Ga Phủ Lý và cùng với đó là đường tàu Bắc-Nam chạy qua Phủ Lý đã tạo cho thành phố những nét riêng, trong đó có “Phố ga”, “Phố đường tàu”.
"Phố ga" có một thời từng tồn tại trong tên hành chính, là khu phố xung quanh khu vực Ga Phủ Lý, nhưng "Phố đường tàu" là cách gọi nôm na của người dân, chỉ những dãy phố ở cạnh đường tàu chạy qua Phủ Lý. “Phố đường tàu” chạy bên cạnh, song song với đường tàu Bắc-Nam, dọc suốt chiều dài nội thành Phủ Lý, từ đầu Đường Lê Lợi đến đầu đường 21.
“Phố đường tàu” có thể chia làm 2 đoạn, dựa vào đặc điểm của mỗi dãy phố. Đoạn từ đầu Đường Lê Lợi đến đầu Đường Biên Hòa, do đầu Đường Lê Lợi giáp với chợ Bầu, nên con phố này mang tính năng phố chợ. Có thể nói đây là dãy phố chợ sầm uất nhất của Phủ Lý, với những cửa hàng có lượng hàng đồ sộ, mỗi cửa hàng chỉ kinh doanh chuyên sâu một mặt hàng. Ngõ phố này là thế giới của đồ điện, điện máy, phụ tùng xe máy, máy may công nghiệp - thiết bị ngành may, xe đạp, xe đạp điện, khóa và phụ kiện cửa, bu - lon, ốc vít, dây cáp lụa, dây điện, dây curoa, lưới, bạt, ống nhựa, máy bơm, vàng bạc,…
Bước vào dãy phố này cảm giác như bước vào khu chợ cổ, hay phố cổ, lúc nào cũng rì rầm bình yên bởi lượng khách chỉ đều đều thưa thoáng. Tuy nhiên, hầu hết khách đã đến là mua hàng không phải mặc cả, không phải lăn tăn về chất lượng, từ nhỏ như con ốc vít giá dăm nghìn đồng, đến cả chiếc xe đạp Nhật, máy bơm ngoại,… nhiều triệu đồng. Chỉ ở vị trí mặt ngõ nhỏ, lượng người qua lại ít, nhưng dãy phố buôn bán này đã trở thành điểm đến tin tưởng của người dân trong tỉnh bởi chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ, giá cả phải chăng, và bởi lượng hàng hóa phong phú, đa dạng. Chủ các cửa hàng hầu hết đã ở đây từ lâu đời. Họ cho biết việc nhà nằm ngay sát cạnh đường sắt không ảnh hưởng lắm đến đời sống. Trước đây chưa có rào chắn thường phải để ý đến trẻ con, sợ chúng chạy ra đường sắt nguy hiểm, nhưng từ ngày có rào chắn cảm thấy rất an toàn. Mấu chốt kinh doanh hiệu quả ở đây là xây dựng được chữ “tín”, khách hàng sẽ tự tìm đến.
Đoạn từ đầu Đường Biên Hòa chạy đến đầu đường 21 mang dáng dấp “Phố ga” hơn, đặc biệt là đoạn gần Ga Phủ Lý. Trước đây, đây là dãy phố của những người dân lao động lam lũ với những ngôi nhà chật chội chen chúc, đời sống còn khó khăn. Buôn bán, kinh doanh ở dãy phố này trước đây không phát triển, người dân làm nhiều nghề khác nhau. Một số người bán nước, hoa quả, bánh trái ở khu vực Ga Phủ Lý, thậm chí bán hàng rong trên những chuyến tàu. Sau này việc bán hàng trong ga được lập lại quy củ, rồi hàng rào sắt được dựng lên ngăn đường tàu với khu dân cư nên những người bán hàng rong này đã chuyển sang nghề khác. Bây giờ đời sống của bà con ở dãy phố này đã khá hơn rất nhiều, nhiều ngôi nhà khang trang cao tầng mọc lên. Việc kinh doanh, buôn bán bám mặt đường không thể bằng dãy phố đường tàu khu vực gần chợ Bầu, nhưng cũng có nhiều hàng quán mở ra mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Lớp trẻ lớn lên đi làm trong các công ty, nhà máy, công sở,…
Bây giờ người ta cũng ít gọi “Phố ga”, “Phố đường tàu”, mà gọi bằng tên hành chính. Chỉ trong câu chuyện với những người già, những người lớn lên cùng Phủ Lý là vẫn gọi tên này. Họ vẫn mang trong mình ký ức khá đậm nét về một thời lam lũ trước đây, về những giấc ngủ trằn trọc cùng tiếng tàu đêm là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ngày ấy, việc xem giờ đâu có dễ dàng như bây giờ, và người dân ở “Phố đường tàu” nghe tiếng còi tàu, tiếng tàu chạy để biết giờ giấc. Rồi họ nhớ về những ngày vượt tắt ngang qua đường tàu để vào ga bán hàng, tay bê rổ, tay bám tàu thoăn thoắt… Những đứa trẻ lớn lên cùng tiếng còi tàu, tiếng bánh sắt siết xuống đường ray,… Những người dân ở các dãy phố đường tàu đều cho biết họ gần như không thấy bị làm phiền bởi tiếng tàu chạy. Tiếng còi tàu, tiếng tàu chạy đã trở thành một phần cuộc sống của họ. Nhiều người thậm chí cho biết tiếng tàu chạy, còi tàu tạo cho họ cảm giác quen thuộc, đi đâu xa khi ngủ không nghe thấy âm thanh này họ thấy chống chếnh, khó ngủ.
Theo cuốn “Phủ Lý xưa” của Bắc Môn, Ga Phủ Lý được xây dựng từ những năm ba mươi của thế kỷ trước. Gần một thế kỷ, tiếng còi tàu, tiếng tàu chạy đã là âm thanh quen thuộc, trở thành một phần cuộc sống của những cư dân nơi đây. Con đường sắt chạy dài, cũng như hình ảnh, âm thanh khi các đoàn tàu vào ra ga, những dãy phố chạy dọc bên đường tàu đã tạo nên đặc trưng riêng cho Phủ Lý, như một phần lắng sâu, sự hiển hiện của lịch sử kết nối với hiện tại ở vùng đất ngã ba sông.
Đỗ Hồng