Những con đường tháng năm

Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Biên Hòa.

Những ngày cuối năm lớp 12 ấy, tôi thấy buồn và chống chếnh vô cùng. Buồn vì biết sắp phải chia xa mái trường thân yêu, chia xa bạn bè, và chống chếnh, lo lắng vì không biết con đường trước mắt của mình thế nào. Đa số bọn con gái trong lớp bảo: Thì về làm ruộng thôi, rồi “chống lầy”, học có đâu ra đâu mà thi đại học với chả cao đẳng. Cũng vậy, đa số bọn con trai nói chắc về làm nghề “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Chỉ một số rất ít có sức học trội hơn trong lớp nói sẽ nộp hồ sơ thi vào một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp. 

Ai bảo phượng nở là vui, tôi chẳng thấy thế, chỉ thấy thao thiết buồn. Nó buồn như tâm trạng chúng tôi sắp phải chia tay nhau, rời xa mái trường phổ thông và sắp phải thành người lớn. Những vầng hoa đỏ rực, như chan chứa, thắm thiết không rời. Nhưng có một điều chắc chắn, phượng luôn chứng kiến, lưu giữ ắp đầy những kỷ niệm của lớp lớp tuổi học trò. Chúng tôi cũng như bao lứa học trò khác, chia tay trường, chia tay thời hoa nắng luôn dưới tán phượng, luôn vào mùa phượng rực đỏ. Chúng tôi đã khóc, chúng tôi đã cười, đã buồn, lo lắng, chống chếnh,…

Thế rồi như bao lứa học sinh khác, chúng tôi bước vào đời, đi những lối đi của riêng mình. Cũng đúng như chúng tôi đã nói ngày cuối năm học, hầu hết các bạn nữ ở nhà làm ruộng - cái nghề mà cha, ông để lại từ bao đời. Con trai thì đi bộ đội, một số ở lại quân ngũ, một số quay về với ruộng đồng, với nghề xây, nghề mộc. Một số ít học sư phạm rồi trở về quê làm giáo viên, vừa dạy học, vừa cấy ruộng. Một vài bạn vào được đại học, ra trường làm ở các thành phố.

Họp lớp, là dịp để chúng tôi nhìn lại con đường của mình, của mỗi người đang đi. Cô bạn lấy chồng ngay sau khi tốt nghiệp và có con sớm nhất. Dáng vẻ vất vả hơn, da sạm hơn nhưng bạn đã nhà cửa đề huề từ lâu, các con đều vào đại học và ra trường có việc làm. Bạn đã lên chức bà được mấy năm nay. Đi họp lớp bạn đầy mãn nguyện, tự tin. Cậu bạn lớp trưởng làm nông, trồng cây ăn quả, nuôi cá, nuôi lợn, cấy ruộng, lớp vào thăm cơ ngơi nhà bạn ai cũng trầm trồ. Một cậu bạn khác cũng ở nhà làm nông, rồi chuyển sang làm đại lý vật liệu xây dựng. Bây giờ bạn có dăm bảy con xe tải nhỏ chuyên chở vật liệu đến tận các công trình. Họp lớp, bạn luôn là một “mạnh thường quân”. Một cậu bạn khác từ làm thợ xây đã dần đứng ra nhận thầu các công trình xây dựng. Con xe con cà tàng đưa bạn đi khắp nơi, quần áo luôn bụi bặm nhưng bạn cũng là một trong những người có kinh tế gia đình khá nhất lớp. Nhiều bạn khác làm ruộng kết hợp buôn bán nhỏ, chăn nuôi… Nhưng ai cũng đều con cái đã phương trưởng, đã xây được nhà cửa đàng hoàng. 

Những bạn lập nghiệp xa quê bề ngoài óng ả hơn, nhưng con nhỏ hơn, có nhà riêng muộn hơn, và kinh tế nhiều bạn không bằng các bạn ở quê. Suy nghĩ xưa kia: cứ đi ra ngoài làm sẽ khá hơn, thành đạt hơn có lẽ không còn đúng nữa rồi. Ai cũng đều có cơ hội như nhau. Chúng tôi đã từng lo lắng về con đường trước mắt của mình khi chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông, nhưng giờ nhìn lại mới thấy thực ra không phải lo lắng đến thế. Lối đi của mỗi chúng tôi đã được ông bà, bố mẹ, thầy cô kiên trì và bền bỉ đặt nền móng khởi đầu suốt 18 năm. Đó là những chăm bẵm, nuôi dạy, yêu thương để thành hình nên con người mỗi chúng tôi biết đâu là phải-trái, đúng-sai, biết yêu lao động, biết ước mơ và vươn tới, biết vượt qua khó khăn... Có nền móng khởi đầu rồi, tự bước đi ban đầu cũng không dễ dàng, nhưng sẽ cứng cáp dần. Và đoạn đường phía sau tiếp tục được hé lộ khi chúng tôi vững vàng ở đoạn đường trước đó. Cơ hội lại mở ra cơ hội...

Con đường tới trường ấy, chẳng ai trong chúng tôi quên. Con đường tới trường cấp I, II ngày ấy là đường đất nhẵn thín, mát mịn vào ngày khô, trơn trượt vào ngày mưa. Con đường chúng tôi đi suốt 3 năm học cấp III rải đá cấp phối lồi lõm, gồ ghề. Chúng tôi đã nói với nhau bao câu chuyện trên con đường ấy. Chúng tôi đã lớn lên từng ngày trên con đường ấy, nhờ cơm gạo của mẹ cha, sự dạy dỗ yêu thương của thầy cô, ông bà, bố mẹ, những sẻ chia, niềm vui từ bè bạn,…

Từ con đường ấy, chúng tôi đã mở ra biết bao con đường!...

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy