Ký ức về một thời tàu “chợ”

Những năm sinh viên, hành trình lên thủ đô học với tôi chủ yếu di chuyển bằng tàu hỏa. Đó là những chuyến tàu “chợ”, tuy ồn ào, nhộn nhạo nhưng lại mang đến cho tôi cảm giác dễ chịu bởi nó như một mảnh ghép của cuộc sống thường nhật.

Những chuyến tàu “chợ” luôn về ga không bao giờ đúng giờ, luôn dừng ở tất cả các ga để đón khách và trả khách, cũng là tàu luôn phải dành đường cho những chuyến tàu nhanh, tàu tốc hành. Với lũ sinh viên chúng tôi ít tiền nhưng nhiều thời gian, tàu “chợ” vẫn là lựa chọn đầu tiên. Tôi không thích những chuyến ô tô “nhồi” như nêm cối, hành lý mang theo cũng phải hạn chế. Đi tàu ngồi theo số ghế, có toa hành lý nhận chở đồ, nhất là khoảng thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết chúng tôi có thể mang theo về nhiều hành lý và cả xe đạp.

Ký ức về một thời tàu “chợ”
Ảnh minh họa

Người đi tàu đủ mọi thành phần, tàu ghế cứng từng đôi, từng đôi đặt đối diện nhau nên dễ bắt chuyện, làm quen. Cái tiếng tàu ì ạch, nghiến rin rít trên đường ray thoắt cái không còn ai để ý khi câu chuyện vào mạch. Chuyện anh nông dân ngày nông nhàn theo anh em lên Thủ đô nhập “chợ người”. Chuyện của những người đàn bà buôn chuyến, chuyện của người dân vùng chiêm trũng, mùa nước về đồng rủ nhau đến những vùng đồng cao trồng màu thuê… Những câu chuyện, những mảnh ghép cuộc sống hiện ra với đủ sắc màu nhưng trong đó vẫn thấy được sự bình tĩnh sống, bình tĩnh đón nhận những biến cố cuộc đời như những chuyến tàu chợ chẳng biết khi nào mới tiếp tục hành trình khi những chuyến tàu nhanh chưa vút qua. Màn đêm tròng trành tràn vào khoang tàu, những tiếng rao nước chè nóng, bánh rán, bánh giò đều đều không còn, mọi người gà gật ngủ. Gió đêm hè tràn vào mát lộng, trăng lên sáng quá, những sân ga sáng lên dưới ánh trăng càng thêm vắng lặng và cô đơn.

Sân ga, dù có trong thành phố đông đúc hay chỉ là phố huyện nhỏ bé thì sân ga bao giờ cũng như một thế giới riêng luôn mang dáng dấp hiu buồn. Có lẽ vì vậy, rất nhiều nhà thơ đã lấy sân ga là “biểu tượng” cho sự chia ly. Nhà thơ của làng quê Nguyễn Bính, trong những lần phiêu lãng của cuộc đời mình đã viết nên thi phẩm “Những bóng người trên sân ga” – những người tiễn biệt nhau mang theo nhiều tâm trạng: sự sụt sùi của hai cô gái tiễn biệt nhau, một người yêu tiễn một người yêu trên sân ga vắng, đôi bạn cũ dùng dằng tiễn nhau, người vợ tiễn chồng, mẹ già tiễn con đi trấn ải xa và ngay cả “một người bóng lẻ” trong cái hiu hắt ấy cũng đủ thấy mình “làm cả cuộc phân ly”. Chả có phương tiện vận tải nào vào thơ nhiều như sân ga và những con tàu. Thơ thường buồn nhưng chuyện của Thạch Lam lại thắp lên hy vọng, không biết ở nơi nào đó có còn những đứa trẻ như hai chị em Liên và An chờ những chuyến tàu vụt qua để mơ những giấc mơ vượt thoát; hay hân hoan, tin yêu như ca khúc “Tàu anh qua núi” của Phan Lạc Hoa.

Sau này, mặc dù có nhiều chuyến đi tàu nhanh, tàu tốc hành với ghế mềm, giường nằm, tiện nghi hiện đại, nhưng sao tôi vẫn thấy nhớ những tuyến tàu “chợ” của thời sinh viên. Cái tiếng tàu, mùi tàu, những toa tàu cũ kỹ, ký ức về những người đã gặp, đã trò chuyện, những đìu hiu, hoang hoải của những sân ga dọc dài theo những cung đường hun hút…

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy