Chủ động ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi tái phát

Nông nghiệp 09:21 18/06/2020 Mạnh Hùng (thực hiện)
Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là nguy cơ rất lớn về khả năng dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh.

Để hiểu rõ diễn biến dịch bệnh và khả năng phòng chống, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT) xung quanh vấn đề này.

Phun khử trùng tiêu độc môi trường tại thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân).

P.V: Xin ông cho biết tình hình dịch tả lợn châu Phi và khả năng bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Sau một thời gian tạm lắng, dịch tả lợn châu Phi lại đang có diễn biến phức tạp, bùng phát ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều tỉnh lân cận với tỉnh ta đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trở lại, như: Thành phố Hà Nội và các tỉnh Ninh Bình, Nam Định... Tỉnh ta lại nằm trên các trục giao thông chính của cả nước và khu vực phía Bắc, như: quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 38, đường nối 2 cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng) các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, nhất là lợn lưu thông thường xuyên. Không những vậy, trên địa bàn tỉnh có khu chợ đầu mối gia súc, gia cầm tại xã Bối Cầu (Bình Lục) mỗi ngày có hàng chục chuyến xe từ các tỉnh, thành phố về đây mua, bán lợn thịt. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn, khả năng dịch tả lợn châu Phi có thể xuất hiện trở lại trên đàn lợn của tỉnh rất cao và bất cứ thời điểm nào.

Về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh, đến ngày 14/2/2020, chính thức công bố hết dịch. Các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn trở lại trên diện rộng. Việc tái đàn chủ yếu ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, giữ được đàn lợn nái. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng từng bước tái đàn. Trong đó, các hộ tái đàn lợn nái chủ yếu chọn lọc từ đàn lợn thịt (do khan hiếm nguồn lợn nái hậu bị chuẩn của các trại nái ông bà và giá bán cao). Hiện, tổng đàn lợn thịt của tỉnh có 335.000 con, lợn nái gần 30.000 con.  Chăn nuôi lợn của các địa phương trong tỉnh đang dần ổn định trở lại. Với tình hình chăn nuôi hiện nay của tỉnh cần thực hiện tốt công tác phòng, chống không để dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát trở lại.

P.V: Để phòng chống dịch bệnh nói chung cho đàn vật nuôi và dịch tả lợn châu Phi nói riêng, ngành đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong đó có dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi – Thú y đã tham mưu với Sở NN&PTNT, UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Theo đó, công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi được chú trọng. Như với dịch tả lợn truyền thống đã tiêm phòng được trên 71 nghìn con, vượt 71% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai và phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt I năm 2020 từ ngày 10/2 - 10/3. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 3.200 lít hóa chất, huyện 1.750 lít, xã 230 lít và người dân tự mua 2.540 lít. Đồng thời, người dân tự mua 72.800 kg vôi bột. Gần 13,6 triệu m2 chuồng trại, môi trường, nơi chăn thả, buôn bán, giết mổ động vật được khử trùng tiêu độc. Công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở cũng được thường xuyên tăng cường để sớm phát hiện và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Đến thời điểm này, trên địa bàn chưa xuất hiện trở lại ổ dịch tả lợn châu Phi.

P.V: Qua đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 cho thấy, loại dịch bệnh mới nguy hiểm này tấn công chính ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vậy các hộ chăn nuôi cần thực hiện công tác phòng chống dịch như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Đúng là nguy cơ xuất hiện và bùng phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất lớn do điều kiện vệ sinh thú y, nguồn con giống nhập từ bên ngoài… Do vậy, Chi cục khuyến cáo người dân cần tuân thủ chặt chẽ việc chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Trong đó, chú trọng làm tốt việc khử trùng, tiêu độc định kỳ chuồng trại chăn nuôi, nhập con giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm sạch bệnh. Khi nhập con giống về nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để nâng cao sức đề kháng. Người chăn nuôi tự giám sát dịch bệnh ngay tại hộ trong quá trình chăm sóc hằng ngày. Khi thấy đàn lợn nuôi có biểu hiện bệnh bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra và có biện pháp khoanh vùng dập dịch. Việc người chăn nuôi tuân thủ tốt công tác phòng, chống dịch là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa không để dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát trở lại trên đàn lợn của tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn ông

TIN MỚI CẬP NHẬT

Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cải cách hành chính  |  12:36 25/11/2024

Tỉnh ta xác định, cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Cải cách hành chính lấy người dân làm trung tâm, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở Ngọc Lũ

Nhịp cầu nhân ái  |  12:35 25/11/2024

Sáng 25/11, Hội Nông dân (HND) tỉnh, HND huyện Bình Lục phối hợp với CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh và chính quyền địa phương bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Trần Thị Đề, là hộ nghèo ở thôn đội 3, xã Ngọc Lũ (Bình Lục).

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở xã Trần Hưng Đạo

Đoàn - Hội  |  12:22 25/11/2024

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, Hội CTĐ huyện Lý Nhân vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức chương trình khám bệnh nhân đạo, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 150 người thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn xã Trần Hưng Đạo.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC