kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Hiệu quả đề án phát triển đàn lợn nái

Hiệu quả đề án phát triển đàn lợn nái

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề án được triển khai góp phần thúc đẩy tái đàn lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái và lợn đực giống. Mục tiêu bảo đảm chất lượng con giống bố, mẹ trong quá trình phát triển đàn. Qua theo dõi của đơn vị, việc thực hiện đề án đi đúng hướng và đang phát huy tốt hiệu quả.

Từ năm 2021, các địa phương trong tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2022”. Năm đầu tiên đã có 900 lợn nái hậu bị và 6 lợn đực giống được hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, nguồn cung ứng từ trại giống ông bà của Tập đoàn Dabaco. Theo đó, lợn nái hậu bị được hỗ trợ 4 triệu đồng/con, lợn đực giống được hỗ trợ 50% giá trị. Đàn lợn nái và lợn đực giống đang phát huy tốt hiệu quả, tạo nguồn lợn giống chất lượng cho phát triển chăn nuôi lợn thịt.

Trang trại chăn nuôi của anh Phạm Công Quỳnh, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du (Bình Lục) năm 2021 được hỗ trợ 10 con lợn nái hậu bị, nâng tổng số lợn nái của anh Quỳnh lên 40 con, cung cấp đủ con giống cho chăn nuôi lợn thịt, với số lượng duy trì 200 con trong chuồng. Số lợn nái được hỗ trợ đầu tư từ đề án đã phát huy tốt hiệu quả, mỗi con đẻ được 2 lứa, bình quân 10 con lợn giống/lứa/nái. Quan trọng hơn, chất lượng con giống sản xuất ra được bảo đảm, tăng trọng tốt. Anh Phạm Công Quỳnh chia sẻ: Tham gia đề án đã giúp gia đình giảm được 40% chi phí trong việc phát triển đàn lợn nái. Do vậy, tạo điều kiện mở rộng trang trại chăn nuôi tăng gần 30% so với trước.

Năm 2021, xã Đồng Du có 4 hộ chăn nuôi được tham gia đề án, trong đó có: 1 hộ được hỗ trợ mua lợn đực giống, 3 hộ nuôi được hỗ trợ mua 30 con lợn nái. Hiện nay, các hộ tham gia đều duy trì tốt đàn lợn nái sản xuất con giống phục vụ nuôi lợn thịt. Từ nguồn lợn nái được hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi lợn trên địa bàn xã. Hiện tổng đàn lợn của xã Đồng Du có gần 7.000 con, trong đó lợn nái hơn 500 con.

Theo ông Trần Đình Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Du, chăn nuôi tại địa phương hiện chủ yếu theo hướng tập trung. Tham gia đề án các hộ được hỗ trợ giúp nâng quy mô chăn nuôi. Hiện, chăn nuôi lợn vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nông dân trong xã.

Hiệu quả đề án phát triển đàn lợn nái
Anh Phạm Công Quỳnh, thôn Đồng Tâm (Đồng Du, Bình Lục) kiểm tra lợn giống sinh sản từ đàn lợn nái được hỗ trợ theo đề án.

Cũng như Đồng Du, các địa phương khác trong tỉnh cơ bản duy trì tốt đàn lợn nái và lợn đực giống theo Đề án. Năm 2021, Lý Nhân là huyện có số hộ được hỗ trợ nhiều nhất tỉnh với 43 hộ, tổng số 390 lợn nái hậu bị và 4 lợn đực giống. Qua đánh giá, đàn lợn nái và lợn đực giống sinh trưởng, phát triển tốt, duy trì tổng đàn. Đây là nguồn cung cấp con giống chất lượng cho phát triển chăn nuôi lợn thịt. Điển hình, xã Phú Phúc có 9 hộ tham gia đề án với 1 hộ nuôi lợn đực giống, 8 hộ nuôi lợn nái. Thời gian qua, đàn lợn nái sinh sản tốt, nhiều con nái sinh từ 13 – 16 con lợn giống/lứa, đều đạt chất lượng chuyển sang nuôi lợn thịt. Ông Đào Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Việc thực hiện đề án đã tạo thuận lợi rất lớn cho việc khôi phục lại chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi. Đàn lợn của xã cơ bản được duy trì trở lại về tổng đàn so với trước dịch (năm 2019).

Qua tìm hiểu được biết, đại diện các hộ dân tham gia được trực tiếp chọn lợn nái hậu bị tại trang trại của Công ty Dabaco. Đề án giúp tăng cường nguồn lợn giống, bổ sung quy mô đàn nái trên địa bàn sau dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, lợn nái máu ngoại cho khả năng sinh sản cao, chất lượng con thương phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường, hướng tới xuất khẩu. Đề án giúp nâng cao trình độ của người chăn nuôi lợn đực giống theo phương thức khai thác tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề án được triển khai góp phần thúc đẩy tái đàn lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái và lợn đực giống. Mục tiêu bảo đảm chất lượng con giống bố, mẹ trong quá trình phát triển đàn. Qua theo dõi của đơn vị, việc thực hiện đề án đi đúng hướng và đang phát huy tốt hiệu quả.

Trong năm nay, đề án tiếp tục hỗ trợ 400 con lợn nái hậu bị cho 40 hộ chăn nuôi. Hiện đã có 37 hộ tham gia đề án nhập lợn nái hậu bị về nuôi. Lợn nái hậu bị lần này nhập từ trại giống lợn ông bà của Công ty Greenfeed Việt Nam thông qua chi nhánh Hà Nam. Đặc biệt, mỗi hộ mua 10 con lợn nái hậu bị được hưởng chương trình khuyến mại của doanh nghiệp thêm 2 con, thành 12 con. Các hộ đã nhập lợn nái hậu bị về chuồng nuôi qua 21 ngày cho thấy độ ổn định. Việc tiếp tục triển khai Đề án hứa hẹn tạo nguồn con giống chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy