câu chuyện ông lái ca nô chạy như bay trên mặt sóng phá thủy lôi cho tàu chở gạo vào Nam sau khi chiến dịch Điện Biên thắng lợi. Có những chuyện nghe như là cổ tích mà lũ thanh niên như chúng tôi không tài nào tưởng tượng được.

Sáng sớm, tôi dậy chạy thể dục đã thấy ông thức rồi. Ông ngồi trầm tư bên của sổ nhìn ra khu vườn yên tĩnh. Tôi chạy lại ông ơi ông à véo von hỏi han xem ông thích ăn gì buổi sáng. Ông lại nhắc, hồi xưa mới lên đây khai hoang lập làng buổi sáng làm gì có gì bỏ bụng. Ra đồng làm một tăng rồi về ăn mì sợi luộc. Bình thường chúng tôi sẽ chả muốn nghe những hồi ức đó vì cho rằng đó ôn nghèo kể khổ. Nhưng nhìn ông tôi biết rằng, giờ ông chỉ còn sống bằng kí ức. Làm sao tôi tưởng tượng ra cảnh nửa đêm, ông bà cùng cô bác hàng xóm đốt đuốc, đi bộ mười mấy cây số chỉ để mua gạo lức, thứ gạo có vỏ màu nâu giàu vitamin để về ăn cho chắc dạ. Làm sao chúng tôi tưởng tượng được cái thời bao cấp, mọi thứ làm ra đều phải bán cho hợp tác xã rồi chờ phân phối lại.

Khi bà sinh mẹ tôi, gia đình đã mổ trộm con lợn năm chục cân, giấu trong buồng vì sợ người ta biết thì bị trừ công điểm, cắt thi đua, phạt hay gì gì nữa... Lại những lần ông tiết kiệm tiền đò, bơi qua sông Hồng chặt nứa về lợp mái nhà, khi về những bó nứa tươi buộc thành mảng vượt sông. Ông bảo tiền đò một lần mua được cả nải chuối to cho mẹ cháu ăn đấy. Tôi không biết ngày ấy khó khăn ra sao nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh ông như kình ngư vượt sông Hồng cuộn chảy thì rất ngưỡng mộ...

Ba ngày rồi chưa thấy ông khỏe lên tôi đâm lo. Nịnh ông ăn chút cơm hay chút cháo thì khó hơn cả một đề toán khó hay cả trăm câu trắc nghiệm vật lý. Thế nhưng tôi cũng nghĩ ra một cách. Tôi vào mạng, tìm được rất nhiều hình ảnh của Lào Cai những năm mới tái lập tỉnh từ Hoàng Liên Sơn. Những thước phim tư liệu hiếm hoi và những bài hát về Lào Cai được tôi tải về rồi cặm cụi cắt ghép, lồng nhạc. Vậy mà có tác dụng ngay. Ông hào hứng ngồi dậy xem. Hết ba mươi phút tôi cho ông nghỉ, ông vẫn muốn nghe. Vậy nên tôi bảo nếu ông ăn hết bát cháo gà này cháu lại mở cho ông xem nữa, ông đồng ý ngay. Ta đi trên đường Hoàng Liên/ Nghe đất trời lồng lộng gió mênh mang/ Nghe vui trong lòng mọi người/ Ánh mắt ngời rạng rỡ hân hoan/ Lào Cai bước vào ngày mới/ Một ngày mới núi rừng xanh hơn… Tôi ngâm nga hát còn ông gõ tay vào ghế đánh nhịp theo...

Chiều nay, tôi bảo ông ngồi xe lăn để tôi đưa ông ra phố bờ sông dạo mát. Thu rồi nắng rất nhẹ thôi nhưng gió thổi mạnh. Đi phố mà ông trầm tư, suy ngẫm. Chắc là ông lại không vừa ý với các công trình kiến trúc mới. Tôi giải thích rằng ngày nay người trẻ họ hội nhập kinh tế văn hóa nên học về những tinh hoa để xây lên phố nhà mình đó ông. Ông cười, gớm, cô không phải dạy tôi. Nhìn kia nhé, tòa biệt thự kia là xây theo lối kiến trúc Pháp. Dãy mái ngói màu đỏ là kiểu mái Thái, còn kiểu khép kín không chìa ban công này là kiến trúc kiểu Anh... Ông nói nhiều lắm mà tôi không nhớ hết. Thường thì tôi chỉ chạy xe ngắm phố với nhiều ánh đèn, chứ sao biết những trường phái kiến trúc hay nghệ thuật xây dựng ở đâu...

Tôi đưa ông đi một quãng dài, ngắm và nói về kiến trúc, những loại cây bóng mát, hoa hai bên vỉa hè và dòng sông cuộn đỏ. Chợt ông im lặng nhìn thật lâu về phía thượng nguồn, mắt ông nheo nheo đăm đắm. Ông nói với tôi hay nói với chính mình. Phải yêu quý từng hạt phù sa đang ngày đêm cuộn chảy và bồi đắp,  như yêu quý những hạt hồng cầu trong máu mình nhé.  Tôi biết dù một hạt phù sa của sông Hồng chảy vào đất Việt, đắp vào đâu cũng là mang theo bình yên, như phố và ông tôi. Ngày mai tôi nhập học ở phía cuối dòng sông, sẽ mang theo hình bóng ông và phố hôm nay...

Theo vannghequandoi.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.