Những nét riêng là một phần tạo nên đặc trưng làng nghề, tạo nên sự phong phú về bản sắc ở các làng quê. Những nét riêng cũng toát lên nét đẹp, sự nỗ lực lao động, chấp nhận vất vả của người dân làng nghề để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Làng nghề “chân đi đất”
Vào một ngày nắng đẹp, tôi xuống làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) - nơi nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem truyền thống. Điểm khác của làng nghề này, ngoài những phên bánh đa nem phơi xếp trắng bên ngõ, trong vườn, trước nhà, những tiếng tách tách phát ra từ những phên bánh, thì điều đặc biệt là gần như người dân đều chân đi đất trong lúc phơi bánh. Giữa những phên bánh đa nem, những bóng người đi như chạy, chân không có dép thoăn thoắt, thoăn thoắt, cảm tưởng như không chạm đất. Họ bê những phên bánh đa nem từ trong nhà ra phơi, và liên tục lật, giở, đến khi nghe tiếng tách tách nhẹ lại thoăn thoắt xếp chồng các phên lên nhau và đưa vào phơi ở chỗ bóng râm. Họ tiếp tục bê từng chồng phên bánh ở trong nhà ra phơi vào những chỗ trống ở bên ngoài, lại lật liên tục, rồi vào bóng râm tiếp tục lật, dồn, bê những phên đã khô vào, rồi lại bê chồng phên mới ra,… 4 người trong gia đình tôi đến, bố mẹ và hai con học trung học cơ sở, họ gần như không nghỉ, chỉ kịp tranh thủ uống cốc nước lúc vừa mang bánh mới ra, rồi khi nghe tiếng tách tách là lại chạy ra lật, giở, bê vào… Họ cứ đi như chạy, liên tục, mồ hôi ướt đầm khăn, áo. Mỗi ngày phơi bánh có lẽ họ đi bộ cả chục km. Với một tốc độ đi như chạy, họ không thể đi được dép, phải đi chân đất là điều dễ hiểu.
Một bà cụ trong làng nói với tôi làm bánh đa nem khâu phơi rất quan trọng. Người làng bánh phải theo dõi sát thời tiết, nếu trời tạnh ráo, nắng nhẹ là tốt nhất mới ngâm gạo làm bánh. Trời mưa không làm vì không phơi được bánh, để sẽ bị mốc, ôi. Bánh đa nem rất mỏng manh nên khi phơi cũng yêu cầu kỹ thuật cao, không cẩn thận bánh sẽ quá nắng gây giòn, vỡ. Vì thế, nếu trời nắng to chỉ phơi bánh trong bóng râm, trời nắng vừa mới phơi bên ngoài. Nhưng dù phơi ở đâu cũng liên tục phải lật, giở để bánh khô đều, nếu nghe tiếng tách tách có nghĩa là bánh đã tách khỏi phên, đủ độ khô phải di chuyển bánh ngay vào chỗ mát.
Ngoài những người phơi bánh, bên đường làng, ngõ xóm là cảnh các gia đình ngồi bóc bánh từ phên ra. Phên bánh dài, hai người ngồi ở hai đầu, mỗi người cầm vào hai góc phên lột bánh lên, sao cho phải đều và ăn khớp với bên kia để tránh bánh bị rách. Tiếng lột bánh từ phên ra nghe soàn soạt, soàn soạt, cũng là một thứ âm thanh rất riêng của làng nghề làm bánh đa nem nổi tiếng này.
Làng toàn “giáo sư”
Về làng nón Khoái Quán, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm) tôi lại thấy một nét riêng khác, cũng là do đặc trưng của nghề làm nón: Đó là khá nhiều người đeo kính. Thường thì với nông dân, nếu mắt kém cũng gần như rất hiếm đeo kính, nhất là những người đang ở tuổi lao động. Nhưng ở làng nghề này, bên hiên nhà, trên sân, gốc cây mát đầu đường thấy các bà các mẹ ngồi cặm cụi khâu nón, và ai cũng đeo kính dày cộp. Thấy có khách đến, các bà, các mẹ ngẩng lên, kéo kính trễ xuống và nhìn khách phía trên mắt kính (đặc điểm của những người đeo kính lão). Hình ảnh những người nông dân chân chất đeo chiếc kính dày cộp làm tôi rất ấn tượng và vui đùa thốt lên làng mình toàn “giáo sư!” làm các bà, các mẹ cười nghiêng ngả. Một phụ nữ trung niên nói với tôi “Thu nhập từ nghề làm nón giờ thấp nên lớp trẻ nếu không đi học đại học thì đi làm công ty, lương cao hơn nhiều. Chỉ những phụ nữ trung, cao niên ở nhà lo việc đồng áng, tranh thủ lúc nông nhàn khâu nón kiếm thêm đồng rau dưa. Khâu nón với sợi cước trong và mảnh, mũi khâu nhỏ và yêu cầu phải đều, mịn, lá nón lại trắng nên cần rất tinh mắt, phụ nữ tầm này mắt đều kém đi nhiều nên đều phải đeo kính”.
Không có tiếng thoi không ngủ được
Ngày tỉnh mới tái lập, tôi về xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Bước vào làng tôi có cảm giác y hệt như ở trong không gian những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Đó là những vườn chuối ngự um tùm bên dòng sông Châu hiền hòa êm đềm chảy ven làng, những tàu lá chuối mảnh, dài phần phật dẻo dai trong gió. Là tiếng thoi lách cách, lách cách vọng ra từ những ngôi nhà… Mấy năm trở lại đây không gian đặc trưng này có nhiều thay đổi, nhưng người ngoài khi đến đây vẫn dễ dàng nhận ra nét riêng không thể lẫn ở làng dệt truyền thống này.
Tôi có anh bạn quê ở Hòa Hậu. Anh kể, khi anh đón mẹ già sang nhà anh ở một làng quê khác để ở cùng với con cháu, nhưng bà cụ không thể nào ngủ được và cứ đòi về nhà. Cụ nói đã quen với việc nghe tiếng thoi lách cách trong giấc ngủ, nên khi ở nhà con yên tĩnh quá không ngủ được. Anh nói mẹ anh sinh ra ở làng, lấy bố anh cũng người làng, cả đời làm nghề dệt cửi, bữa ăn, giấc ngủ đều có tiếng lách cách thoi đưa. Bây giờ dù làng gần như không còn nhà làm dệt đêm. Máy dệt cũng hiện đại, tiếng thoi kêu nhỏ hơn, nhưng vẫn văng vẳng âm thanh. Và chỉ nghe thấy âm thanh đó, dù là mơ hồ văng vẳng xa, bà cụ mới thấy quen thuộc, thấy yên tâm…
Các làng nghề truyền thống đều có từ lâu đời. Mỗi nghề có đặc điểm riêng, nguyên liệu, quy trình sản xuất khác nhau, từ đó tạo cho làng nghề những nét riêng khó phai, từ nhịp điệu, đến không gian, con người. Qua đó tạo nên sự phong phú, đa dạng trong khung cảnh làng quê. Mang những nét đặc trưng riêng, nhưng tất cả các làng nghề đều có một điểm chung rất căn bản và vô cùng đáng quý. Đó là người dân đều chịu khó cần mẫn làm nghề, chấp nhận vất vả với nghề, như từ nhiều đời xưa cha ông họ vẫn làm thế, để giữ gìn tinh hoa nghề truyền thống, để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng, để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, phồn thịnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.