Các cụ ta thường nói “con cái là của để dành”, với mỗi người làm cha, làm mẹ đều mong muốn chúng trở thành người mạnh khỏe, có nhân cách, đạo đức và trí tuệ, lớn lên giúp ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó những đứa trẻ khi lớn lên lại “chệch hướng” phát triển, nghiện game, sa vào các tệ nạn xã hội… Vậy phải làm gì khi con “chệch hướng”?
Gia đình anh Vũ Văn H. (Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý) luôn tạo điều kiện về mọi mặt để con học tập và vui chơi. Do đặc thù công việc, anh thường đi công tác xa nhà, vợ anh làm nghề buôn bán, con anh được thầy cô đánh giá là rất thông minh. Tuy nhiên, đến năm học lớp 12, cháu ham mê chơi game nên bỏ bê học hành. Vợ anh thường xuyên phải đi tìm con ở các quán trò chơi trực tuyến. Khi nghiện game, con anh từ một đứa trẻ ngoan, nhanh nhẹn, lễ phép trở nên lầm lì, khó bảo. Khuyên nhủ không được, anh chị nhiều lần uất ức đánh mắng nhưng con vẫn “chứng nào tật đấy”. Hết lớp 12, cháu cũng đỗ được vào một trường đại học. Song từ khi lên Hà Nội học, cha mẹ không ở bên cạnh, con anh càng nghiện game nặng hơn. Cháu thường bỏ học chơi game thâu đêm. Đồ ăn, thức uống cha mẹ gửi lên cháu không sử dụng, cả ngày chỉ ăn mỳ tôm và uống nước lọc để “cày” game.
Chị Lê Thị H. (vợ anh H.) cho biết: “Chúng tôi có gọi điện cho con hoặc lên thăm thì lên chứ chẳng bao giờ tự nhiên nó gọi hoặc về qua nhà khi được nghỉ học. Thậm chí, người thân như ông bà, bố mẹ ốm nó cũng mặc kệ. Từ ngày nghiện game nó trở nên vô cảm, không quan tâm và nghĩ đến người nào trong gia đình. Nhà tôi giờ coi như buông xuôi, không còn cách nào để dạy dỗ con được nữa”.
Nói về vấn đề này, anh Trần Văn H. (xã Ngọc Lũ, Bình Lục) cho biết: Anh có đứa cháu học tập rất tốt, tuy nhiên cha mẹ chiều cho con sử dụng điện thoại nên cháu không những chơi game mà còn vào xem các trang web có nội dung độc hại nên dẫn tới học tập sa sút, khó bảo, yêu đương sớm.
Tưởng rằng đối với những trẻ trai khó dạy bảo, nhưng với trẻ gái khi “chệch hướng” cha mẹ còn khó khăn và khổ sở gấp nhiều lần. Em L. T. H. (Liêm Chính, TP Phủ Lý) từ một em bé ngoan, xinh đẹp, 16 tuổi đã trở thành đứa trẻ sa ngã, bỏ nhà đi theo bạn trai nhiều lần. Mới đầu cha mẹ H. còn đi tìm con về, nhưng nhiều lần con bỏ đi, khuyên bảo, đánh đập không được bố mẹ đành buông xuôi. Sau một thời gian bỏ đi, H. về mang theo một đứa trẻ và cho biết bạn trai đã bị bắt trong một vụ án. Khi nhận ra sự khổ ải, mất mát thì H. đã trở nên tàn tạ, không có việc làm ổn định, phải sống bấu víu vào cha mẹ.
Qua trò chuyện với các gia đình có con em “chệch hướng” cho thấy: Việc trẻ trở nên bướng bỉnh không nghe lời cha mẹ, vô cảm, sa ngã… nguyên nhân chủ yếu đều do bố mẹ thiếu sự sát sao, quan tâm tới con. Việc trẻ được nuông chiều và tin tưởng quá mức, sự “nổi loạn tuổi dậy thì”, môi trường sống của gia đình, làng, phố cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tư tưởng, hành động và tâm lý của trẻ. Trao đổi với các thầy cô giáo dạy trung học cơ sở và trung học phổ thông, được biết: Ở độ tuổi này trẻ có những thay đổi lớn về tâm, sinh lý nên rất dễ trở nên lầm lỳ hoặc nổi loạn. Hơn nữa, môi trường sống, môi trường văn hóa và mạng internet đã và đang tác động lớn tới lứa tuổi này. Vậy nên ở độ tuổi trẻ vị thành niên cần có sự quan tâm đặc biệt, phải có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường để định hướng, hạn chế sự “chệch hướng”, sa ngã của trẻ.
Rất nhiều gia đình con có biểu hiện bướng bỉnh, thậm chí là đi sai đường, sa ngã, song bằng sự quan tâm, kiên trì và tình yêu thương của cha mẹ, người thân, thầy cô giáo đã cảm hóa, dẫn dắt để chúng trở thành những người con ngoan, công dân hữu ích, tự “miễn dịch” trước những cám dỗ của môi trường xung quanh.
Chị Lê Thị V. (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) chia sẻ: Con chị cách đây 6 năm, khi còn là học sinh THPT cháu rất bướng bỉnh. Cháu tìm mọi cách để chơi điện tử, kể cả ăn trộm tiền, đồ vật của gia đình, người thân. Nhiều lần cháu nói đi học nhưng lại ra quán internet chơi điện tử. Thậm chí cha mẹ đưa đón đến chỗ học, cháu vẫn trốn để đi chơi. Không những vậy, cháu còn yêu sớm, trong lớp không chú ý học mà trò chuyện, bỏ học để đi chơi cùng bạn. Song, bằng sự kiên trì, đồng hành cùng con, thậm chí chị phải nghỉ làm chỉ để chăm sóc, đưa đón con đi học và phối hợp, trao đổi thường xuyên với thầy cô đã giúp cháu nhận ra những việc làm sai trái, chú tâm học hành. Hiện cháu đang học tập, làm việc ở nước ngoài và rất có ý thức chăm lo cho cha mẹ, ông bà.
Năm nay Nguyễn Thanh T. (Phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) học hết lớp 9, chuẩn bị thi vào THPT. Tuy nhiên, theo bố mẹ T. cho biết, từ một đứa trẻ ngoan, chăm học, hơn 1 năm qua T. trở nên bướng bỉnh, thường xuyên cãi lời cha mẹ. Thậm chí T. còn lấy trộm tiền của bố mẹ mua chiếc điện thoại để chơi game. Khi bị cha mẹ phát hiện T. bỏ ăn, đóng cửa không nói chuyện với ai. Nhiều lần con giở chứng, chị Vũ Thu T., mẹ T. uất ức nghĩ quẩn. Nhưng chồng chị, anh Nguyễn Thanh H. bình tĩnh và phối hợp với cô giáo chủ nhiệm, thầy cô trong trường và bạn bè, hàng xóm để tìm hiểu, dạy bảo con.
Anh H. cho biết: “Trước tiên mình tìm hiểu về tâm lý của con, những áp lực hay mong muốn của con mình. Cùng với đó, đến trao đổi với các phụ huynh có con trong hội bạn thường xuyên “liên quân” đánh điện tử để giáo dục các cháu. Mặt khác, bố mẹ cũng không sử dụng điện thoại giải trí, chơi game trước mặt con mà phải dành thời gian cùng học và hướng con tới các hoạt động hữu ích, như: chơi cờ, đánh cầu lông…, thỉnh thoảng vẫn cho con sử dụng điện thoại nhưng có kiểm soát”. Bằng những cách đó, con anh giờ đã trở nên ngoan hơn. Cháu chú tâm học tập, không cãi lời cha mẹ như trước và có ý thức làm việc nhà, giúp em học tập.
Như vậy, để con em mình không đi “chệch hướng” việc quan tâm, chia sẻ, nắm bắt tâm lý con của cha mẹ, người thân là việc làm đầu tiên. Khi trẻ có những biểu hiện “sai đường” cần bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách khắc phục, tránh chì chiết, trách móc, dọa dẫm để trẻ thêm xa lánh cha mẹ. Đặc biệt, không nên thỏa hiệp, nuông chiều, hứa hẹn với trẻ. Cùng với đó, xây dựng một gia đình vui vẻ, đoàn kết, quan tâm tới những người bạn chơi cùng con. Một điều không thể thiếu, đó là sự phối hợp, trao đổi thường xuyên với nhà trường, thầy cô để nắm bắt tình hình học tập, tâm lý của con trẻ. Cha mẹ cũng cần chú ý học tập kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con để có cách giáo dục, định hướng cho con có suy nghĩ, hành động tốt, tạo nền tảng cho những thành công cuộc sống của con sau này.
Nguyễn Hằng