Vì sao trẻ hay bị ốm vào dịp Tết?

Do thói quen của người Việt trong dịp Tết, thường ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi không khoa học, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người nói chung, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết, dịp Tết, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca cấp cứu nhi, chủ yếu bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, viêm đường hô hấp…

Cũng theo bác sỹ Dũng, có khá nhiều trẻ phải vào viện do sự chưa chu đáo trong quan tâm chăm sóc, quản lý các em của người lớn. Ví dụ thời gian trước Tết, các ông bố, bà mẹ thường quá bận rộn với việc hoàn thành công việc cuối năm, mua sắm, chuẩn bị cho Tết, vì thế ít có thời gian chăm sóc con chu đáo như trong ngày thường.

Trong những ngày Tết, các ông bố, bà mẹ bị cuốn vào các hoạt động ngày Tết với việc làm cỗ, ăn uống lu bù liên miên, rồi đi chúc Tết… khiến các bé cũng ít có thời gian được quan tâm chu đáo. Thậm chí các em lại bị ảnh hưởng sức khỏe bởi những hoạt động này của người lớn như ăn uống không đúng giờ giấc, ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều thịt, nếp, ít rau, ăn nhiều kẹo bánh, hạt cắn, uống nước ngọt,… Rồi sinh hoạt bị đảo lộn, ăn ngủ không đúng giờ, di chuyển nhiều… Vì những lý do như trên sức đề kháng của trẻ bị suy giảm dẫn đến dễ bị ốm, nhiều trẻ bị rối loạn tiêu hóa, bị viêm đường hô hấp…

Điều dưỡng của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chăm sóc bệnh nhi bị viêm phổi.

Người lớn bận mải công việc, bận mải vui chơi, ăn uống ngày Tết ít sát sao đến trẻ là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn thương tích xảy ra với các em. Cách đây mấy năm ở Thanh Liêm có trường hợp mẹ mải làm cỗ, con ra bờ sông và ngã xuống dẫn đến bị đuối nước hết sức thương tâm. Không ít trẻ đi ra đường bị tai nạn giao thông, hoặc do bố mẹ uống rượu bia xong chở con trên xe gây tai nạn. Có trẻ thì bị hóc hạt cắn, hóc thạch, gia đình không biết cách sơ cứu móc rách hết vùng họng của bé vào viện phải cấp cứu đặt nội khí quản rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Có cháu bị hóc thạch vào viện người đã tím tái.

Ngày Tết trẻ cũng hay được chiều chuộng mua đồ chơi, trong đó có nhiều đồ chơi không an toàn làm cho có trẻ nhẹ thì bị ngộ độc phẩm màu từ đồ chơi, nặng thì gây thương tích cho mình hay cho trẻ khác, hoặc hóc dị vật từ đồ chơi. Ngoài ra còn có tình trạng trẻ bị ngộ độc đồ uống. 

Ngày Tết cũng có một số trẻ vào viện do bị sặc sữa, lồng ruột. Người Việt hay có kiểu bế trẻ và thơm, tung, cù cho các cháu cười. Ngày Tết mọi người thường tụ tập ăn uống, vui chơi đông người nên hay bế và đùa với trẻ. Việc tung, chuyền tay nhau, cù cho các cháu cười có thể làm trẻ sặc sữa, lồng ruột.

Cũng do ít sát sao đến con cộng với tâm lý kiêng vào viện ngày Tết nên nhiều bậc cha mẹ không phát hiện ra triệu chứng khi mới ốm ở trẻ, có người phát hiện ra thì lại tự điều trị, đến khi không thuyên giảm mới đưa con đến viện. Vì thế hầu hết trẻ nhập viện trong dịp Tết đều ở tình trạng nặng. 

Việc cỗ bàn liên miên, rượu chè vô độ, sinh hoạt không khoa học... trong dịp Tết đang là một vấn nạn của Tết Việt trong những năm trở lại đây. Điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của mọi người nói chung, đặc biệt là trẻ em-đối tượng dễ bị tổn thương.

Vì sức khỏe, sự an toàn của mỗi người, đặc biệt là vì thế hệ tương lai, các gia đình hãy đón Tết một cách văn minh, để bảo đảm Tết vừa vui, vừa ý nghĩa, thực sự là lễ hội văn hóa lớn nhất trong năm của người Việt.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.