Tôi thích hoa hồng nên hay mua hoa hồng về cắm. Nhưng buồn một nỗi những bông hồng dù lúc mua rất đẹp nhưng về cắm, cánh chỉ he hé vài hôm rồi bông gục xuống, không bao giờ nở được.
Đầu tiên tôi nghĩ là do hoa bị để thùng lạnh khi vận chuyển. Nhiều người cũng nói thế. Thèm ngắm những bông hồng nở, thèm nhìn từng cánh hoa bung ra rồi rơi xuống, thèm ngửi mùi hương tỏa ra từ những bông hoa, một lần tôi kỳ công về tận làng hoa, ra tận ruộng người ta trồng hoa để mong mua được những bông hoa không bị để lạnh, có thể xòe nở tưng bừng.
Khi nghe tôi nói yêu cầu của mình chị chủ vườn cười và nói: Không có đâu cô, kể cả cắt trên cây xuống thì về cắm hoa cũng chỉ he hé bông thôi chứ không bao giờ nở xòe hết ra được. Nguyên do là từ khi cây ra nụ, người trồng đã phải dùng giấy để bao nụ hoa lại nhằm điều tiết một phần về cữ nở của hoa. Vì thế cánh hoa bị “đơ”, kể cả khi bỏ giấy bọc ra cũng không bao giờ nở xòe hết cỡ được. Nếu muốn có những bông hoa nở chỉ lấy những bông còi, bông cành quá ngắn biết không bán được nên chúng tôi không bao.
Ảnh minh họa.
Đợt đó, sau nhiều năm tôi đã có được một bình hoa với những bông hồng nở đúng như nó vốn thế, dù chỉ là những bông hồng “phế phẩm”. Những nụ hoa tươi nguyên hôm trước được cắm vào bình nước, hôm sau bắt đầu he hé một cánh, hai cánh, rồi hôm sau nữa nở nhiều hơn. Những cánh hoa hé đến đâu mùi hương ngan ngát tỏa ra đến đó, thật dễ chịu vô cùng. Rồi khi những bông hoa đã tàn, từng cánh rơi xuống cũng tạo nên một vẻ đẹp thật khó diễn tả, lay động lòng người. Nhưng cũng chỉ có lần đó thôi tôi có được một bình hồng nở, bởi mấy ai có điều kiện thường xuyên đi một quãng đường khá xa chỉ vì một bình hoa. Tôi lại mua những bông hồng “đơ” về cắm. Bạn bè tôi, mọi người cũng đều chấp nhận mua những bông hồng không bao giờ nở xòe về cắm.
Nhưng nhiều lúc nhìn những bông hồng “đơ” tôi không khỏi chạnh lòng nhớ về những bông hồng nở, những bông hồng không bị can thiệp bởi những gì phi tự nhiên, những bông hồng nở như vốn nó là như thế. Tôi nhớ những cánh hoa từ từ bung ra, khẽ khàng và đầy nghệ thuật. Và mùi hương theo đó mà tỏa ra xoa dịu những mệt mỏi, buồn phiền, làm thăng hoa những tâm hồn. Tôi nhớ những cánh hoa rụng xuống một cách bình yên và đầy mãn nguyện, những đài hoa chỉ còn lại chiếc nhụy kiêu hãnh, thanh thản với những chiếc râu đọng phấn. Sống đến cạn cùng một đời hoa, nên khi đã tàn những bông hồng vẫn làm nên một vẻ đẹp thức động lòng người. Vẻ đẹp của sự tàn phai, vẻ đẹp của tái sinh.
Tự nhiên và phi tự nhiên. Cuộc cách mạng công nghiệp hóa đã mang lại nhiều vật chất hơn nhưng cũng lấy đi nhiều thứ thuộc về cái gọi là thi vị, tinh túy nhất của đời sống. Đó là những con gà không bao giờ được nở ra bởi sự ấp ủ, bao bọc của mẹ chúng nữa. Chúng được ấp trong lò, được lớn lên trong những trang trại đầy đủ điều kiện, nhưng chúng luôn ngô nghê và xấu xí, chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là cung cấp thực phẩm. Làng quê mất đi một vẻ đẹp thi vị về cảnh đàn gà chạy trong sân, trong vườn líu ríu kiếm ăn, lích chích gọi nhau. Cuộc sống mất đi một biểu tượng giáo dục về tình mẹ con quấn quít, ríu rít không rời. Đó là những củ su hào, những chiếc bắp cải ăn cứ sường sượng nhạt nhạt mà chẳng còn vị đậm đà như xưa vì chúng là giống mới, năng suất, lại được phun, tưới làm cho sinh trưởng nhanh. Cũng đã lâu lắm người ta không còn được ăn những miếng thịt lợn, thịt gà thơm ngọt như thời ngày xưa. Thay vào đó là những miếng thịt hôi, nhẽo bởi cách nuôi công nghiệp và bởi giống mới cho năng suất cao…
Có thể không liên quan nhiều lắm, nhưng sao câu chuyện này cứ làm tôi nhớ đến cách mà những đứa trẻ lớn lên bây giờ, sự giao kết giữa chúng và những thành viên trong gia đình. Những đứa trẻ lớn lên trong thời buổi công nghệ bùng nổ, thay vì được nghe hát ru với những lời ầu ơ, những cử chỉ cưng nựng trong vòng tay của mẹ, chúng được nghe những bài hát từ loa đài, hay hơn giọng mẹ chúng rất nhiều, nhưng chỉ phát ra từ cái loa vô tri vô giác. Tôi nghĩ về những bà mẹ, ông bố bận rộn làm ở công ty, nhà máy tối ngày, kinh tế gia đình đầy đủ hơn nhưng thời gian bên con rất ít. Những đứa trẻ lớn lên bên công nghệ và máy móc, điện thoại và máy tính, loa đài. Những người chúng gặp, thời gian giao tiếp trong thế giới ảo có thể còn nhiều hơn thế giới thực bên ngoài. Chúng được ăn ngon mặc đẹp, có thể có đầy đủ vật chất, nhưng tâm hồn chúng luôn chông chênh, trống rỗng…
Những đứa trẻ được nuôi dạy bằng rất nhiều vật chất nhưng lại thiếu vắng những thứ tinh túy, cốt lõi nhất của đời sống, những thứ khiến chúng hạnh phúc.
Những bông hồng, những cánh hoa xòe nở, và mùi hương ngan ngát, tưởng rất nhỏ, tưởng không là gì nhưng thực ra lại là những thứ vô cùng quan trọng của đời sống…
Đỗ Hồng
Đỗ Hồng