kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tâm linh qua mạng xã hội

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tâm linh qua mạng xã hội

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những chiêu thức lừa đảo thông qua tên gọi “dịch vụ tâm linh” (bói toán, xem tử vi, bùa chú…) được nhiều đối tượng quảng cáo, mời chào công khai nhằm lợi dụng lòng tin từ một bộ phận người dân nhằm trục lợi cá nhân, gây thiệt hại lớn về tài sản của không ít “tín đồ” nhẹ dạ. Để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả loại tội phạm này, cùng với sự quyết liệt của ngành chức năng, mỗi người dân cần có thái độ bình tĩnh, thận trọng, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ chính mình để không trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo.

Điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm

Ngày 18/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng, gồm: Dương Ngô Tùng, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thế Minh, Nguyễn Hữu Phong, Hoàng Văn Trung, Bùi Ngọc Duy, Hoàng Thị Minh Dương (cùng trú ở Tân Yên, Bắc Giang) và Trần Đình Nam (trú ở Bảo Thắng, Lào Cai) về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, ngày 26/6/2023, Công an huyện Lý Nhân nhận được trình báo của chị L. (trú tại xã Hòa Hậu, Lý Nhân) về việc bị đối tượng sử dụng tài khoản facebook xưng danh “Thầy Thế” đăng bài viết có khả năng làm lễ giải hạn, cầu tài lộc... tư vấn mua “lá bùa” cầu tài lộc và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để thuê làm lễ và đặt dâng tiền lễ giữ lộc. Vì không hiểu biết, dễ tin người, chị L. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng với số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền chuyển khoản, đối tượng đã không thực hiện theo yêu cầu mà chặn mọi liên lạc, mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xác định, đây là vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, Công an huyện Lý Nhân đã phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ và bắt giữ 8 đối tượng là thủ phạm của vụ án trên tại một chung cư thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tang vật thu giữ: 230 triệu tiền mặt, 8 máy tính, 15 điện thoại di động mà các đối tượng sử dụng phục vụ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng khai nhận hành vi phạm tội, do cần tiền tiêu xài nên đã bàn bạc, lên kịch bản; phân công nhiệm vụ cho từng người; sau đó lập các trang mạng xã hội facebook, zalo với tên “Thầy Thế” để đăng quảng cáo và lập các tài khoản facebook ảo vào bình luận công khai nhằm tạo lòng tin cho người truy cập. Khi có người mắc mưu, các đối tượng này liền tìm cách tiếp cận, nhắn tin, tự giới thiệu có khả năng làm lễ và yêu cầu chuyển khoản, sau đó chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn trên, từ tháng 5 đến tháng 6/2023, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền chuyên đề về phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Nhân Nghĩa

Trước đó, ngày 6/6/2023, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Duy Tiên cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trần Thị Thiện (sinh năm 1995, trú tại Tổ phố số 4, phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên) để điều tra về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ Luật hình sự. Theo kết quả điều tra, từ tháng 10/2017 đến tháng 8/2021, Trần Thị Thiện đã đưa ra thông tin: quen biết  “thầy Năm” rất giỏi xem bói, cúng lễ giải hạn, tâm linh; đệ tử của “thầy Năm” có tài khoản facebook tên “Nguyễn Hoàng Quân”, “Nguyễn Ngọc Thương”… sau đó, giới thiệu cho nhiều người thân trong gia đình mình, trong đó có bà N.T.Đ (bà nội Thiện); chị T.T.X (cô của Thiện), anh T.V.T (chú ruột Thiện). Thiện nói với người thân trong gia đình nếu cần xem bói hay cúng lễ với “thầy Năm” thì nhắn tin qua facebook theo tài khoản facebook tên “Nguyễn Hoàng Quân”, “Nguyễn Ngọc Thương”. Tiền lễ thì chuyển vào tài khoản (số 2903205050347 mở tại Ngân hàng Agribank) mang tên Trần Thị Thiện là người thu ngân của “thầy Năm”. Do tin tưởng Thiện, chị T.T.X đã 102 lần chuyển tiền với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng; anh T.V.T chuyển 3 lần với tổng số tiền 101 triệu đồng; bà N.T.Đ chuyển 1 lần với số tiền 99 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Thiện đã chiếm đoạt hết số tiền trên.

