90% số bệnh nhân nhập viện cấp cứu, khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến thời tiết giá rét những ngày qua là người cao tuổi. Các ca bệnh đột quỵ, tim mạch, viêm đường hô hấp ... mà người cao tuổi gặp phải đều tăng cao kể từ đầu tháng 1/2024 đến nay.
Những ngày qua, nhiệt độ xuống thấp, nhiều người dân đã phải nhập viện vì các bệnh lý liên quan đến thời tiết như tim mạch, viêm đường hô hấp, đặc biệt là đột quỵ tăng cao. Tại khoa Hô hấp- Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, trung bình mỗi ngày có 9 đến 10 ca nhập viện vì các bệnh viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Cao điểm có ngày khoa tiếp nhận số bệnh nhân nhập viện lên tới 17 - 20 ca.
Điều dưỡng trưởng Trần Thu Hường cho biết, so với tháng 12/2023, số bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp nhập viện tăng cao, đại đa số là người cao tuổi. Có nhiều trường hợp điều trị tại gia đình nhưng không đáp ứng nên chuyển vào viện. Chỉ tính trong 24 ngày đầu tháng 1/2024, số bệnh nhân nhập khoa điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp là 180 người.
Tại Khoa Cấp cứu, nhiều bệnh nhân nhập viện phải nằm điều trị dài ngày do đột quỵ, tim mạch, viêm phổi. Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó Trưởng khoa cho biết: Đa số những bệnh nhân đột quỵ khi chuyển vào khoa đều trong tình trạng khá nặng, có dấu hiệu rối loạn ý thức, nói khó, đột ngột mất thị lực, miệng bị méo, liệt chi, đau đầu, chóng mặt bất thường… Bệnh nhân thường bị xuất huyết não, do mạch máu não đột ngột bị vỡ do tăng huyết áp cấp tính. Còn với những bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp nhập khoa cấp cứu thường bị suy hô hấp rất nặng, phải đặt ống thở máy. Không ít bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp từ trước nhập viện do bị phù phổi bởi huyết áp tăng cao đột ngột, gây tình trạng suy hô hấp, suy tim cấp cứu rất nặng nề. Đặc biệt là biến chứng nhồi máu cơ tim ở những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp. Thay đổi thời tiết, thời tiết giá lạnh, rét đậm, rét hại chính là nguyên nhân khiến nhiều người có tiền sử tăng huyết áp, loạn nhịp tim, rối loạn mỡ máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, có bệnh lý về máu, thừa cân, ít vận động…dễ bị đột quỵ.
Chị Nguyễn Thị Dinh, con của bệnh nhân Nguyễn Sỹ Nghĩa, xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên cho biết: “Cách đây vài năm, bố tôi đã bị tai biến nhẹ. Những ngày qua, thời tiết quá lạnh, ông cụ bị tai biến lần thứ hai, phải nhập viện. Cụ được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai rồi sau đó chuyển về Hà Nam. Hiện tại, cụ đã tỉnh táo, nhưng vẫn chưa thể nói được, tay và chân trái chưa cử động, chúng tôi rất lo lắng”. Hơn nửa tháng nằm viện điều trị, bệnh nhân Nguyễn Sỹ Nghĩa đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, việc phục hồi sức khỏe đối với bệnh nhân mất nhiều thời gian.
Theo ghi nhận từ 1/1/2024 đến nay, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 13 trường hợp nhập viện vì các bệnh tim mạch, 14 ca bệnh đường hô hấp, 10 ca đột quỵ. Nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, buộc bệnh viện phải phẫu thuật can thiệp kịp thời để cứu sống bệnh nhân.
Theo Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch- BVĐK tỉnh, khi thời tiết giá lạnh như hiện nay, các mạch máu co lại khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim.
Con số thống kê người bị đột quỵ thời gian qua chỉ dừng lại ở phạm vi bệnh viện, trên thực tế, có nhiều ca không kịp đến bệnh viện, tử vong ngoại viện. Cũng có nhiều ca chuyển thẳng lên các tuyến trung ương hoặc vào các bệnh viện tư nhân. Điều đó cho thấy, số người bị đột quỵ dù được so sách với các thời điểm trước đó đã tăng cao, nhưng vẫn thấp hơn con số thực tế chưa thống kê hết.
Theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, cho đến giờ, đột quỵ não vẫn là bệnh lý phổ biến, thường gặp, là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở những người trên 50 tuổi. Việc điều chỉnh, gìn giữ thói quen ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, khoa học cộng với việc vận động, thể dục thể thao trong điều kiện an toàn sẽ giúp chúng ta có một sức khỏe tốt, phòng ngừa đột quỵ
Giang Nam