Đạo nghĩa thầy - trò

Thầy - trò là hai đối tượng trung tâm của giáo dục mọi thời đại. Không phải ngẫu nhiên, hàng trăm năm qua, ở các lớp học, trường học, hai vế chữ "Tiên học lễ, hậu học văn" được treo trang trọng trên đầu người thầy, trước mắt học trò.

Nhà văn hóa Phan Kế Bính viết: "Học trò học nghề hay học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa thầy trò. Học trò phải kính trọng thầy, mà nhất là thầy dạy học chữ phải kính trọng hơn nữa". Vì thế, trong dân gian ta mới có câu, "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Chữ THẦY trong đạo thầy - trò vừa được tôn kính, vừa rất gần gũi, giống như người lái đò và người qua đò vậy. Đạo lý ấy sống trong tâm thức con người, làm cho con người đứng vững trong mọi biến cố thời gian, lịch sử, để đến giờ nghĩa tình thầy trò trở thành mối quan hệ thiêng liêng không dễ mất đi. 

Trong Tứ trọng ân của người Việt, Ân sư trưởng là một trong những ân đạo đáng phải ghi nhớ với con người. Nhà giáo Ngô Thừa Trưng, nguyên là giảng viên Khoa Triết học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Hà nói: "Dù xã hội có thay đổi đến đâu, cái gì trở thành truyền thống, nó vẫn sẽ ăn sâu bám rễ vào tâm thức con người. Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt đã làm nên nhân cách sống có trước có sau, có tình có nghĩa…

Xã hội chúng ta đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng, những vấn đề giao lưu văn hóa, giáo dục diễn ra đúng với quy luật tự nhiên. Tác động của kinh tế thị trường đến giáo dục, nhìn ở góc độ đạo đức xã hội có thể thấy có một số vấn đề nổi cộm như: bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em ngay trong trường học; việc học thêm, dạy thêm  không đúng tính chất khuyến học khuyến tài làm cho phụ huynh bức xúc… Nhưng xét một cách toàn diện, giá trị đạo đức truyền thống trong  mối quan hệ thầy trò vẫn sẽ là nền tảng cơ bản để giáo dục vận động, phát triển. Để giữ gìn phát huy mối quan hệ ấy, giá trị văn hóa ấy, vai trò của người thầy rất lớn".

Đạo nghĩa thầy  trò
Ảnh minh họa.

Hơn một thế kỷ viết về văn hóa và phong tục Việt Nam của Phan Kế Bính đến giờ, phần luận bàn về đạo lý thầy – trò vẫn mang giá trị nguyên bản: "Người ta ở đời nhờ có cha mẹ sinh ra mình, lại phải nhờ có thầy dạy cho mình thì mình mới khôn biết việc này, việc nọ, mới nên con người, cho nên học trò ở với thầy cũng như con ở với cha mẹ, ấy cũng là một mối luân thường của Á Đông ta." Một ngày đầu tháng 11 mới đây, một trường học ở thành phố Phủ Lý tổ chức một buổi học ngoại khóa cho học sinh toàn trường về giá trị sống- kỹ năng sống với chủ đề "Công cha – nghĩa mẹ - Ơn thầy". Trong thời gian 2 giờ ngồi ngoài sân, một nhà giáo dục tâm lý đã nói chuyện với các em học sinh về đạo lý thầy trò, về ơn cha, nghĩa mẹ, làm cho hàng trăm học sinh vừa nghe vừa suy nghĩ, xúc động… Sau khi hết giờ, các em ra về với những tâm trạng khác nhau, nhiều  phụ huynh  đứng ngoài cổng trường chờ đón con biết được sự việc đó mới ngỡ rằng, trong tâm thức các em nhỏ luôn có một tình cảm thiêng liêng dành cho thầy cô, cho mái trường, cho cha mẹ mình.  

Cuộc sống quá bận rộn, không ít  người làm cha làm mẹ chẳng mấy quan tâm đến đời sống nội tâm của con em mình và đã có lúc thất vọng nghĩ rằng, trẻ em  bây giờ sống có vẻ vô tâm, lười biếng. Vì xã hội phát triển nhanh đến mức nếu việc làm của ngày hôm nay hay ngày mai không được lưu, nhắc nhớ vào máy điện thoại cầm tay thì không ai nhớ hết nên cũng không ít bố mẹ đã không có thời gian dạy dỗ con mình, phó mặc chuyện dạy cả chữ, cả đạo cho thầy cô. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường ấy luôn biết một điều, thầy cô đang làm thay cha mẹ những việc lẽ ra họ không phải làm. 

Chúng tôi vừa đi họp lớp sau 25 năm tốt nghiệp THPT. Hơn 30 thầy, cô giáo cũ dạy chúng tôi đã nghỉ hưu sau 25 năm gặp lại vẫn nhận ra trò, những đứa học sinh lầm lỳ, ít nói, nhưng nghịch ngầm và chăm chỉ. Chúng tôi nhắc lại chuyện thầy dạy Toán nghiêm khắc đến mức tạo cho thế hệ chúng tôi một thói quen không bao giờ quay cóp bài thi, kiểm tra. Thầy dạy Văn vui tính đến nỗi trong giờ văn không biết bao lần cả lớp cười vang quên cả buồn ngủ. Cô giáo dạy tiếng Anh thương trò đến mức không lấy học phí của các bạn ở nông thôn nếu đến học thêm… Chúng tôi đã tự hào khi nhắc đến thầy dạy Hóa học  Mai Văn Khải (sau này là Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Nam), một con người đã sống, cống hiến hết mình khi còn đứng trên bục giảng... Không phải khóa học trò chúng tôi có tình cảm như thế với các thầy, các thế hệ học trò khác học những người thầy này đều như vậy. Tình cảm ấy, đạo nghĩa ấy là sản phẩm của chính các thầy qua năm tháng cống hiến vì nghề nghiệp, vì chữ THẦY. Chúng tôi nhờ có thầy mà trưởng thành, các thầy nhờ chúng tôi trưởng thành mà vẻ vang, hạnh phúc với nghề nghiệp, cuộc đời. 

Thầy giáo Đỗ Bảo Khê, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, thành phố Phủ Lý cho rằng: "Đạo nghĩa thầy trò được tạo nên, sống và đẹp đẽ trong đời sống phải nhờ cái tình chân thật, tôn trọng nhau của cả thầy cả trò. Không khí giáo dục tích cực là môi trường để cho đạo nghĩa ấy lan tỏa, tiếp tục thắp sáng  truyền thống tôn sư trọng đạo, khẳng định đây là văn hóa ứng xử đẹp đẽ của người Việt chúng ta".

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy