Thời gian qua, tình hình tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Để đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả với loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản; cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản cho các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân.
Qua công tác điều tra, khám phá các vụ án trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan, thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản, như: Để tài sản sơ hở không có người trông coi, quản lý; lực lượng bảo vệ tại các cơ quan, công sở mỏng, mới chỉ tập trung ở khu vực cổng ra vào; cán bộ, công chức đi làm giờ hành chính, nhà không có người trông coi; người dân đi ra đường mang theo túi xách, trang sức, hoặc tài sản có giá trị vẫn chủ quan, thiếu cảnh giác, không có biện pháp bảo vệ tài sản;….
Bên cạnh đó, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt; các đối tượng gây án đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ công cụ, phương tiện gây án và có sự móc nối, bàn bạc, lên kế hoạch, phân công giữa các đối tượng trong quá trình hoạt động phạm tội; chúng lợi dụng những sơ hở của người dân để tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội như: Thăm dò, nắm tình hình sơ hở thiếu sót của cơ quan, cửa hàng, nhà ở của người dân; tìm hiểu các thiết bị, phương tiện bảo vệ (tường rào, khóa cửa, hệ thống camera an ninh, thiết bị báo động…), để chọn thời gian hoạt động thích hợp với các thủ đoạn như: Mở hoặc cạy phá khóa; trèo tường, vượt rào chui qua cửa sổ; đào tường, khoét gạch, dỡ ngói vào nhà…; đợi sẵn tại các đoạn đường vắng, thiếu hệ thống chiếu sáng và ít người qua lại, chủ yếu là ban đêm, khi phát hiện “con mồi” thì đuổi theo khống chế để chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, các đối tượng còn lang thang ở khu vực, địa bàn gần những nơi thường xuyên có hoạt động giao dịch, nhận tài sản lớn như ngân hàng, hiệu vàng, cây ATM, trung tâm thương mại, chợ... để quan sát, khi phát hiện người nào mang theo nhiều tài sản thì bám theo đến địa điểm vắng vẻ ra tay cướp tài sản….
Địa bàn mà bọn trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản thường chú ý để gây án là những nơi tập trung nhiều tiền bạc, vật tư, hàng hóa… của tập thể, cá nhân; những nơi vắng vẻ, đêm tối, ít người qua lại…
Thời gian hoạt động thường vào lúc 22h00 đến 4h00; nếu là khu dân cư, buổi sáng chúng thường hoạt động từ 8h đến 10h, buổi chiều từ 13h đến 16h khi người dân đi làm vắng nhà để gây án.
Theo dự báo, thời gian tới, tình hình tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn. Do vậy, để phòng ngừa tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản... và đảm bảo an toàn cho Nhân dân trên địa bàn, Công an tỉnh Hà Nam đề nghị Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ tài sản; không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn tội phạm ra tay trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản. Đặc biệt là chú ý một số vấn đề sau:
Một số biện pháp phòng ngừa
1. Hạn chế ra ngoài lúc đêm khuya, đi qua những đoạn đường vắng, nếu có việc cần thiết phải ra đường thì phải có người thân đi cùng; không mang túi xách hoặc đeo nhiều trang sức có giá trị cao khi ra đường. Nếu mang theo túi xách, hoặc trang sức, tài sản có giá trị cao phải bảo quản cẩn thận, không để trên giỏ xe hay treo trên tay lái khi di chuyển; nếu đeo trang sức đắt tiền thì cần trang bị áo khoác, khăn choàng không để lộ ra bên ngoài và khi di chuyển cần chú ý quan sát qua gương chiếu hậu xem có xe nào bám theo hay không để có biện pháp phòng ngừa.
2. Khi đang điều khiển các loại xe máy trên đường không được nghe điện thoại di động, vừa vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vừa tạo sơ hở để bọn cướp giật thực hiện hành vi phạm tội. Nếu cần nghe điện thoại phải dừng hẳn và đỗ xe nơi an toàn, nghe xong mới tiếp tục di chuyển.
