Trong 3 tuần trở lại đây, thời tiết nắng nóng, số trẻ nhập viện tăng lên rõ rệt. Điều dưỡng trưởng Chu Thị Lý, Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi cho biết: Cả khoa chỉ có 77 giường bệnh, nhưng hiện đang điều trị nội trú cho 129 bệnh nhân. Số cháu bị tiêu chảy trên 20, số còn lại chủ yếu mắc các bệnh về đường hồ hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm tai… Đáng nói, số trẻ bị viêm phổi phải nằm điều trị dài ngày trong viện chiếm trên 10%. Tại Khoa hồi sức, số trẻ đang điều trị nội trú lên tới 50 cháu, vượt số giường bệnh cho phép. So với thời gian hơn một tháng trở về trước, số bệnh nhi tăng cao gấp đôi, gấp 3. Bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết: Khó khăn nhất với chúng tôi lúc này chính là điều kiện phòng bệnh, nhiều phòng phải ghép bệnh nhân vì số lượng trẻ nhập viện tăng cao.
Nằm viện đã 10 ngày nay, bé Ngô Đình Nhật Duy ở Tổ dân phố Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý mới 2 tuổi rưỡi khá mệt mỏi và khó chịu vì toàn thân nổi nhiều mụn. Mẹ bé Duy kể lại, ban đầu cháu có biểu đau họng, khó nuốt nên cho cháu nhập viện. Một hai ngày sau khi nhập viện, các bác sỹ phát hiện các triệu chứng chân tay miệng nên đã chuyển cháu sang phòng điều trị bệnh riêng. Trong không gian chật chội, các giường bệnh kê san sát nhau, mỗi cháu có thêm từ 1 - 2 người lớn đi theo chăm sóc khiến không khí càng ngột ngạt.
Theo bác sỹ Trần Thị Duyên, 50% số trẻ nhập viện đợt này đều được bố mẹ cho biết đã từng mắc Covid-19. Bản thân phụ huynh cũng hiểu rất rõ những ảnh hưởng của Covid-19 đối với trẻ đã có những chia sẻ cho thấy tình trạng sức khỏe của bé có những thay đổi rõ ràng. Trẻ yếu hơn, dễ nhiễm khuẩn và ho, sốt khi thời tiết nắng nóng, mưa gió bất thường.
Thêm nữa, nhiều trẻ có bố mẹ làm công nhân trong KCN, các cháu được gửi ở nhà cho ông bà chăm sóc nên việc theo dõi sức khỏe cũng như nắm bắt nhanh tình trạng bệnh của trẻ bị hạn chế. Nhiều trẻ khi đưa vào viện đã trong tình trạng bị viêm phổi nặng hoặc tiêu chảy kéo dài. Điều đáng quan tâm hơn chính là việc có không ít phụ huynh vì sốt ruột khi con ốm đã tự ý mua thuốc về điều trị cho con. Bác sỹ Trần Thị Duyên cho biết: “Có những người cầm đơn thuốc cũ của con mang ra hiệu thuốc mua về dùng. Đơn thuốc được kê cách xa thời điểm hiện tại, cân nặng của trẻ đã tăng hơn nhiều. Chỉ tính về liều lượng thôi cũng đã không bảo đảm, chưa nói đến việc trẻ có bị bệnh giống với lần trước hay không. Vì vậy, khi dùng thuốc xong, các cháu đều không thuyên giảm bệnh, thậm chí còn nặng hơn nên bố mẹ mới cho vào viện”.
Quá tải bệnh viện trong điều kiện thời tiết nắng nóng gây nên những khó khăn cho công tác điều trị cũng như chăm sóc trẻ em. Khoa Nhi Tổng hợp có 28 bác sỹ và điều dưỡng, trong đó có 1 bác sỹ phải cắt cử làm việc tại Bệnh viện dã chiến. Với số lượng luôn dao động từ 125 đến 150 bệnh nhi mỗi ngày, áp lực công việc mà mỗi cán bộ, nhân viên y tế ở đây phải đối mặt không hề nhỏ. Còn với người nhà bệnh nhi, khi mỗi trẻ nhập viện điều trị đều kéo theo từ 1 - 2 người chăm sóc. Có những trường hợp phải nằm điều trị nội trú hơn chục ngày, chỉ tính chuyện đi lại, ra vào bệnh viện để thay nhau chăm sóc, trông nom trẻ cũng rất mệt mỏi. Bố của bệnh nhi Nguyễn Phương Chi đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi chia sẻ: “Cả hai vợ chồng em đều nghỉ việc vào viện chăm con cùng với bà. Vậy mà nhiều lúc vẫn bí, vì bệnh viện xa nhà. Chỗ nghỉ ngơi ở đây không có. Bản thân các cháu cũng phải ghép giường hoặc nằm ở giường gấp. Trời thì nóng, bật điều hòa cũng không thể nào đủ mát khi phòng quá nhiều người. Thực sự ngột ngạt!”.
Nắng nóng, trẻ em mắc các bệnh lý về đường hô hấp dự báo tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Các bậc cha mẹ cần linh hoạt ứng phó với thời tiết bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết của bản thân là hết sức cần thiết để bảo vệ con em mình trước nguy cơ dịch bệnh và tai nạn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.
Được xác định là một trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ngày càng đa dạng và linh hoạt. Giá trị nông sản vì thế ngày càng được nâng cao. Đó chính là nội dung phỏng vấn của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.