Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện một số loại ma túy tổng hợp được “ngụy trang” thành bánh, kẹo, sôcôla, thực phẩm đóng gói dưới dạng đồ uống được giới trẻ ưa chuộng. Đây là thủ đoạn tinh vi, khó lường của tội phạm nhằm đối phó cơ quan chức năng. Từ phương thức, thủ đoạn trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Ma túy “núp bóng” đồ uống, thực phẩm
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp. Các đường dây tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đa phần hoạt động với quy mô lớn, địa bàn rộng, liên tỉnh hoặc xuyên quốc gia. Bên cạnh các phương thức, thủ đoạn truyền thống, tội phạm ma túy còn triệt để sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch với mật độ cao. Điển hình như: Lập các nhóm chát kín trên nền tảng mạng xã hội của nước ngoài như: Telegram, Viber…; thay đổi phương thức giao dịch, vận chuyển trung gian như: Grab, Be… để vận chuyển, mua bán ma túy nhằm đối phó sự phát hiện, điều tra, khám phá của cơ quan chức năng. Nguy hại hơn, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện nhiều loại ma túy được “ngụy trang” thành bánh, kẹo, sôcôla, mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói dưới dạng đồ uống đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và được giới trẻ ưa chuộng. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Bản chất của những sản phẩm này là dạng ma túy tổng hợp được các đối tượng nghiền nhỏ, trộn lẫn, tẩm ướp vào các sản phẩm bánh, kẹo, sôcôla hoặc pha vào nước, đóng thành túi, thành chai để bán, đối tượng sử dụng các sản phẩm này là học sinh, sinh viên.
Ma túy được “ngụy trang” thường đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây và tẩm ướp trên một số gói kẹo có in các dòng chữ dễ nhầm lần như: Crispy fruit, Crispy fruit frappe, Mango hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffe”, “Chali”. Cùng với đó, chủng loại ma túy còn thay đổi hàng ngày trên thị trường, với hàng trăm hoạt chất khác nhau. Nguy hiểm hơn, có những loại ma túy “trá hình” dưới dạng đồ ăn, thức uống mà điểm chung là có bề ngoài nhìn như vô hại và không phải ai cũng phân biệt được. Đơn cử, kẹo dẻo là tên gọi mà dân chơi ma túy ám chỉ là loại thực phẩm tẩm cần sa, xuất hiện dưới dạng gum. Nhìn qua vẻ bề ngoài, kẹo dẻo trông hấp dẫn và đẹp mắt như những loại kẹo cao su khác và được đóng gói trong bao bì có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Hay như trà sữa, là một chất ma túy tổng hợp dạng bột màu xám hoặc màu vàng, đóng gói túi nilon với nhiều mẫu mã khác nhau và chúng có mùi thơm giống trà sữa (loại đồ uống được giới trẻ ưa thích). Hoặc nhiều dạng ma túy “núp bóng” khác như bánh cần, bánh lười “Lazy cakes” chứa chất cần sa; tinh dầu thuốc lá điện tử; nước nho, trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy Ketamine có tác hại khó lường. Chính từ vỏ bọc bắt mắt và vô hại không khác gì các sản phẩm bánh kẹo, nước uống thông thường nhưng lại đem đến “cảm giác mới lạ”, các loại ma túy trên được một bộ phận thanh, thiếu niên yêu thích sử dụng, bất chấp những hệ lụy về sức khỏe và tinh thần mà các loại ma túy này gây ra.
Theo cơ quan chức năng, khi sử dụng loại ma túy này thường xuyên sẽ gây nghiện và ảo giác, hoang tưởng và nếu sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Theo cơ quan chức năng, những đồ ăn, thức uống được cấp phép của cơ quan chức năng là những thứ đã được kiểm soát. Thực tế, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc nào các đối tượng đưa ma túy vào các bánh kẹo thông thường. Còn tại các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua ở một số địa phương, đó là hàng trôi nổi, do các đối tượng vận chuyển từ bên ngoài về.
Người dân cần đề cao cảnh giác
Theo thống kê cho thấy, năm 2023, trên cả nước có tổng số hơn 235 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này chiếm đến 76%). Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến của ma túy tổng hợp, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, khiến nhiều em mới 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy. Bên cạnh các loại ma túy tổng hợp “núp bóng” dưới dạng các loại nước giải khát, gần đây còn xuất hiện một số loại ma túy được “ngụy trang” dưới dạng thực phẩm, thuốc lá điện tử, thảo mộc… Được biết, thực phẩm (các loại bánh, kẹo) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép ở một số nước trên thế giới, các loại này được sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.
Tuy nhiên, thời gian qua, các đối tượng lợi dụng, lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc cho người tiêu dùng. Điều đáng nói, nhìn bề ngoài bao bì sản phẩm thì hầu hết mọi người đều cho rằng là gói nước uống giải khát, bánh kẹo, thuốc lá thông thường chứ không phải là ma túy. Nguy hại hơn, một số loại ma túy mới có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò cao với nhóm trẻ vị thành niên với tâm lý muốn thử nghiệm cảm giác lạ, muốn tự khẳng định bản thân và có xu hướng mạo hiểm trong khi nhận thức chưa đầy đủ về tác hại mà các chất cấm gây ra.
Để phòng ngừa việc thanh, thiếu niên, học sinh sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy, cùng với lực lượng chức năng trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy thì cha mẹ học sinh, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, cập nhật thông tin về những thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động truyền thông của cơ quan chức năng, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng cảnh giác trước sự lôi kéo của các đối tượng phạm tội trên lĩnh vực ma túy. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm đến những biểu hiện về tâm sinh lý của con em mình, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về giờ giấc sinh hoạt, tâm sinh lý để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn nếu nhận thấy các em có sử dụng các thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc. Cơ quan Công an đề nghị người dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; mạnh dạn tố giác những tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
Đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện và các hộ kinh doanh khác, đặc biệt là những hộ kinh doanh hàng tạp hóa xung quanh khu vực trường học tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy tổng hợp núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc để bày bán dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như các thực phẩm thông thường. Nếu phát hiện, nghi ngờ cần báo ngay cho lực lượng công an nơi gần nhất để phối hợp, tiến hành kiểm tra, giám định. Đồng thời, đề nghị mọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã được cảnh báo để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Trần Ích