Nghiện rượu và những hệ lụy khôn lường

Nghiện rượu gây nên những tổn thương toàn thân cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến bệnh nhân mang rất nhiều bệnh tật, như: Viêm gan, xơ gan do rượu, sảng run, bệnh gút, bệnh tim mạch, viêm loét dạ dày tá tràng, thiếu máu do rượu, tăng nguy cơ mắc ung thư, gây mất trí nhớ, trầm cảm,... Chưa kể người nghiện rượu còn gây nên những hệ lụy rất lớn cho hạnh phúc gia đình, gánh nặng cho xã hội. 

Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có khá nhiều bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu mắc nhiều bệnh nặng. Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyên, Trưởng khoa cho biết: Không chỉ có Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, nhiều khoa khác trong bệnh viện đều có bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu phải vào điều trị nhiều bệnh nặng. 

Mới ngoài 40 tuổi nhưng người đàn ông đang nằm điều trị tại Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, BVĐK tỉnh trông như một ông già 60 tuổi. Bệnh nhân bị liệt, xơ gan và nhiều bệnh khác nữa. Vợ bệnh nhân cho biết, gia đình ở huyện Kim Bảng. Trước đây chồng chị thường xuyên uống nhiều rượu. Cách đây hơn một năm, sau khi uống rượu và đi xe máy anh gây tai nạn giao thông, đứa con nhỏ ngồi trên xe may mắn không bị sao nhưng anh bị liệt từ đó. Một mình chị làm công nhân lương 4-6 triệu đồng/tháng phải cáng đáng nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học, thuốc thang chăm sóc phục vụ chồng, thi thoảng anh lại nhập viện cấp cứu... Mỗi khi cho chồng đi viện chị phải nghỉ làm, đồng nghĩa với việc không có thu nhập, con cái nheo nhóc, nợ nần chồng chất, chị nói thực sự bế tắc, không biết một mình có thể trụ được bao lâu.  

Nghiện rượu và những hệ lụy khôn lường
Bác sỹ khám cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Một nam bệnh nhân khác nhà ở huyện Bình Lục mới 50 tuổi mà nhìn như ông già 70. Vợ bệnh nhân cho biết, chồng chị nghiện rượu đã lâu, không chịu làm lụng, thường xuyên lấy tiền của vợ đi mua rượu, mỗi khi say lại chửi bới, đánh đập vợ con. Khi đã bị bệnh tật đầy người chồng chị vẫn không bỏ được rượu. Một tháng qua chị phải cho chồng đi viện cấp cứu 3 lần. 

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyên cho biết, nghiện rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu, cơ thể lệ thuộc vào rượu. Người nghiện rượu sẽ bị rối loạn hành vi, hay ngồi uống một mình, chỉ muốn uống không muốn ăn... Ở khoa hay tiếp nhận bệnh nhân xơ gan, ung thư gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp,... đều có tiền sử nghiện rượu. Có không ít bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu khi vào khoa điều trị phải buộc hai tay hai chân cố định trên giường để khỏi quậy phá, la hét, đập phá đồ đạc và dễ cho việc tiêm truyền thuốc. Ngoài ra, nghiện rượu còn gây nên các bệnh lý về tim mạch, như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tăng đột quỵ não, bệnh tiểu đường. Về thần kinh, gây sa sút trí tuệ, mất ngủ, trầm cảm, kích thích, loãng xương, co giật,... Những bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu đều mắc rất nhiều loại bệnh, trong đó có nhiều bệnh nặng. Không ít người nghiện rượu, một năm phải nhập viện cấp cứu 10-15 lần. Tuy nhiên chỉ vừa điều trị đỡ bệnh nhân đã tỏ rõ sự thèm rượu. 

Việc nghiện rượu hủy hoại sức khỏe của chính người uống, đồng thời cũng tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong câu chuyện với những người vợ của các bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, BVĐK tỉnh, họ đều gần như ở tình trạng cùng khổ. Họ đều chia sẻ rằng, người chồng nghiện rượu không chịu đi làm, thường xuyên hạch sách, thậm chí đánh đập vợ để có tiền đi mua rượu. Mỗi khi uống rượu vào lại chửi mắng, thậm chí đánh đập vợ con, dễ gây gổ đánh nhau với người ngoài. Những người vợ trong các gia đình có chồng nghiện rượu phải còng lưng làm việc để nuôi con, nuôi chồng nghiện rượu, chi tiền cho chồng mua rượu, chi tiền chữa trị các bệnh do rượu gây nên. 

Gần như tất cả những người nghiện rượu sau một thời gian đều mắc nhiều loại bệnh mãn tính nặng và việc chữa trị rất tốn kém. Những đứa con trong gia đình có ông bố nghiện rượu thường thiếu thốn về kinh tế, điều kiện chăm sóc, đặc biệt thường mang những ám ảnh về tinh thần bởi thường xuyên là nạn nhân của bạo lực tinh thần, thể xác từ người bố nghiện rượu. Người nghiện rượu mắc nhiều bệnh mãn tính gây nên áp lực cho hệ thống y tế, tốn kém trong điều trị. Đấy là còn chưa kể do hạn chế trong kiểm soát hành vi khi uống nhiều rượu vẫn tham gia giao thông rất nguy hiểm. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do người uống nhiều rượu điều khiển các phương tiện tham gia giao thông gây ra, cướp đi tính mạng, hoặc gây tàn phế nghiêm trọng cho người khác, đẩy nhiều gia đình vào đường cùng...

Rượu là một thức uống truyền thống, là một trong những yếu tố làm nên sự hứng khởi, sôi động, gắn kết ở mỗi cuộc gặp gỡ tiệc tùng. Để phát huy được sự hữu ích của rượu trong đời sống cần có sự tiết chế trong sử dụng. Chỉ thi thoảng mới sử dụng rượu trong những dịp đặc biệt, với liều lượng vừa phải. Đặc biệt, khi đã sử dụng rượu, bia tuyệt đối không điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Còn những người đã trót lỡ nghiện rượu cần cai rượu, để giữ gìn sức khỏe, hạnh phúc cho mình, gia đình và cho cộng đồng.

Yên Chính

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy