Bất đồng quan điểm sống là một trong những trở ngại không nhỏ khiến nhiều gia đình khó có được hạnh phúc thực sự. Thậm chí, bất đồng quan điểm sống chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự chia rẽ giữa các thành viên, thậm chí dẫn tới vợ chồng ly hôn, con cái xa rời bố mẹ, ông bà, người thân. Vậy làm thế nào để các thành viên dễ đồng cảm, thấu hiểu, gắn kết với nhau hơn, tránh bất đồng, giúp mối quan hệ gia đình trở nên bền chặt, hạnh phúc?
Một trong những nguyên nhân cơ bản hiện nay dẫn tới bất đồng quan điểm sống chính là do bố mẹ, người lớn trong gia đình nhìn nhận vấn đề một chiều, lấy quan điểm cá nhân để đưa ra đánh giá với con cái mà không đặt mình vào vị trí, cảm xúc của các con. Bên cạnh đó, sự chênh lệch tuổi tác giữa các thế hệ cũng khiến những quan điểm trở nên không đồng nhất, dễ dẫn đến những hiểu lầm, cãi vã không đáng có. Nguyễn Ngọc H. (học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Toản, TP Phủ Lý) chia sẻ: “Càng lớn, mâu thuẫn giữa em với bố mẹ càng nhiều hơn. Bố mẹ thường áp đặt suy nghĩ của người lớn vào em, từ chuyện học hành, quan hệ bạn bè đến những chuyện khác trong gia đình. Bố mẹ cho rằng mình từng trải, nhiều kinh nghiệm nên nhìn nhận các vấn đề chính xác. Còn những mong muốn, suy nghĩ và sở thích, lựa chọn của em phần lớn bố mẹ không quan tâm. Em luôn phải kìm nén và rất ức chế, nhiều khi không muốn trò chuyện, gần gũi bố mẹ. Em hy vọng bố mẹ, ông bà có thể đặt mình vào vị trí của em để thấu hiểu hơn".
Một nguyên nhân khác là do độ tuổi, môi trường giáo dục, sở thích, quan điểm khác nhau cũng dễ dẫn tới sự bất đồng. Chị Trần Thu H. (Tổ 6, Phường Quang Trung, TP Phủ Lý) tâm sự: “Càng lớn con mình càng có những suy nghĩ khác với bố mẹ. Con không còn gần gũi với mẹ như trước, thay vào đó thường dành thời gian nhiều hơn cho điện thoại, game, tụ tập bạn bè, không tiết kiệm tiền bạc, thậm chí hay phản kháng lại bố mẹ từ những điều nhỏ nhất… Bố mẹ và con cái vì thế thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí cãi vã, to tiếng”.
Còn chị Nguyễn Thị M. (Tổ phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) chia sẻ: “Vợ chồng mình và con trai thường xuyên bất đồng quan điểm với con dâu trong sinh hoạt, nhất là trong nuôi dạy con cái mà nguyên nhân là do quan điểm sống và môi trường giáo dục của hai gia đình khác nhau. Ví như việc cho con bú sữa, con dâu mình không cho cháu bú trực tiếp mà vắt sữa ra bình rồi mới cho bú. Những lúc con dâu đi vắng, con trai và người chăm sóc phải hâm nóng sữa đã vắt để trong tủ lạnh cho cháu uống. Hoặc khi cho con ăn dặm, theo quan điểm của ông bà, bố mẹ là cho ăn bột, rồi ăn cháo xay vỡ, cho dầu ăn, gia vị đầy đủ. Nhưng bọn trẻ lại cho rằng không nên cho gia vị, muối vào thức ăn mà cho cháu ăn nhạt hoàn toàn… theo hướng dẫn từ các trang mạng. Do có sự bất đồng quan điểm trong những việc nhỏ dẫn tới bất đồng trong những việc lớn như việc tiết kiệm, mua sắm, hoạch định tương lai cho gia đình…”.
Sự bất đồng quan điểm không chỉ xảy ra giữa bố mẹ với con cái mà còn giữa các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là giữa vợ với chồng, nhất là vợ chồng trẻ. Qua trao với nhiều gia đình cho thấy: ngoài nguyên nhân áp đặt ý kiến, quan điểm chủ quan của bố mẹ, người lớn với con cái, chồng với vợ… còn có những nguyên nhân khác như: con cái ít quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của bố mẹ, người lớn; thiếu sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau; không trò chuyện, bày tỏ quan điểm trực tiếp cùng nhau. Ngoài ra, áp lực công việc, học tập, gánh nặng mưu sinh, dịch bệnh… cũng là những nguyên nhân dẫn tới bất đồng quan điểm sống trong không ít gia đình. Hậu quả là nhiều cặp vợ chồng ly hôn, nhiều đứa trẻ trở nên lầm lỳ hoặc quậy phá, không muốn hòa nhập cùng gia đình… Từ thực tế đó, để hạn chế thấp nhất những bất đồng quan điểm, vun đắp hạnh phúc gia đình, trước hết mỗi thành viên cần trau dồi kiến thức, bình tâm nắm bắt những vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là sự lắng nghe của bố mẹ, ông bà đối với con trẻ…
Anh Lê Quang T. (Tổ 5, Phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý), từng có thời gian dài bất đồng quan điểm với con, dẫn tới việc con thu mình, không nói chuyện với bố mẹ cho biết: “Qua thực tế cho thấy việc áp đặt một cách máy móc quan điểm của bố mẹ với con cái sẽ dẫn đến hai kết cục, một là con nghe theo và chúng sẽ không tìm được những thứ mình yêu thích, không phát huy được năng lực, sở trường cá nhân; hai là sẽ cãi lại, chống đối, tỏ ra lì lợm và khiến gia đình bị xáo trộn, không đầm ấm, hạnh phúc. Việc hàn gắn về sau mất nhiều thời gian, sự liên kết của gia đình cũng trở nên lỏng lẻo. Tôi đã có thời gian áp đặt quan điểm sống cho cháu lớn, thật may sau khi bình tĩnh nhìn nhận lại thì mọi việc trở nên đơn giản hơn, mình hiểu được con đang nghĩ gì, từ đó có phương án tốt hơn trong giải quyết vấn đề”.
Cùng trao đổi về vấn đề này, em Vũ Quốc V. (Tổ phố 2, Phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý) chia sẻ: “Em đã có thời gian bất đồng quan điểm và không quan tâm đến bố mẹ nghĩ gì. Thực tế những điều bố mẹ định hướng là vì muốn tốt cho mình nhưng bản thân em không hiểu thấu đáo mà luôn cho đó là áp đặt và tìm cách chống đối. Giờ em rút kinh nghiệm, bình tâm, nhẹ nhàng, nói rõ tâm tư, sở thích, nguyện vọng đang mong muốn, ấp ủ. Đồng thời, chú ý thuyết phục nhiều hơn là tranh cãi, vì nếu như mình có thắng cũng chẳng được gì, ngược lại sẽ khiến bố mẹ phiền lòng, bực tức và mất dần sự quan tâm”.
Với chị Vũ Thanh H. (Xóm 4, Liêm Chung, TP Phủ Lý) lại là một câu chuyện khác: Chị và chồng mình chút nữa là đường ai nấy đi do không có sự bình tâm, chia sẻ, ngồi lại với nhau. Khi đi làm về vợ chồng chị mỗi người ôm một cái điện thoại, lướt mạng, không chia sẻ việc gia đình, con cái… Theo chị, thiết bị công nghệ hiện đại đôi khi cũng chính là vật cản lớn khiến các thành viên ngày càng có khoảng cách trong việc kết nối, thấu hiểu lẫn nhau. Do vậy, khi chị chủ động trao đổi lại với chồng, chủ động nhận những điều mình thiếu sót và bày tỏ quan điểm, thường xuyên tổ chức các buổi đi chơi, thăm người thân để gia đình vui vẻ gắn bó hơn. Giờ vợ chồng chị đã có thể dễ dàng cùng nhau làm mọi việc, qua đó gắn kết các thành viên trong gia đình hơn.
Cuộc sống hiện đại có nhiều vấn đề dễ gây tác động tiêu cực, dẫn đến nảy sinh bất đồng. Vì vậy, để phòng tránh bất đồng quan điểm rất cần có sự chủ động lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông giữa các thành viên trong gia đình. Cùng với đó, là sự đồng hành cùng nhau, thay đổi quan điểm cho phù hợp với điều kiện cụ thể, có như vậy mới tránh xảy ra những bất đồng, rạn nứt đáng tiếc.
Nguyễn Hằng