Người dân cần đề cao cảnh giác

Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, khiến người dân bức xúc, lo lắng, trong đó có chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “dịch vụ tâm linh” (bói toán, xem tử vi, giải hạn, cầu tài lộc, tư vấn mua “lá bùa” cầu tài lộc...). Tại tỉnh ta, theo báo cáo từ ngành chức năng, từ năm 2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm tin báo, tố giác liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong đó không ít vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng chiêu thức “dịch vụ tâm linh”. Không ít người đã “tiền mất, tật mang” với chiêu thức lừa đảo của nhóm đối tượng này. Chiêu thức lừa đảo của nhóm đối tượng qua “dịch vụ tâm linh” thường là: lập ra nhiều fanpage: Xem bói online chuẩn, xem bói miễn phí, se duyên, xem tay biết ngay số mệnh, di cung hoán số, cắt tiền duyên, livestream (phát sóng trực tiếp)...

Bằng hình thức quảng cáo rầm rộ với đủ mọi “dịch vụ tâm linh”, các trang web, tài khoản mạng xã hội về nội dung này đã thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt người theo dõi. Một số tài khoản còn tự xưng là “cậu”, “cô”, quảng cáo có năng lực đặc biệt, luận giải được mọi vận hạn của đời người thông qua các đường chỉ tay, tướng mạo. Điều đáng nói, những “dịch vụ tâm linh” này còn bị một số kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan và đánh cắp thông tin cá nhân. Và thực tế có rất nhiều người đã bị “sa lưới” vào những lời quảng cáo gắn với “mác tâm linh” cầu an, giải hạn, xua đuổi rủi ro, bệnh tật. Đặc biệt, những người đang gặp phải biến cố về sức khỏe, trắc trở trong tình cảm, khó khăn trong công việc…càng dễ trở thành “con mồi” để các đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, dẫn dắt mắc vào bẫy lừa đảo. Khi gặp người có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu kết nối zalo, facebook để tư vấn cách giải hạn, mua các vật “trì chú” đeo vào người sẽ qua hết vận hạn, đem lại may mắn, làm ăn phát đạt… khiến nhiều người tin tưởng, cho rằng có những vật đó công việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc. Số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của nạn nhân thường có giá trị từ vài trăm nghìn tới hàng tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức “dịch vụ tâm linh”, thời gian tới, ngành chức năng trong tỉnh xác định tiếp tục nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chỉ đạo, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đảng, Nhà nước tôn trọng các giá trị văn hóa tâm linh, tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng sẽ xử lý nghiêm khắc những người có hành vi lợi dụng tâm linh để lừa đảo, trục lợi. Việc tin vào tâm linh có thể giúp con người có động lực, tinh thần để vực dậy trước những biến cố, khó khăn, nhưng khi quá mê muội dẫn đến mê tín dị đoan sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tiền bạc… là nguyên nhân dẫn đến lối sống thụ động, thiếu suy nghĩ và ỷ lại. Pháp luật có những chế tài cụ thể và nghiêm khắc xử lý hành vi lợi dụng thế giới tâm linh để trục lợi, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt, lựa chọn hoạt động tín ngưỡng và các hành vi mê tín, tuyệt đối không tin, không nghe, không làm theo những người tự xưng, tự quảng cáo là thầy tử vi, tướng số khi tiếp xúc ngoài đời hoặc qua mạng xã hội.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức “dịch vụ tâm linh”, thời gian tới, ngành chức năng trong tỉnh xác định tiếp tục nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chỉ đạo, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; thường xuyên cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng để nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, mỗi người dân khi dùng mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, không chia sẻ, tham gia các hội, nhóm liên quan tới mê tín dị đoan, cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc… để trục lợi. Bên cạnh việc kiên trì loại trừ hành vi mê tín dị đoan thì bản thân hay những người xung quanh khi bị các đối tượng lợi dụng tâm linh nhằm mục đích lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy