Con đường làng vốn bằng phẳng cho đến khi nhà chị N. ven đường làm quán. Hai bên đường vốn là khoảng lưu không, nhưng từ khi làm quán chị N. đem đổ bê tông đoạn lưu không trước cửa nhà mình làm chỗ bày hàng lấn ra và để xe. Để "khẳng định" chủ quyền chị đổ cao hơn hẳn, mặt đường vì thế mà thấp xuống, cứ trời mưa là thành cái ao nhỏ.
Năm nay mưa nhiều, đã có biết bao nhiêu nỗi khốn khổ xảy ra quanh đoạn đường đọng nước này. Mấy bà đi chợ gánh hàng qua, "xoẹt", nước bẩn té lên cả người cả hàng. Người thì lam lũ quen, chấp nhận trưa về thay quần áo cũng được để còn kịp buổi chợ, nhưng hàng thì không được.
Vậy là lại tìm chỗ đặt gánh xuống hì hụi lau nước bẩn trên từng túi lạc, túi trứng. Có cô giáo đi qua, đã có ý đi sát vào mé đường, nhưng "xoẹt", bẩn từ đầu đến chân, khóc dở mếu dở quay về nhà thay đồ chấp nhận muộn giờ vì không thể lên lớp với áo quần như thế.
Nhiều người trong xóm, trong làng bực lắm với nhà chị N. với đoạn đường nước đọng này, nhưng chỉ xì xào sau lưng, không ai dám đụng vào vì chị rất ghê gớm.
Tranh minh họa.
Ngày khai giảng vừa qua, một tốp học sinh tiểu học áo trắng, tay cầm hoa, mặt rạng ngời đi đến trường. Bỗng "xoẹt", chiếc xe con vút qua, nước bẩn bắn tóe lên, những chiếc áo trắng loang lổ nước bùn, những khuôn mặt tươi vui hớn hở lúc trước giờ mếu máo...
Lúc đó ông M. đang đi tập thể dục sáng về. Nhìn thấy lũ trẻ như thế sự tức giận trong ông đẩy lên đến đỉnh điểm. Về nhà ông làm đơn, đi nhiều nhà trong thôn lấy chữ ký, rồi ông vào nhà trưởng thôn, lên xã.
Là cán bộ về hưu, ông nói một cách bình tĩnh, rõ ràng, nhưng kiên quyết, chính quyền không xử lý không được. Vậy là lực lượng chức năng đến, đoạn lề đường bê tông bị đập bỏ, tạo rãnh cho nước trong lòng đường thoát ra. Bà con trong thôn, trong làng mừng lắm.
Nhưng với chị N., khỏi phải nói chị tức giận đến thế nào. Sau khi biết được ông M. làm đơn, ông M. lên xã, chị đến thẳng cổng nhà ông mà chửi bới với những lời lẽ rất khó nghe.
Bà M. và con cái nghe khó chịu lắm, muốn ra "tay đôi", nhưng ông M. dứt khoát không cho. Ông nói với vợ con: "Nhà mình vợ, chồng, con đều là cán bộ, đảng viên. Những việc này mình không đứng ra thì ai dám làm. Khi đứng ra chịu sào chắc chắn sẽ có lúc bị phản ứng tiêu cực. Nhưng thôi, chấp nhận vì quan trọng là giải quyết được cái tồn tại, bức xúc của xóm làng bấy lâu nay, trong đó có gia đình nhà mình. Mà tôi tin là người làng dù ngại va chạm nhưng họ luôn đứng về lẽ phải, họ sẽ không để yên những người làm ảnh hưởng đến cộng đồng đâu".
Nghe ông M. nói vậy, vợ con ông đóng cửa ở yên trong nhà.
Thấy cổng nhà ông M. ầm ĩ người làng tụ tập đến xem. Ai cũng bất bình vì thái độ của chị N. Chửi một lúc, thấy mọi người nhìn mình xì xào chắc chị N. cũng xấu hổ nên đi về, nhưng vẫn còn hậm hực với ông M. lắm, nói sẽ không để cho nhà ông yên.
Lúc ấy mọi người mới kéo vào nhà ông M. chia sẻ với ông, nói không có những người như ông thì cái đoạn đường nước đọng ấy không biết đến bao giờ mới được giải quyết. Có người còn nói nếu chị N., còn tiếp tục giữ thái độ như thế với ông M. sẽ không ra quán mua hàng của nhà chị ta nữa.
Ông M. gạt đi nói không nên như thế vì đều là người làng với nhau, làm thế chỉ thêm căng thẳng. Nhưng ông M. cũng thấy vui vì đúng như ông nghĩ, dù ngại va chạm nhưng người làng ông đã biết đứng lên chống lại cái sai, bảo vệ lẽ phải.
Yên Chính
Đỗ Hồng