Thời gian qua, huyện Lý Nhân đã quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn. Vì thế, các làng nghề có sự phát triển tương đối ổn định, nhất là với nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Trên địa bàn huyện Lý Nhân hiện có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống chế biến lương thực, thực phẩm đang hoạt động với các sản phẩm chủ yếu là bánh đa nem, rượu, bánh đa phở, bún, bánh cuốn, đậu phụ, giò, chả, bánh chưng, bánh giò…
Mặc dù được xem là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng tại nhiều làng nghề, nghề chế biến lương thực, thực phẩm đang mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ dân. Chẳng hạn như tại xã Công Lý, ngoài việc duy trì, phát triển làng nghề xóm Vương, thôn Vương Bá, những năm gần đây được xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển nghề chế biến thực phẩm, tập trung vào sản xuất các sản phẩm: bánh đa phở, bún khô, giò, chả…
Theo thống kê, toàn xã hiện có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm. Trong đó, riêng làng nghề xóm Vương có khoảng 40 hộ. Các hộ còn lại nằm rải rác ở các thôn: Trung Tiến, Đồng Tâm, Thôn 2, Thôn 3…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý cho biết: Bên cạnh việc duy trì, phát triển làng nghề chế biến thực phẩm xóm Vương, thời gian qua, xã Công Lý còn phát triển khá nhanh nghề sản xuất bánh đa nem ở thôn Đồng Tâm; sản xuất bánh đa phở, bún tập trung ở Thôn 3. Năm 2021, xã Công Lý có sản phẩm phở khô của Cơ sở sản xuất phở khô Khánh Linh, Thôn 3 được công nhận là sản phẩm OCOP. Đây sẽ là cơ hội để Cơ sở sản xuất phở khô Khánh Linh cũng như nghề sản xuất bánh đa phở ở địa phương phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
Để tạo thuận lợi cho Cơ sở sản xuất phở khô Khánh Linh ngày càng phát triển, xây dựng được thương hiệu trên thị trường, xã Công Lý đang phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở sản xuất phở khô Khánh Linh hoàn thành thủ tục để thành lập hợp tác xã kiểu mới.
Tại một số xã của huyện Lý Nhân, như Tiến Thắng, Nguyên Lý, Hợp Lý, số làng nghề, hộ sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Xã Nguyên Lý, ngoài làng nghề truyền thống bánh đa nem làng Chều được công nhận vào năm 2008, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã còn có 5 xóm được công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất bánh đa nem, gồm: xóm 1, xóm 3 – Trần Xá; xóm 2, xóm 4 - Mão Cầu; xóm 3+4 – Đồng Phú. Điều này cho thấy, nghề sản xuất bánh đa nem ở Nguyên Lý có sự phát triển mạnh, ngày càng thu hút được đông đảo các hộ dân tham gia làm nghề.
Theo ông Trần Văn Tường, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất bánh đa nem làng Chều, để đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng các đơn hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất bánh đa nem trong xã đã tích cực đầu tư, ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong những đợt cao điểm, nhân dân trong xã sản xuất trên 60 tấn bánh/ngày. Từ nhiều năm nay, nghề sản xuất bánh đa nem đã phát triển rộng khắp trong toàn xã, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân.
Được biết, do nhu cầu của thị trường nên những năm gần đây, nghề sản xuất giò, chả, bún, bánh đa phở, miến… phát triển tương đối mạnh tại một số thôn, xóm trên địa bàn huyện. Số liệu thống kê từ Chi cục Thống kê huyện Lý Nhân cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 1.600 hộ sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, chiếm gần 14% tổng số hộ sản xuất, kinh doanh cá thể trong toàn huyện.
Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết, 3 năm trở lại đây, giá trị sản xuất của các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn toàn huyện Lý Nhân đạt 45-50 tỷ đồng/năm, chiếm xấp xỉ 30% tổng giá trị sản xuất của các làng nghề trong toàn huyện. Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn huyện hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.700 lao động với mức thu nhập từ 4,2 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Trong thời gian tới, Lý Nhân sẽ chú trọng thực hiện tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm làng nghề; hỗ trợ các cơ sở làng nghề tham gia hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP để tăng cường quảng quá, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất duy trì hiệu quả các thị trường hiện có, tìm kiếm thị trường mới, trong đó chú trọng khai thác thị trường nội địa.
Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào huyện, ưu tiên các dự án chế biến nông sản, thực phẩm để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương…
Nguyễn Oanh