3. Người hành nghề xe ôm, lái taxi cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, hạn chế đón khách dọc đường, chủ động phát hiện khách có biểu hiện nghi vấn như yêu cầu đi lòng vòng, đến nơi vắng người hoặc không có điểm đến rõ ràng.
4. Các cửa hàng kinh doanh, nhất là kinh doanh vàng bạc không nên phô bày quá nhiều tài sản; cơ quan, doanh nghiệp hạn chế để nhiều tiền mặt tại két sắt; nên đóng cửa trước 18h; lắp chuông báo động kết nối với cơ quan công an và camera giám sát; trang bị công cụ hỗ trợ, tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm cho lực lượng bảo vệ.
5. Bảo vệ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường tuần tra, cảnh giác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đề xuất tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng ngừa tội phạm.
6. Nhân dân trước khi đi ngủ phải kiểm tra, khóa cửa, cổng cẩn thận; khi vào trung tâm thương mại, chợ để xe đúng nơi quy định và có biện pháp bảo quản tài sản của mình. (Chú ý: Khi bị kẻ gian khống chế, nạn nhân cần làm theo yêu cầu của đối tượng; đặc biệt, không nên chống trả nếu không có đủ kỹ năng mà hãy lợi dụng sơ hở của tội phạm để thoát thân, hô hoán tìm sự hỗ trợ).
7. Thường xuyên theo dõi trên các phương tiện truyền thông để nắm bắt phương thức, thủ đoạn gây án của bọn tội phạm, các tuyến đường hay xảy ra cướp, cướp giật tài sản để phòng ngừa. Quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân bị cướp giật để bảo vệ tính mạng, tài sản và ngăn ngừa hành vi phạm tội nếu thấy vụ việc xảy ra.
Phòng ngừa tội phạm móc cốp xe máy
Do ý thức cảnh giác chưa cao hay do chủ quan, quá tin tưởng vào độ an toàn của cốp xe máy nên một số người dân, đặc biệt là phụ nữ khi đi dạo chơi, mua sắm thường cất tài sản quý, giấy tờ vào cốp xe, tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Bọn tội phạm có thể cạy yên xe một cách dễ dàng mà không cần dùng phương tiện chuyên dùng. Do vậy khi rời khỏi xe cần mang theo túi xách, tài sản giá trị hoặc có người ngồi lại trông xe.
Phòng ngừa tội phạm trộm cắp, cướp giật nơi đông người
Tại các khu vực công cộng, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, bọn tội phạm thường di chuyển tạo tình huống lộn xộn, rồi chen lấn, xô đẩy làm nạn nhân mất tập trung để rạch túi quần, giỏ xách, bấm dây chuyền, móc ví, giật điện thoại. Người dân cần thận trọng khi đi đến những khu đông người, không mang nữ trang, vàng bạc cùng các tài sản có giá trị lớn, tránh xa những tụ tập đông người, chen lấn, xô đẩy để bảo vệ tài sản cá nhân.
Khi bị cướp, cướp giật, móc túi, mất tài sản, cần tri hô ngay để mọi người hỗ trợ; mặt khác báo ngay cho lực lượng công an, lực lượng bảo vệ nơi gần nhất. Phải bình tĩnh nhận diện đối tượng, đặc điểm, biển số xe của đối tượng gây án để báo cho cơ quan chức năng điều tra, truy bắt thủ phạm.
Để chủ động phòng ngừa với tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các tầng lớp Nhân dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa bảo vệ tài sản của cơ quan, đơn vị và chính mình; đồng thời tích cực phát hiện, tố giác và tham gia truy bắt tội phạm, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn.
Trong mọi trường hợp, khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện, dấu hiệu nghi vấn thực hiện các hành vi phạm tội, người dân cần nhanh chóng báo ngay cho lực lượng Công an nơi gần nhất, hoặc gọi điện thoại đến “đường dây nóng” của Công an tỉnh Hà Nam theo số điện thoại 113, hoặc 0226.3852.673 để lực lượng Công an kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, bắt giữ, xử lý đối tượng.
Công an Hà Nam